Khổ thân đội tuyển rowing Việt Nam

09:50 Chủ nhật 17/08/2014

Dù đã giành 2 HCB tại Asiad 16 Quảng Châu 2010 và là một trong những môn được kỳ vọng mang huy chương về cho đoàn thể thao VN tại Asiad 17 Incheon nhưng nhiều thách thức đang diễn ra với tuyển đua thuyền rowing từ công tác ăn ở của VĐV đến việc thuê thuyền thi đấu từ nước chủ nhà Hàn Quốc.

Đội tuyển đua thuyền rowing VN hiện đang tập luyện tại CLB đua thuyền hồ Tây để chuẩn bị cho Asiad 17 dưới sự dẫn dắt của HLV trưởng Lê Văn Quang và chuyên gia người Úc Joe Donnelly. Đội tuyển rowing VN có 7 VĐV (6 nữ, 1 nam) gồm: Phạm Thị Hài, Trần Thị An (HN), Phạm Thị Thảo, Tạ Thanh Huyền (Thái Bình), Phạm Thị Huệ (Quảng Bình), Lê Thị An (Hải Dương), Nguyễn Văn Linh (Hà Nội- nam). Có lẽ rowing là một trong những môn thể thao hiếm hoi trong đoàn VN dự Asiad lần này mà các VĐV chỉ tập luyện cùng nhau còn ăn, ở thì mỗi người một nẻo.

Ăn ở thân ai người ấy lo

HLV Lê Văn Quang cho biết ông đã nhiều lần làm báo cáo gửi lên bộ môn và liên đoàn đua thuyền đề cập đến việc chưa năm nào ông thấy đội tuyển tập trung chuẩn bị cho một đại hội thể thao lớn như Asiad mà lại không có nơi ăn, ở tập trung cho các VĐV trong đội.

Do CLB đua thuyền hồ Tây thuộc sở VH-TT-DL Hà Nội quản lý nên đội tuyển quốc gia muốn tập luyện và ăn ở tại đây phải được sự đồng ý của phía Hà Nội. Ảnh: K.X

Cụ thể, các VĐV đội tuyển người của Hà Nội thì ăn ở tại CLB đua thuyền hồ Tây- đại bản doanh của đua thuyền Hà Nội. Các VĐV ở đội tuyển quốc gia nhưng là người của địa phương khác thì ăn, ở cùng với các địa phương của mình. Ví dụ VĐV Tạ Thanh Huyền, Phạm Thị Thảo đang ăn ở cùng đội đua thuyền Thái Bình bên khu dân cư ngoài CLB do Thái Bình thuê. VĐV Lê Thị An (Hải Dương) cũng thuê nhà ở bên ngoài cùng với đội đua thuyền Hải Dương. Riêng VĐV Phạm Thị Huệ (Quảng Bình) được địa phương gửi ăn ở nhờ cùng đội đua thuyền Hà Nội. Theo tìm hiểu, sự trái khoái này xuất phát từ bất đồng giữa lãnh đạo tổng cục TDTT với lãnh đạo ngành thể thao Hà Nội.

Vì không bố trí được nơi ở tập trung cho đội tuyển dự Asiad nên mấy tháng qua các VĐV trong đội tuyển rowing có tên trong danh sách các VĐV được đầu tư trọng điểm giành huy chương Asiad cũng phải tự túc thực hiện chế độ ăn cho bản thân. Được hưởng chế độ 400.000 đồng tiền ăn/người/ngày nhưng do không ăn ở tập trung, không có đầu bếp nấu nên các VĐV mỗi người ăn một kiểu. VĐV Phạm Thị Hài (Hà Nội) cho biết do ăn theo chế độ VĐV bình thường của Hà Nội nên thừa tiền Hài được đội tuyển phát để thích ăn gì thì mua nấy.

Sốc nhất phải kể đến các VĐV của Thái Bình, dù Thái Bình cũng thuê địa điểm tập luyện tại CLB đua thuyền hồ Tây nhưng thuê nhà bên ngoài khu dân cư gần CLB đua thuyền Hồ tây cho VĐV ở. Vì thế hai VĐV đội tuyển Phạm Thị Thảo, Tạ Thanh Huyền hàng ngày ngoài việc đi tập, hết giờ họ phải đi chợ nấu cơm để ăn. Phạm Thị Thảo cho biết: “Sáng 8g, sau khi tập xong, tôi đi chợ để có thức ăn nấu trưa và tối”.

Ngoài ra, các thành viên đội tuyển đội rowing VN đều phải ép và điều chỉnh cân từ giờ đến khi Asiad diễn ra nên việc ép và duy trì cân nặng phải phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của VĐV. Các VĐV cho biết họ phải tự điều chỉnh chế độ ăn uống dựa vào kinh nghiệm, tự ép cân và tự lên thực đơn cho bản thân vì hoàn cảnh mỗi người một nơi. Trong khi đó, nếu trọng lượng của VĐV vượt quá quy định của Ban tổ chức ở Asiad 17, đội đua sẽ phải chuyển lên thi đấu ở hạng cân nặng hơn và kéo theo việc cả đội sẽ mất ưu thế.

Phải bốc thăm thuê thuyền thi Asiad

Ngày 5- 9 tới đội tuyển rowing sẽ lên đường sang Hàn Quốc tập huấn đợt cuối trước khi Asiad 17 khởi tranh và sau đó sẽ ở lại Hàn Quốc để dự Asiad 17. Cũng như mọi lần, đội rowing sẽ phải đi thuê thuyền để tập luyện và thi đấu tại Asiad chứ không mang thuyền từ VN đi. Tuy nhiên do Asiad cũng sẽ có rất nhiều đội thuê thuyền nên chủ nhà Hàn Quốc cho biết sẽ yêu cầu các đội phải bốc thăm để chọn thuyền thi đấu.

HLV Lê Văn Quang cho biết: "Phía Hàn Quốc thông báo họ có ba loại thuyền, hai loại tốt và một loại xấu để phục vụ Asiad 17. Do không phải thuyền nào cũng tốt nên nên nếu đội nào bốc thăm vào thuyền tốt thì may còn nếu không may bốc thăm vào thuyền xấu thì phải chấp nhận thiệt thòi hơn trong thi đấu. Các loại thuyền xấu hơn này có tốc độ chậm hơn khoảng 2 giây so với các loại thuyền tốt".

Có thể nói tuyển rowing VN đang đánh đua với sự may rủi dù tại Asiad 17, rowing chỉ được giao chỉ tiêu giành tối thiểu 1 HCĐ- một chỉ tiêu kém xa so với 2 HCB tại Asiad 16.

Khương Xuân | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục