Một số điều hay và dở của IPTL

14:23 Thứ ba 17/02/2015

Tại IPTL, ta có cơ hội xem Maria Sharapova đứng cặp với Andy Murray; Serena Williams đi đôi với Tomas Berdych; Roger Federer phấn khích cùng Gael Monfils…

Hay:

Các tay vợt “huyền thoại” có lại cảm giác cũ: Họ thỉnh thoảng vẫn chơi các trận đấu biểu diễn nhưng cảm giác cùng chung một đội với các tay vợt trẻ để tranh chức vô địch hoàn toàn khác. Tinh thần thi đấu, khát vọng ăn thua… của họ lên cao bù đắp cho sự chậm chạp đôi chút của bước chân. Thực tế, các trận của họ được khán giả rất thích.

Các siêu sao bắt cặp đánh đôi: Tiền thưởng bèo khiến các tay vợt hàng đầu chẳng mấy khi đánh đôi ở các giải chuyên nghiệp nên ta chẳng có điều kiện xem họ thi thố đánh đôi. Tại IPTL, ta có cơ hội xem Maria Sharapova đứng cặp với Andy Murray; Serena Williams đi đôi với Tomas Berdych; Roger Federer phấn khích cùng Gael Monfils…

Tình thân thiết bên ngoài sân: Nhảy múa, cười đùa, phục vụ nhau nước và khăn… nhìn các tay vợt thân thiết bên ngoài sân có lẽ là điều tốt nhất với các CĐV tennis. Không ngạc nhiên nếu giải có biệt danh “Giải sung sướng mở rộng” (Happiness Open).

Khung cảnh đằng sau hậu trường: IPTL làm tốt trong việc thu và đưa hình ảnh, video các tay vợt chụp hình tự sướng, cùng nhau đi máy bay riêng, xe bus… lên các công cụ truyền thông. Với các khán giả, được xem những hình ảnh này thú vị chẳng khác khi họ xem các ngôi sao trên sân đấu. Đây là điều các giải WTA, ATP còn thiếu xót.

Dở:

Những tay vợt sắp về vườn: Singapore Slammers xếp bét vì họ có những mắt xích yếu như Daniela Hantuchova và Lleyton Hewitt. Họ từng lần lượt là số 5 nữ và số 1 nam thế giới nhưng thời của họ đã hết. Đứng giữa rừng sao tốp 10, họ chỉ biết chịu trận, cho dù chuyện thắng thua không được đặt quá nặng như ở các giải đấu chính thức.

Tiếng còi báo hết giờ: Để nhịp độ trận đấu nhanh, ban tổ chức quy định thời gian phải đưa bóng vào cuộc giữa hai điểm số là 20 giây. Kim đồng hồ đếm ngược và gần hết giờ sẽ có một hồi còi rúc lên. Các tay vợt rất khó chịu với âm thanh này. Một số tay vợt rất hối hả đưa bóng vào để khỏi phải nghe tiếng đó nên lỗi giao bóng hơi nhiều. Thỉnh thoảng, các tay vợt đối thoại với trọng tài về các tình huống tranh cãi, đồng hồ vẫn đếm ngược.

Bóng chạm lưới vào ô giao bóng, chơi tiếp: Đây cũng là phương sách để tiết kiệm thời gian. Thứ nhất, các tay vợt lưỡng lự khi trả bóng vì họ có thói quen cũ là dừng lại, nên các cú trả bóng khá tồi. Thứ hai, nhiều tình huống tay vợt trả bóng không thể chạy lên kịp khi bóng rơi ngay sát lưới.

Những luật lệ lằng nhằng, không cần thiết: Ví dụ như quy định đội thắng set cuối cùng đang dẫn trước thì trận đấu kết thúc; đội thắng set cuối cùng đang thua thì hai tay vợt chơi tiếp đến khi nào tay vợt đội đang dẫn trước thắng 1 game thì trận đấu kết thúc.

Ở trận Indian Aces gặp UAE Royals tại Dehli, set cuối Roger Federer thắng Novak Djokovic 6-5, nhưng UAE Royals của Djokovic đang dẫn trước 28-22. Chiếu theo quy định trên, hai tay vợt phải vào sân chơi tiếp cho đến khi Djokovic thắng 1 game mà UAE Royals vẫn dẫn trước thì trận đấu mới kết thúc nghiêng về UAE Royals.

Nếu lúc này Federer thắng 6 game liên tiếp để cân bằng tỉ số 28-28 thì hai tay vợt sẽ thi đấu loạt super shoot-out kéo dài 7 phút để quyết định đội chiến thắng. May là trận đấu trên không kéo dài khi Djokovic thắng luôn game đầu tiên khi họ trở lại sân đấu. Tỉ số cuối cùng thành 29-22.

Nguồn: Tạp chí Thế giới Tennis

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục