Ngày phụ nữ, bàn về mối quan hệ giữa bóng đá nữ với bóng đá nam: Công bằng là công bằng nào?

14:27 Thứ bảy 08/03/2014

Hôm qua, trận đấu cuối cùng lượt đi giải vô địch bóng đá nữ Quốc gia 2014 đã diễn ra trên sân Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh). Nói như một phóng viên thể thao đang bám sát giải đấu này thì vấn đề nổi cộm nhất của cả lượt đi chính là: những khán đài hoang lạnh! Bạn nghề còn hóm hỉnh cho biết lần đầu tiên đi xem bóng đá mà mình có thể đếm xem ở trên sân có cả thảy bao nhiêu khán giả, không thiếu một người.

1. Hỏi một nhà tổ chức xem tại sao không đưa giải đấu về những địa phương "đói" bóng đá như một vài năm trước để cứu vãn tình trạng "những khán đài hoang lạnh", mà lại đưa về sân Thống Nhất - TP Hồ Chí Minh thì nghe được câu trả lời chí lý: Phải đá ở sân Thống Nhất để làm quen sân bãi trước khi tham dự VCK giải bóng đá nữ châu Á 2014.

Ai cũng biết, ở cái VCK ấy, bóng đá nữ Việt Nam đặt mục tiêu phải lọt vào Top 4 để có thể tham dự World Cup vào năm sau. Và vì mục tiêu World Cup nên việc các cô gái được làm quen sân bãi, thậm chí nằm lòng từng mô đất trên "cái sân chiến lược" là điều cần phải diễn ra. Nhưng lại hỏi vị quan chức kia: từ một cái sân vắng vẻ, lạnh lẽo ở giải VĐQG đến một cái sân được đoán là sẽ kín người, sẽ bừng bừng sôi động ở giải châu Á, liệu các nữ thủ nhà ta có rơi vào trạng thái rợn ngợp, từ đó đánh mất mình hay không?

Tất nhiên, chúng ta kỳ vọng vào bản lĩnh của các chị em - thứ bản lĩnh đã được thể hiện ở nhiều kỳ SEA Games với nhiều trận chung kết nóng bỏng, sống còn. Nhưng có lẽ, sẽ không thừa nếu giúp chị em được thi đấu tập rượt trong những cái sân bừng bừng sôi động. Vấn đề là phải làm thế nào để tạo ra một cái sân như thế? Chỗ này thì bộ phận lãnh đạo, điều hành VFF cần phải xắn tay nghiên cứu và sớm tìm ra giải pháp, bất luận việc ở thời điểm này, vấn đề tổ chức Đại hội VFF khoá VII mới là lực hút quan trọng nhất.

Cần một sự nhập cuộc lớn hơn của người hâm mộ với bóng đá nữ nước nhà. Ảnh: H.M.

2. Trong khuôn khổ bài viết này, đặt ra vấn đề sân bãi, vấn đề khán giả trong các trận đấu bóng đá nữ, chúng tôi muốn nhắm đến một vấn đề mang tính nhức nhối hơn: cứ với sân bãi này, khán giả này, bao giờ đời sống của các cô gái mới được cải thiện?

Lâu nay, chúng ta vẫn ca đi ca lại cái mà chúng ta gọi là "bất công" giữa thu nhập của cầu thủ nữ với cầu thủ nam, rằng các cô gái đoạt được nhiều HCV SEA Games, nhiều chức vô địch ĐNA nhưng bao năm vẫn sống trong nghèo khó, còn các cầu thủ nam nhiều phen thất bại, thậm chí là thất bại ê chề, thế mà vẫn thu nhập ngất trời. Phải thực tế thấy rằng có 2 yếu tố để giúp cho sự cân bằng nam - nữ trong bóng đá được thu hẹp.

Một là yếu tố chính sách, chế độ của những nhà lãnh đạo Liên đoàn, lãnh đạo địa phương. Yếu tố này đã có một bước cải tiến vĩ đại ở kỳ SEA Games 27 vừa rồi, khi ĐT bóng đá nữ được treo thưởng tương đương với ĐT bóng đá nam - điều chưa từng có trong tiền lệ. Và kết thúc SEA Games, khi ĐT nữ giành HCB, còn ĐT nam thất bại ngay sau vòng đấu bảng thì toàn bộ số tiền dự kiến thưởng cho ĐT nam cũng đã được VFF chuyển sang ĐT nữ. Nhưng nếu chỉ đợi vào tiền ngân sách (dẫu là ngân sách của FIFA, của VFF hay của Tổng cục TDTT) thì còn lâu bóng đá nữ cũng chỉ có thể được cứu rỗi ở một vài thời điểm.

Cần một yếu tố thứ hai, yếu tố quan trọng trong thời đại bóng đá thị trường, đó là sự nhập cuộc của các doanh nghiệp. Nhưng thử hỏi, doanh nghiệp nào dám đổ tiền vào bóng đá nữ khi mà các trận đấu của các đội bóng nữ luôn diễn ra trong cảnh... vắng như chùa bà đanh? Doanh nghiệp đổ tiền tài trợ bóng đá xét cho cùng là để quảng bá thương hiệu hoặc đạt một lợi ích kinh doanh nào đó, và dĩ nhiên người ta thừa khôn ngoan để biết phải đổ tiền vào chỗ nào (bóng đá nam hay bóng đá nữ) để có thể kiếm lời nhiều nhất.

Theo chúng tôi, vì đặc thù lịch sử, đặc thù hấp dẫn và cả sức lan toả khác nhau nên xét về bản chất, thu nhập của cầu thủ nữ với cầu thủ nam cũng luôn luôn khác nhau. Cái khác tất yếu này không chỉ tồn tại ở Việt Nam, mà ở tất cả các nền bóng đá trên thế giới. Nhưng người ta có thể giúp các cô gái đá bóng cải thiện đời sống bằng cách hãy bỏ tiền mua vé đến sân nhiều hơn, hãy giúp cho các chỗ trống trên các SVĐ được lấp đầy hơn, từ đó khiến hình ảnh của các nữ thủ trên các phương tiện thông tin đại chúng diễn ra thường kỳ hơn, sôi động hơn - đồng nghĩa với việc sức hút với nhà tài trợ sẽ lớn hơn.

Đề cập tới vấn đề này, chúng tôi lại chợt nhớ tới lời chia sẻ cũng của một phóng viên đang bám sát giải bóng đá nữ QG, đó là tại sao ngay cả những người vẫn tự nhận là "CĐV bóng đá Việt Nam" - những người thường xuyên đến sân hò hét, cổ vũ các ĐT hút hàng của BĐVN như "ĐT U.19", "ĐT U.23" lại vắng mặt một cách có hệ thống trong các trận đấu tại giải vô địch nữ?

"Đừng gọi tụi em là "người hùng" anh nhé...!"

Có một điều rất lạ là trong khi dư luận cứ kêu ca, phàn nàn về sự bất công trong đời sống giữa cầu thủ nam với cầu thủ nữ, thì trong nhiều cuộc tiếp xúc với chúng tôi, chính các cô gái lại rất xem nhẹ vấn đề này. Nói như cô bé Nguyễn Thị Liễu ở đội Hà Nam thì "thi thoảng ngồi với nhau, nói về ĐT nam, chúng em cũng bàn tán với nhau này nọ. Nhưng chỉ là này nọ, chốc lát rồi thôi. Điều quan trọng là chúng em đam mê cái nghề này, và quyết sống chết với đam mê ấy".

Khác với ĐTQG nam, mỗi lần ĐTQG nữ hội quân ở trung tâm bóng đá trẻ VFF thì các cô gái vẫn giữ thói quen ngồi "túm năm tụm ba" ở những quán trà đá vỉa hè trước trụ sở Liên đoàn. Thậm chí chính từ những quán trà đá ấy, đã có cô gái gặp được "một nửa" của mình, rồi nên vợ nên chồng từ đó. Thế nên trong một bài viết về bóng đá nữ đăng trên Báo An ninh thế giới cuối tháng trước đây, tôi có sử dụng cái title "Những người hùng trà đá".

Đọc xong bài báo, một nữ tuyển thủ điện thoại cho biết: "Trà đá thì được, nhưng "người hùng" thì lên gân quá anh ơi. Đừng gọi tụi em là "người hùng" nữa nhé". Sau lần ấy thì tôi cứ nghĩ: cái hay của các cô gái phải chăng nằm một phần chính ở chỗ này, ở cái chỗ mà người ngoài cứ gọi mình là "người hùng" (sự thực thì tôi nghĩ họ xứng đáng với danh xưng ấy khi đã nhiều lần lên đỉnh đầu khu vực) nhưng bản thân mình lại không bao giờ nghĩ mình như thế cả!?

Phan Đăng
Diệp Xưa | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục