Lý Hoàng Nam và chuyện của người lớn

09:23 Chủ nhật 16/03/2014

Dù được mời tham gia cuộc gặp nhưng Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT và Trưởng bộ môn quần vợt lại… không có kết luận gì về trường hợp “tranh chấp” VĐV Lý Hoàng Nam giữa Liên đoàn quần vợt Việt Nam (VTF) và Công ty Thể thao Becamex. Lãnh đạo cơ quan quản lý chỉ nói theo kiểu… “hòa cả làng”: “Tinh thần là cùng đóng góp cho thể thao Việt Nam nên các bên cần tìm ra tiếng nói chung”.

Thế nhưng trước đó, chính Tổng cục TDTT đã tạo nên sự căng thẳng khi tuyên bố sẽ có kỷ luật với Lý Hoàng Nam vì không chịu tập trung đội tuyển. Họ làm điều đó vì chấp thuận đề xuất kỷ luật từ VTF, còn VTF thì cứ nhất nhất yêu cầu Lý Hoàng Nam phải làm nghĩa vụ quốc gia tại Davis Cup với lý do tay vợt này đang là đương kim vô địch quốc gia. Cả 2 tổ chức quản lý trên đều chưa hỏi ý kiến của đơn vị đang quản lý VĐV, cứ áp dụng những biện pháp hành chính “ép” phía Công ty Thể thao Becamex phải mời báo chí tham gia nhằm tạo thế cân bằng trên bàn đàm phán. Như đã biết, rốt cuộc “quả bom kỷ luật” cũng được tháo “ngòi nổ”.

Lý Hoàng Nam

Trong nhiều lý do để các bên bảo vệ quan điểm của mình, chúng tôi thấy ý kiến của bà Đỗ Thanh Yến, mẹ của VĐV Lý Hoàng Nam là đáng lưu ý nhất. Bà Yến cho rằng, dù thi đấu ở đâu, cương vị nào thì Lý Hoàng Nam vẫn là đại diện cho Việt Nam, thành tích của Lý Hoàng Nam vẫn là của quần vợt Việt Nam. Những tranh cãi ồn ào chỉ đem lại những tổn hại tinh thần cho VĐV này mà thôi.

Cần phải nhớ rằng, mới 16 tuổi, Lý Hoàng Nam đã vô địch quốc gia. Thành tích đó cho thấy đẳng cấp của Lý Hoàng Nam có thể tiếp cận với trình độ thế giới và việc anh tập trung thi đấu các giải chuyên nghiệp quốc tế để “tấn công” vào tốp 100 tay vợt trẻ thế giới là điều nên ưu tiên. Trước Lý Hoàng Nam, các tay vợt như Trần Đức Quỳnh, Ôn Tấn Lực, Đỗ Minh Quân liên tục vô địch Việt Nam (có người vô địch 7 năm liên tiếp) nhưng chẳng là gì khi bước ra đấu trường thế giới vì thiếu điều kiện. Lẽ ra, VTF và cả Tổng cục TDTT cần ủng hộ mạnh hơn cho Lý Hoàng Nam được nâng cao thành tích chuyên nghiệp của mình như cách mà môn bơi lội đang đầu tư cho VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên tập huấn dài hạn tại Mỹ.

Bài học của tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh còn đó. Anh tham gia thi đấu các giải nhà nghề thế giới quá trễ, đến 23 tuổi mới tích cực ra nước ngoài thi đấu do cũng bị rơi vào những tranh chấp của “người lớn”. Nếu không có sự quyết liệt của bà Huỳnh Thị Ngọc Liên, Phó Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông TPHCM vận động tài chính để đưa Nguyễn Tiến Minh thi đấu quốc tế, chưa chắc Việt Nam đã có tay vợt từng đứng hạng 5 thế giới này.

Yến Phương | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục