Môn thi đấu “độc” tại SEA Games 28: Netball

13:59 Thứ năm 21/05/2015

Netball ra đời từ bóng rổ cổ điển, nhưng phát triển theo hướng chiến thuật và nhanh hơn là cạnh tranh.

Theo quy định của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á (SEAGF), các nước chủ nhà SEA Games có quyền giới thiệu và đề cử các môn thi đấu. Vì vậy, cứ mỗi kỳ SEA Games đến, người ta lại biết nhiều hơn về các môn thi đấu “độc” là “đặc sản” của nước chủ nhà.

Ở SEA Games 28, người hâm mộ thể thao sẽ được biết đến các môn thể thao mới như Netball, Rugby 7s, Floorball, Softball, những môn thi đấu được ít người dân ở khu vực Đông Nam Á biết đến. Để tiện cho độc giả, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu về những môn thể thao này.

Netball – Bóng rổ phiên bản 2.0

Netball (tạm dịch – bóng lưới) là môn thể thao tương đồng với bóng rổ với 2 đội chơi (mỗi đội 7 cầu thủ). Netball phát triển và ra đời từ thủa sơ khai của bóng rổ tại nước Anh vào những năm 1890. Tuy vậy, phải cho đến năm 1960, luật thi đấu quốc tế cho môn netball mới chính thức được ra đời.

Netball là môn thể thao khá phổ biến tại Singapore.

Ở thời điểm đầu tiên, tổ chức quốc tế chịu trách nhiệm điều hành các giải đấu netball quốc tế được thành lập với tên gọi “Liên đoàn quốc tế Netball và bóng rổ nữ”. Sau này, tổ chức này được đổi tên thành “Liên đoàn Netball quốc tế”. Tính đến năm 2011, Liên đoàn Netball quốc tế có 60 đội tuyển quốc gia và được chia làm 5 khu vực.

Tại Việt Nam, netball xuất hiện lần đầu tiên trong các trường học vào khoảng năm 2004-2005. Ở thời điểm đó, Sở Giáo dục & đào tạo Tp. Hồ Chí Minh và Trung tâm Thể dục thể thao quận 1 đã thử nghiệm đưa netball vào chương trình thể dục ngoại khóa dành cho đối tượng học sinh cấp 2 trên địa bàn quận 1.

Sân và bóng thi đấu

Sân thi đấu Netball có hình chữ nhật với chiều dài 30,5m và chiều rộng 15,25m. Sân được chia là 3 phần: 2 phần với tên gọi “Phần ba ghi bàn” và một phần với tên gọi “Phần ba trung tâm”

Sân thi đấu môn Netball.

“Vòng ghi bàn” là hình bán nguyệt có bán kính 4,9m được đặt ở chính giữa cuối phần sân thi đấu của mỗi đội.

Rổ của Netball có bán kính 380mm và đặt ở độ cao 3,05m và không có bảng rổ ở phía sau.

Bóng của Netball thường được làm bằng da hoặc cao su có đường kính … và cân nặng vào khoảng 397 – 454 gr.

Luật chơi

Mục tiêu của Netball là ghi nhiều điểm số hơn so với đối phương. Bàn thắng được tính khi một thành viên của đội ném bóng vào rổ từ “Vòng ghi bàn” (Shooting circle) vào rổ.

Cũng giống như bóng rổ, nhiệm vụ của mỗi đội là bảo vệ rổ phần sân của mình và tấn công rổ trên phần sân của đối phương.

Netball hạn chế va chạm nên trẻ em cũng có thể chơi.

Mỗi trận đấu Netball gồm 4 hiệp, mỗi hiệp 15 phút. Netball có thể chơi ngoài trời hoặc trong nhà.

Mỗi đội trong Netball có 12 cầu thủ nhưng chỉ được phép có tối đa 7 cầu thủ trên sân ở một thời điểm cụ thể.

Mỗi cầu thủ được phân công một nhiệm vụ riêng biệt và bị giới hạn di chuyển trong một khu vực nhất định trên sân.

Hai cầu thủ được phép di chuyển vào “Vòng ghi bàn” sân đối phương phải đặt cả 2 chân xuống sàn ở thời điểm ném bóng ghi bàn. Các cầu thủ được phép “nhẩy úp rổ” giống như trong bóng rổ. Tuy nhiên, cầu thủ tấn công không được phép chạm vào thành rổ hay lưới. Cầu thủ cũng được phép nhẩy ném bóng nhưng bóng phải được ném trước khi bất kỳ chân nào của cầu thủ chạm đất.

Mỗi bàn thắng hợp lệ được tính 1 điểm, mỗi cầu thủ có tối đa 3 giây để giữ bóng trước khi phải chuyền bóng cho người khác.

Khác với bóng rổ, trong Netball, cầu thủ phòng thủ không được phép tiếp cận quá gần cầu thủ tấn công và không được phép nhẩy để cản pha ném bóng của đối phương. Ngoài ra bóng không được phép chuyền từ “Phần ba ghi bàn” sân nhà trực tiếp cho “Phần ba ghi bàn” sân đối phương, bóng bắt buộc phải được chuyền qua “Phần ba trung tâm”.

Vị trí thi đấu

Mỗi cầu thủ thi đấu trên sân chịu một trách nhiệm cụ thể và khoác áo đấu có in ký hiệu của vị trí thi đấu của họ trên sân. Có 7 vị trí thi đấu khác nhau trong Netball:

Người giữ rổ (GK)

Nhiệm vụ chính của “Người giữ rổ” là bảo vệ bên phần “Phần ba ghi bàn” sân nhà và ngăn không cho đối phương ghi bàn. Người giữ rổ chỉ được phép di chuyển trên “Phần ba ghi bàn” sân nhà.

Hậu vệ rổ (GD)

Nhiệm vụ chính của “Hậu vệ rổ” là phối hợp với “Người giữ rổ” ngăn chặn các cầu thủ tấn công đối phương di chuyển và ghi bàn. Hậu vệ rổ được phép di chuyển trên “Phần ba trung tâm” và “Phần ba ghi bàn” sân nhà (bao gồm cả “Vòng ghi bàn”).

Hậu vệ cánh (WD)

Hậu vệ cánh chịu trách nhiệm ngăn chặn Tiền đạo cánh của đối phương ở khu vực “Phần ba ghi bàn” sân nhà và “Phần ba trung tâm”. Hậu vệ cánh không được phép di chuyển vào khu vực “Vòng ghi bàn” sân nhà.

Trung tâm (C)

Cầu thủ Trung tâm là người kết nối “Phần ba ghi bàn” sân nhà với “Phần ba ghi bàn” sân đối phương. Cầu thủ này đóng vai trò quan trọng cả trong phòng ngự và tấn công. Cầu thủ Trung tâm được phép di chuyển trên toàn bộ mặt sân, ngoại trừ 2 “Vòng ghi bàn”.

Tiền đạo cánh (WA)

Tiền đạo cánh có trách nhiệm chuyền bóng cho cầu thủ Ghi bàn và Tiền đạo ghi bàn. Tiền đạo cánh được phép di chuyển trong khu vực “Phần ba trung tâm” và “Phần ba ghi bàn” sân đối phương, nhưng không được di chuyển vào “Vòng ghi bàn”.

Tiền đạo rổ (GA)

Tiền đạo rổ chịu trách nhiệm phối hợp với Người ghi bàn để ghi điểm cho đội nhà. Tiền đạo rrổ được phép di chuyển trên “Phần ba trung tâm” và “Phần ba ghi bàn” sân đối phương (kể cả “Vòng ghi bàn” sân đối phương).

Người ghi bàn (GS)

Nhiệm vụ chính của Người ghi bàn là ghi điểm cho đội nhà. Người ghi bàn chỉ được phép di chuyển trên “Phần ba ghi bàn” sân đối phương.

Đức Minh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục