Lady Luck, “Người đàn bà” đáng thèm khát nhất sân cỏ

14:04 Thứ hai 01/10/2012 | 1

Một trong những yếu tố làm nên tính hấp dẫn cho môn bóng đá là sự may rủi, hay nói một cách văn hoa là sự chi phối của Lady Luck (Nữ thần May Mắn). Vấn đề đặt ra ở đây là sự may rủi trong môn bóng đá nên được nhìn nhận như thế nào. Liệu đây có phải là “người đàn bà” được cả giới cầu thủ, HLV, người hâm mộ thèm khát nhất hay không? Câu trả lời: Đúng thế!

Liverpool là đội kém may mắn nhất Premier League mùa trước với 33 lần dứt điểm trúng khung gỗ

MÔN THỂ THAO MAY RỦI NHẤT THẾ GIỚI

Nếu xem bóng đá là một vương quốc trong thế giới thể thao, thì tiền tệ của vương quốc ấy chính là bàn thắng. Mỗi bàn thắng ghi được đều rất quan trọng trong môn bóng đá – nhiều trường hợp trận đấu chỉ được quyết định bởi một bàn thắng duy nhất, nên sự may rủi liên quan đến các pha làm bàn thường cũng chính là sự may rủi liên quan đến toàn cục. So sánh với điểm số giành được ở các môn thể thao khác, chúng ta thấy ngay tầm quan trọng của tính may rủi trong bóng đá.

Ở môn bóng bàn, thi thoảng cũng có tình huống quả bóng đi trúng cạnh bàn hoặc đỉnh lưới và sự di chuyển của quả bóng ngay sau khoảnh khắc ấy là gần như không thể kiểm soát. Tuy nhiên, một quả “leo lưới” chỉ đem lại cho tay vợt may mắn 1 điểm trong khi người ta phải ghi ít nhất 11 điểm mới thắng cả ván (game), và phải thắng nhiều ván thì mới thắng trận (set). Cách tính điểm trong các môn bóng chuyền, cầu lông, quần vợt, bóng rổ... cũng vậy: 1 điểm giành được do may mắn thuần túy trong các môn ấy hầu như không thể quyết định toàn cục.

Với những môn thể thao không tính điểm như điền kinh, bơi lội, yếu tố may rủi tác động vào thành tích càng ít, dù không phải là hoàn toàn không có. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, người ta còn cố nghĩ ra mọi cách để loại bỏ đến mức tối đa sự tác động vào thành tích từ những yếu tố khách quan.

Còn ở các môn mà điểm số do trọng tài chấm, như thể dục, thì vấn đề lại nằm ở sự công tâm và trình độ chuyên môn của trọng tài. VĐV ở các môn này có quyền phàn nàn rằng họ không thể chủ động quyết định điểm số của mình. Nhưng rõ ràng, trọng tài là người, không phải là... Nữ thần May Mắn. Xét kỹ, vẫn phải thấy rằng bóng đá là môn thể thao chịu sự chi phối của tính may rủi nhiều nhất.

BẢN CHẤT CỦA YẾU TỐ MAY RỦI

Thế nào là may rủi? Đấy là những yếu tố mà con người không kiểm soát được. Khi Leeds thua AC Milan trong trận chung kết Cúp C2 năm 1973 vì hàng loạt quyết định kỳ lạ của trọng tài, rồi lại thua Bayern Munich trong trận chung kết Cúp C1 năm 1975 cũng vì hàng loạt quyết định kỳ lạ của trọng tài, đấy có phải là một đội kém may mắn?

Tùy bạn. Nhưng trọng tài Christos Michas, người đã “làm hại” Leeds ở trận chung kết Cúp, sau đó đã bị treo còi vĩnh viễn vì một scandal dàn xếp tỷ số. Từ đó nảy sinh nghi vấn: những quyết định sai lầm của trọng tài khiến Leeds mất cơ hội vô địch chưa chắc đã là yếu tố khách quan thuần túy. Tranh cãi về điểm số trong các môn mà kết quả là do trọng tài chấm điểm cũng tương tự như vậy. Đấy không phải là yếu tố may rủi.
Ở môn... đánh bài (bạn có thể phủ nhận: đấy không phải là môn thể thao, nhưng thực chất của vấn đề thì vẫn đáng được nêu ra), người chơi không xem việc bắt trúng lá bài nào tiếp theo là chuyện may rủi, bởi đấy rõ ràng chỉ là vấn đề xác suất. Mà khi người ta biết được xác suất xảy ra sự kiện, dù không phải một con số chính xác tuyệt đối, thì đấy cũng không hẳn là chuyện may rủi.

Đến đây, tranh cãi nảy sinh: mỗi một đường bóng dội cột, mỗi quả phạt đền thành bàn hoặc không thành bàn, liệu có thể gắn với vấn đề xác suất? Có nên xem chuyện Liverpool dứt điểm trúng cột hoặc xà đến 33 lần ở mùa trước là chuyện rủi ro thuần túy? Đã có một thời, hễ phải đá 11m luân lưu thì ĐT Anh hoặc Hà Lan thường thua trong khi Đức thường thắng. Đấy có phải là chuyện may rủi?

CÁCH KIỂM SOÁT VẬN MAY

Thomas Jefferson (tổng thống Mỹ hồi đầu thế kỷ 19) từng nói: “Tôi luôn tin vào vận may và tôi thấy rằng làm việc càng nhiều thì càng may mắn”! Những ai phủ định lập luận cho rằng Liverpool kém may mắn trong 33 lần dứt điểm trúng khung gỗ trong mùa bóng trước có thể nói cách khác: đấy là 33 lần các cầu thủ Liverpool không tận dụng được cơ hội ghi bàn. Nếu họ hay hơn, tập luyện nhiều hơn, cải thiện độ chuẩn tốt hơn, đường bóng sẽ như ý hơn?

Tất nhiên, cũng sẽ có người phản bác. Nhưng đấy là một quan điểm đáng bàn. Hãy nói sang trường hợp khác, rõ ràng hơn: khi Frank Lampard và Garreth Barry phải rút tên khỏi ĐT Anh trước thềm EURO 2012, John Terry cũng có lúc đối diện nguy cơ không thể thi đấu vì chấn thương, giới hâm mộ Anh rên rỉ về sự rủi ro. Nhưng giới khoa học chỉ rõ: người ta có thể giảm thiểu nguy cơ chấn thương nếu có hiểu biết tốt cả về y học lẫn chuyên môn bóng đá.

Nhiều người cho rằng Frank Lampard thuộc mẫu cầu thủ may mắn, bởi anh có rất nhiều pha ghi bàn mà bóng đổi hướng sau khi bay trúng hậu vệ đối phương. Nhưng, cũng như trong môn đánh bài, Lampard quyết định sút bóng vì anh biết là có thể xảy ra tình huống may mắn. Hễ “kén cá, chọn canh”, không sút khi không biết chắc là có may mắn hay không, thì chỉ biết chắc một điều: sẽ không có bàn thắng nào. Đấy cũng là một khác biệt đáng bàn.

Cứ thế, tranh cãi liên quan đến chuyện may rủi cứ tồn tại mãi trong môn bóng đá, làm cho môn này càng hấp dẫn, đáng nhớ...

Bàn thắng của Darren Bent vào lưới Liverpool

CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT?

- Theo một cuộc nghiên cứu của công ty Anh National Lottery, Manchester United chính là CLB may mắn nhất tại nước Anh, với 37% số phiếu của người hâm mộ. Sau M.U là Chelsea (20% số phiếu) và West Ham (15%). CLB kém may mắn nhất là Sheffield United (29%).

- Bàn thắng của Darren Anderton vào lưới ĐT Colombia trong trận giao hữu vào năm 1995 là giây phút may mắn nhất trong bóng đá đỉnh cao của nước Anh. Sau cú dứt điểm của Anderton, quả bóng văng từ cột dọc này sang cột dọc khác đúng 3 lần trước khi văng vào lưới.

- Tại EURO 1968, Italia hòa Liên Xô 0-0 ở vòng bán kết. Phương pháp chọn đội đi tiếp ở thời điểm ấy là... tung đồng xu. Italia thắng trong trò chơi thuần túy may rủi ấy, lọt vào chung kết. Họ lại hòa Nam Tư 1-1 trong trận chung kết và thắng ở trận tái đấu.

- Một trong những bàn thắng kỳ lạ nhất trong bóng đá quốc tế là bàn thứ 5 của Thụy Điển trong trận gặp Iceland vào năm 2007. Marcus Allback thoải mái đưa bóng vào lưới, trong hoàn cảnh chính anh chẳng hiểu vì sao hậu vệ và thủ môn Iceland đều không truy cản. Thì ra hàng thủ Iceland tưởng rằng trọng tài đã thổi phạt đền trước đó, nhưng không hề có.

- Trong trận Sunderland thắng Liverpool 1-0 ở giải Premiership hồi tháng 10/2009, Darren Bent ghi bàn duy nhất trong một tình huống may mắn hiếm thấy. Sau cú dứt điểm của Bent, bóng bay trúng một quả bóng bãi biển mà ai đó ném xuống sân từ khán đài, rồi đổi hướng bay luôn vào lưới Pepe Reina.

- Cho đến bây giờ, vẫn chỉ có 1 người thật sự hiểu rõ bàn thắng quyết định của Ronaldinho trong trận tứ kết Brazil – Anh tại World Cup 2002 là tuyệt đỉnh may mắn hay tuyệt đỉnh xuất sắc. Từ cự ly khoảng 50m, Ronaldinho sút phạt, bóng bay luôn vào góc cao khung thành David Seaman. Không ai xuất sắc như thế, nếu đấy là một cú sút có chủ đích. Cũng ít ai may mắn như vậy, nếu Ronaldinho thật ra chỉ muốn chuyền cho đồng đội.

Khương Duy | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục