Manchester màu đỏ

14:34 Thứ tư 12/12/2012

Hơn một năm qua, người hâm mộ M.U vẫn yêu đội bóng của họ như thường lệ, vẫn hò reo khi thắng và ủ dột khi thua. Nỗi đau 1-6 mùa trước nhạt nhòa rất nhanh, nó chỉ là một trận thua giữa hàng trăm trận đấu của một M.U giàu truyền thống, bất chấp đã đem đến cho những người mặc áo xanh sự hả hê kéo dài. Nhưng gì thì gì, chiến thắng ngay tại Etihad vẫn là một lời khẳng định, vẫn là sự trả thù ngọt ngào mà nhiều người M.U chờ đợi. Nó đã vẽ lại sắc màu cho những bức tường thành Manchester, khi mà lớp sơn xanh vừa vẽ lên còn đang dang dở.

Khác biệt đến từ Mancini

Những giọt máu trên mặt Ferdinand chỉ càng làm người ta nhớ hơn về màu đỏ sau trận derby, và sự quá khích của “những cổ động viên ồn ào” chỉ khiến khắc sâu thêm cái văn hóa “ném tiền vào cầu thủ” ở Etihad. Tiền đã mua hàng loạt ngôi sao, đã mua luôn cái tên “City of Manchester” quen thuộc, đó là khát khao được nhảy vọt, được đi tắt của “người hàng xóm” khi phải sống cạnh một kẻ hơn mình về mọi mặt suốt chiều dài lịch sử. Man xanh là đội bóng hạng trung trước đó, và nhìn vào Chelsea, họ có quyền ao ước, nhất là khi đã có chức vô địch EPL đầu tiên. Chính sách của Man City khởi đầu rất đúng đắn, hợp thời, tiếc rằng họ đã quên: M.U khác họ không phải ở tiền, ở ngôi sao. Cái làm “Quỷ đỏ” thực sự có thể lấn át “Đại bàng”, nhất là dưới thời Sir Alex, đó là cả một cách làm bóng đá vững bền, một thương hiệu rộng mở, văn minh cả trong lẫn ngoài sân cỏ, và khi thi đấu, 11 cái riêng phải là 1 cái chung duy nhất - cái chất M.U.

Màu xanh là nhất thời? Ảnh: Internet.

Mancini mua tất cả những gì ông cho là cần thiết, còn Sir Alex cố tận dụng tất cả những gì có thể không mua. Mancini có bốn tiền đạo chắc chắn là đắt hơn bộ tứ của M.U khá nhiều, nhưng họ ghi bàn chỉ bằng 3/4 đối thủ, Mancini mua bằng được những Nasri, Clichy của Arsenal về nhưng Sir Alex lại “hớt” được Persie, người tỏa sáng trong trận đấu mà các đồng đội cũ của anh tắt ngấm. Rộng hơn, M.U xoay vòng cầu thủ, đào tạo và trao cơ hội cho các mầm non, trong khi Man xanh chỉ có một “đội hình an toàn” quanh năm chinh chiến, và cách duy nhất để cải tiến luôn chỉ là “mua thêm”. Thậm chí, dù “thừa người” như thế, khi mà đang có một bộ ba Aguero-Tevez-Silva “đồng chất đồng màu” rất hiệu quả, thì việc đặt một niềm tin “mê tín” vào… “bad boy nổi loạn” Balotelli cũng đã nói lên sự thiếu tự tin, khoa học trong chiến thuật của huấn luyện viên người Ý, đặc biệt khi thua ông lại đem chính cầu thủ mình chọn làm “bia đỡ đạn”.

So từng vị trí, Man City nhỉnh hơn, lại đá ở sân nhà trong cái tâm thế đã thắng cả hai trận mùa trước, nhiều người cũng thấy ái ngại cho M.U. Nhưng họ lầm, “Quỷ đỏ” có yếu bóng vía thế đâu, câu nói của Sir Alex không bao giờ cũ “Phong độ là nhất thời…”, và ông mua Van Persie không phải để ngồi dự bị hay vùng vằng khi bị thay ra. Thời điểm dàn sao khủng khiếp áo xanh làm nước Anh bỡ ngỡ đã qua rồi, không thể “lấy thịt đè người” được mãi. Sir Alex trắng tay với một M.U què quặt, người ta vẫn dựng tượng ông. Còn Mancini, chức vô địch phút chót kia đâu có biến ông thành người hùng, đâu có khiến Tevez, Balotelli trở nên phục thiện, đâu có khiến lối đá của Man City biến thành bản sắc. Thế giới ngoài nước Anh còn khắc nghiệt hơn nhiều, bài học Ajax, Dortmund còn đó. Cất chiếc cup đi và hãy tạm quên chiếc vương miện tưởng tượng đang đội trên đầu, tất cả đã biến đổi rồi, chỉ có Mancini là vẫn thế, kiên nhẫn với… chính ông.

Hai sắc màu, hai bóng đá

Lối chơi rập khuôn trông đợi vào các cá nhân đột biến cũng giống như một ngôi nhà hào nhoáng, nhưng kết cấu ngẫu nhiên, không ổn định, có thể sập bất cứ lúc nào. Ở đó là một Tevez thất thường, một Balotelli vô trách nhiệm, một Dzeko nhiều đòi hỏi, một Nasri quanh quẩn trong sự hám danh, một Kolo Toure từ lâu thui chột, một Barry hạng xoàng, một hàng thủ không thiếu người nhưng bị dùng loạn xạ, và cả những hợp đồng “mua cho có” ngồi vất vưởng trong khu kỹ thuật. Các mắt xích yếu có đầy, cả trong hậu trường và ngoài sân cỏ, và họ cũng chưa gắn kết với nhau đủ để là một “sợi xích”. Mớ hỗn độn những “ngôi sao” ấy đang sống bằng hơi thở của Yaya Toure, Silva, Joe Hart chứ không phải bằng những động tác khoa chân múa tay khó hiểu của huấn luyện viên bên ngoài đường pitch.

Trong khi các cầu thủ Man xanh chơi bóng đơn thuần để được trả lương, thì ở M.U, ngoài tiền, cầu thủ còn đá vì truyền thống, vì niềm kiêu hãnh của câu lạc bộ mà mình khoác áo. Ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, sự đoàn kết, tính cầu thị, cái đầu tập trung, nếu không thế thì không thể là học trò Sir Alex. Tất nhiên không thể phủ nhận đẳng cấp tăng tiến và bản lĩnh nâng tầm khi có nhiều sao. Nó đúng với M.U, nhất là khi có Van Persie. Nhờ sự xuất sắc của Persie và thói quen đá lùi của Rooney, Sir Alex tung ra cú lừa ngoạn mục cho đối phương bằng việc biến cầu thủ Hà Lan thành nam châm hút hậu vệ, để rồi người thường kiến tạo cho anh lại trở thành sát thủ. Cái ý tưởng “mình mạnh hơn” đã mở toang các khoảng trống sau lưng hàng công đội chủ sân Etihad, trong khi hàng công áo xanh vấp phải những hậu vệ “lên đồng” của M.U chơi xuất sắc bất ngờ. Đó, cái hay của huấn luyện viên không chỉ là sử dụng tốt chiến thuật, mà còn là khơi dậy trong những cầu thủ bình thường thứ sức mạnh ẩn sâu. Sir Alex đi lên từ đôi bàn tay… gần trắng nên ông không lạ, nhưng với người đem tiền trúng số đi làm ăn như Mancini, nó là cái gì khó quá.

Hình ảnh Zabaleta gục đầu ôm cột dọc gợi nhắc ký ức 1999 mà M.U quật ngã Bayern khi người ta nghĩ rằng họ không thể. Một ngày hai Judas nổi tiếng là Nasri và Tevez cùng “kiến tạo” bàn thắng cho Van Persie khiến trận đấu càng đậm xúc cảm đến lạ kỳ. Bây giờ, có lẽ những người ủng hộ Mancini tại vị nhất sẽ có cả fan M.U, vì thứ bóng đá dưới tay ông không có gì đảm bảo đội bóng sẽ khác đi sau thất bại. Nếu là một người khác đủ tầm, Man City sẽ đáng sợ lắm. Còn cho đến lúc này, Manchester vẫn màu đỏ, vậy thôi.
Mạnh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục