Kiếm sĩ đi săn vàng

07:51 Thứ bảy 23/05/2015

Trong lịch thi đấu của SEA Games 28-2015, 3 môn sẽ tranh tài sớm nhất là bóng đá nam, bóng bàn và đấu kiếm. Với kỳ vọng không nhỏ, đấu kiếm Việt Nam được chờ đợi là những người sẽ giành HCV đầu tiên cho đoàn tại Singapore năm nay. Đấu kiếm đặt chỉ tiêu 4 HCV.

1. Trao đổi với chúng tôi trong ngày 22-5, Trưởng bộ môn đấu kiếm (Tổng cục TDTT) đồng thời là lãnh đội đấu kiếm Việt Nam tại SEA Games 28-2015 , ông Phùng Lê Quang cho biết “chúng tôi đang tích cực chuẩn bị cho SEA Games và theo lịch thi đấu thì rất có thể ngay trong tối ngày 3-6, đội tuyển đấu kiếm sẽ có chiếc HCV đầu tiên.” Theo lịch, trong ngày 3-6, đấu kiếm khởi tranh tại SEA Games 28 và lúc đó, chúng ta có những gương mặt tốt nhất như Nguyễn Tiến Nhật, Nguyễn Phước Đến của tổ kiếm 3 cạnh nam thi đấu. Tiến Nhật chính là gương mặt sáng giá nhất của các kiếm thủ Việt Nam.

Gương mặt này đã làm nên lịch sử với chiếc HCĐ ở Asian Games 17-2014 cách đây chưa lâu thì bây giờ đứng trước cơ hội giành tấm HCV đầu tiên cho bản thân mình tại một kỳ SEA Games. Trong 3 kỳ SEA Games gần nhất trước đây là các năm 2009 ở Lào, 2011 ở Indonesia, 2013 ở Myanmar thì đấu kiếm chỉ được góp mặt năm 2011. Tiến Nhật cũng là thành viên đội tuyển khi đó nhưng chỉ giành được 1 HCĐ đồng đội kiếm 3 cạnh nam.

Sau 4 năm, bây giờ đấu kiếm mới trở lại với SEA Games. Đây cũng là thời điểm kiếm nam Việt Nam đang có đội hình ổn định nhất với Tiến Nhật, Phước Đến, Đức Anh, Thành An. Ông Quang nhận định rằng, rất có thể các kiếm thủ nữ năm nay sẽ khó giành được nhiều HCV như kỳ thi đấu SEA Games 2011. Năm đó, 5 chiếc HCV chúng ta đoạt được đều của VĐV nữ.

“Bây giờ, phần nào sẽ có một sự dịch chuyển sang phía các VĐV nam. Đội kiếm nữ của chúng ta vẫn có thế mạnh ở kiếm chém nhưng từ 2011 tới nay, một số VĐV lớn tuổi bắt đầu nghỉ như Hiền, Tươi, Ly… và hiện tại có nhiều tuyển thủ nữ trẻ góp mặt. Với những quốc gia như Singapore hay Thái Lan thì họ đưa tuyến trẻ đấu từ năm 2011 nên bây giờ đã kinh nghiệm hơn,” ông Quang phân tích thêm.

2. Đấu kiếm là môn đi bằng ngân sách nhà nước nhưng lại có quá trình tập luyện theo kinh phí xã hội hóa của địa phương. Đội tuyển được tập trung từ đầu năm nhưng theo 2 địa điểm là TPHCM và Hà Nội. Các địa phương trên đều trả kinh phí là chính và Tổng cục TDTT chỉ hỗ trợ phần nào. Thế nên lúc này, nhóm tuyển thủ của kiếm TPHCM đang đi tập huấn tại Hàn Quốc (từ tháng 3) là tiền của đơn vị chủ quản, còn nhóm miền Bắc với nòng cốt là Hà Nội đi Trung Quốc tập luyện cũng thuộc địa phương chi trả.

Không ai nói ra nhưng đúng là có một nghịch lý. Bởi lẽ, dù chưa phải là môn thuộc hàng nhất nhì của thể thao nước nhà nhưng đấu kiếm đã là môn có huy chương Asian Games và từng giành vé trực tiếp đi Olympic. Hơi buồn rằng, ngân sách chi cho hoạt động của môn này được phân bổ từ đầu năm của Tổng cục TDTT luôn ít ỏi hơn với nhiều môn khác.

Chính vì không có sự “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” như vậy nên đôi lúc, tiếng nói của bộ môn đấu kiếm với địa phương chưa thật đủ uy để các bên nể sợ.

Thêm một lẽ nữa, đấu kiếm với SEA Games có thể lúc có lúc không nhưng khi nó đã là môn Olympic thì các kỳ Asian Games luôn được tham dự. Thay cho một bước đệm là SEA Games, hẳn là đích nhắm xa với đấu trường thực chất sẽ hiệu quả hơn.

Đấu kiếm tại SEA Games 28-2015 có 12 bộ huy chương. Theo lịch, mỗi ngày thi đấu sẽ tranh tài 3 bộ huy chương nên môn này chỉ gói gọn trong 5 ngày (có 1 ngày nghỉ là 5-6 trùng vào lễ khai mạc). Hiện tại, nhóm VĐV đang tập huấn ở Hàn Quốc gồm kiếm 3 cạnh nam và kiếm chém nam, nữ. Kiếm liễu đang có mặt tại Thượng Hải (Trung Quốc) thi đấu giải thuộc hệ thống Grand Prix châu Á.

Nguyễn Đình | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục