Mô hình HAGL liệu có thất bại?

14:02 Thứ ba 03/09/2019

HAGL là CLB tiên phong của bóng đá Việt Nam trong việc đào tạo trẻ hướng đến xuất khẩu cầu thủ, nhưng liệu rằng người đi trước có đạt được thành công.

Trước HAGL, bóng đá Việt Nam không phải là chưa từng có ai xuất ngoại, hai cựu danh thủ Lê Huỳnh Đức và Lê Công Vinh đều từng thi đấu dưới màu áo các CLB nước ngoài, những Thạch Bảo Khanh, Thành Lương hay Văn Quyết cũng đều nhận đc sự quan tâm và mời mọc từ phía các nước láng giềng. Tuy vậy, nếu nói về việc xuất khẩu cầu thủ một cách “có định hướng” thì không thể không gọi tên HAGL.

Bầu Đức bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ, thậm chí đánh đổi những cơ hội kinh doanh khi lấy đất trồng cao su xây học viên, để tạo nên lứa cầu thủ làm nức lòng người hâm mộ những năm 2013-2014. Tất cả những viên ngọc bầu Đức tạo ra đều được ông hướng sự ưu tiên đến việc xuất khẩu. Ngay cả thời điểm hiện tại, khi Công Phượng đến Bỉ, ông bầu này cũng tự hào rằng “một Công Phượng đi nước ngoài một tháng có thể nuôi 12 cầu thủ ở nhà”, có thể thấy rõ bầu Đức rất tự hào về chiến lược của mình và rõ ràng là nó đêm lại thành công, ít nhất là về mặt lợi nhuận tài chính.

Tuy vậy, cũng không khó nhận ra tình cảnh khó khăn của Công Phượng ở châu Âu, khi anh liên tục phải ngồi ghế dự bị hoặc không được đăng ký thi đấu ở đội bóng mới. Và một điều khá nghịch lý đã diễn ra khi giờ đây Công Phượng có lẽ phải nhờ vào sự thể hiện ở đội tuyển Quốc gia để khiến CLB không lãng quên mình, điều trái ngược hoàn toàn với các cầu thủ khác trên thế giới.

 - Bóng Đá

 Vậy thì, liệu sự xuất ngoại của các cầu thủ HAGL có thực sự thành công?

Trường hợp Xuân Trường và Tuấn Anh có thể xem là thất bại. Bởi hai cầu thủ này không thể hiện được gì tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Xuân Trường thậm chí còn phải tháo chạy khỏi ghế dự bị ở Thai League để trở về Việt Nam. Còn về Tuấn Anh, ai cũng tiếc cho anh khi không may dính những chấn thương khiến cầu thủ tài hoa này không thể phát huy toàn bộ năng lực, nhưng bóng đá là như vậy, chúng ta không thể tiếc nuối quá khứ mãi mà phải nhìn vào thực tế rằng rất khó để Tuấn Anh có thể xuất ngoại và làm nên một điều gì đó ở hiện tại.

Chỉ còn Công Phượng, ngôi sao sáng nhất và cũng có thể xem là thành công nhất khi anh đã tiến đến châu Âu chơi bóng. Nhưng như đã nói ở trên, sợ rằng mối duyên với lục địa già của cầu thủ gốc Đô Lương sẽ không dài nếu tình hình hiện tại cứ tiếp diễn.

Những thất bại, hay thành công nửa vời trên xảy ra là do đâu? Có lẽ là ngay từ khi bắt đầu, mô hình HAGL đã có trục trặc. Sau thành công năm 2014, bầu Đức loại bỏ gần như toàn bộ các cái tên cũ của HAGL và để “đám trẻ” lên thay thế. Không rõ có ai trong ban điều hành của HAGL can ngăn bầu Đức hay không, nhưng quả thực đây là một quyết định sai lầm. Có lẽ cũng không có CLB nào trên thế giới lại làm như vậy. La Masia hùng mạnh của xứ Catalonia cũng không thể cung cấp cho Barcelona toàn bộ đội hình, và có cung cấp được thì cũng không HLV nào dám dùng, dù có là Pep Guardiola cũng chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm một vài trận đấu 100% cầu thủ từ lò La Masia mà thôi.

Nhưng bầu Đức đã làm như thế, và hệ quả là đã 4 mùa V-League trôi qua, cuộc chiến quen thuộc của HAGL vẫn chỉ là trụ hạng và hướng đến vị trí giữa bảng xếp hạng. Các cầu thủ trẻ “tự bơi” quá sớm ở V-League và đến giờ khi họ lớn về tuổi thì cũng chưa lớn được trong cách chơi bóng. Và khi bị tách ra khỏi tập thể quen thuộc, đến những vùng đất mới, đến những nền bóng đá mới, họ hụt hẫng là điều đương nhiên.

Hãy nhìn ra thế giới, Man City đang làm gì với một trong những tài năng trẻ sáng giá nhất của họ, Phil Foden? Dù truyền thông tung hô lên mây, dù Guardiola hết lời khen ngợi, nhưng Foden vẫn xuất hiện một cách hạn chế trong đội hình Man City thi đấu tại giải ngoại hạng. Cầu thủ sinh năm 2000 dù được xem là “ngọc đã thành khí” thì anh vẫn phải tập luyện, vẫn phải học hỏi và vẫn phải ngồi xem các đàn anh chơi bóng chứ chưa thể được vào sân để trở thành một cái gì đó quan trọng. Những người ở Man City không nhận ra tài năng của Foden, hay họ không tin tưởng anh, hay thậm chí là muốn “trù dập”. Không, họ chỉ đơn giản là muốn ngôi sao thế hệ mới, “của nhà trồng được” của mình thực sự là một ngôi sao khi đảm nhiệm trọng trách tại đội một. Và họ không đốt cháy giai đoạn, họ muốn một sự hoàn hảo cho tương lai của viên ngọc này.

 - Bóng Đá

 Phil Phoden dù là tài năng trẻ sáng giá vẫn được Pep cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sử dụng

Đó là cách mà một nền bóng đá phát triển làm, ép lúa chín non không thể đem lại chất lượng. Giá như 4 năm trước, bầu Đức thay vì bỏ bê đội một, rồi sau đó đôn toàn bộ đội trẻ lên V-League, mà ông mạnh tay xây dựng đội một thành một thế lực đủ mạnh, rồi dần dần đưa ngọc thô từ lò đào tạo lên mài, thì bây giờ sự tình có thể đã rất khác rồi.

Dù chậm nhưng có còn hơn không, mong rằng bầu Đức sẽ suy nghĩ lại, dừng tư tưởng hài hước rằng đội của ông “đá cho vui” tại V-League để nghiêm túc đưa đội bóng này trở lại, rồi những cầu thủ trẻ từ lò JMG lứa sau này nên được kèm cặp dần dần, thì mới hy vọng mô hình HAGL sẽ thành công. Chứ cứ như hiện tại, sợ rằng mô hình ấy rồi sẽ thất bại, mà đó là điều mà không chỉ bầu Đức, mà bất kỳ ai yêu bóng đá Việt đều không mong muốn.

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

Phan Huỳnh Tuấn | 12:34 03/09/2019
TỪ KHOÁ
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục