Khi những ông thầy… “máu chiến”

19:44 Thứ năm 02/02/2012

Không phải đợi tới vòng tứ kết Cúp QG, với những trận đấu thuộc vào dạng “chém đinh chặt sắt”, lối chơi thừa bạo lực - thiếu chuyên môn của hai đội bóng SLNA và Thanh Hóa đã được thể hiện một cách có hệ thống suốt thời gian qua. Nó khiến người ta phải đặt ra câu hỏi: Có phải các cầu thủ của hai đội này đã được những ông thầy của mình tiêm vào đầu một tư tưởng “máu chiến” hay không?

1. Nhắc đến cái tên SLNA, nhiều cầu thủ Đà Nẵng đến tận giờ vẫn run người mỗi khi nhớ lại cuộc đối đầu với đội bóng này trên sân Vinh 2 năm về trước. Trong trí nhớ của những cầu thủ Đà Nẵng, đấy là một thời điểm Sông Lam đang bết bát, nên hạ quyết tâm phải thắng trận bằng mọi giá. Và để thực hiện quyết tâm ấy cầu thủ Sông Lam đã vào trận với tư tưởng đá “chết bỏ” đối phương. Những cầu thủ Sông Lam điển hình như Huy Hoàng, Trọng Hoàng, Văn Bình… cứ hễ có điều kiện là lao cả người, cả chân vào ống quyển cầu thủ Đà Nẵng. Kết quả là phía Đà Nẵng vì muốn tránh đòn mà buộc phải nhường hẳn thế trận cho đối thủ.

Trận ấy, mặc dù thua thảm đến 0-5 nhưng cầu thủ Đà Nẵng không hề bị HLV trưởng và cả những fan hâm mộ của mình trách cứ. Bởi ai cũng hiểu đấy là một trận họ thua vì “không muốn đi viện”, chứ không phải thua vì “kém tài đối phương”. Không riêng gì Đà Nẵng, rất nhiều đội bóng khác ở V.League (giờ đổi tên thành Super League) đã chấp nhận thua Sông Lam theo dạng này – thua vì không muốn phải đồng loạt… lên xe vào bệnh viện.

Có một sự thực là bóng đá Sông Lam thời bao cấp đã nổi tiếng bởi một lối chơi chặt chém, nhưng sang thời chuyên nghiệp, dưới tay của những HLV Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Quang Hải, lối chơi chặt chém đã được thay bằng một lối chơi kĩ thuật, giàu tính cống hiến. Chỉ đến khi HLV Nguyễn Hữu Thắng lên cầm quyền thì thứ bóng đá chặt chém thời bao cấp mới hiện sinh trở lại.

2. Riêng với Thanh Hóa, thời HLV Trần Văn Phúc, Lê Thụy Hải trước đây, bóng đá Thanh Hóa chỉ gặp vấn đề ở việc “bạo loạn khán đài”, chứ chưa bao giờ bị lên án bởi lối chơi “chém đinh chặt sắt”. Nhưng không biết là vô tình hay hữu ý mà kể từ mùa giải năm nay, khi HLV Triệu Quang Hà “nhiếp chính” thì cứ nhắc đến Thanh Hóa, nhiều cầu thủ, nhiều đội bóng lại lo nơm nớp. Giới cầu thủ hiện nay hay nói tới những trận đấu mà “hơi một tí là đánh” - “hơi một tí là nổi loạn” của cầu thủ, và cả BHL Thanh Hóa.

Ở một giải đấu mang tính tập huấn đầu mùa giải như ở Vietbank Cup, khi gặp những đội bóng được cho là có “quan hệ thân thiết” với mình, thế mà cầu thủ Thanh Hóa cũng “chém”, cũng “đạp” để rồi phải nhận những thẻ đỏ vô duyên. Thế nên ở sân chơi Super League và Cúp QG vừa rồi, khi cầu thủ Thanh Hóa thể hiện một hình ảnh xấu xí, phản cảm thì dân làm nghề không ai bất ngờ, sửng sốt.

Thời còn làm cầu thủ, HLV Nguyễn Hữu Thắng (phải) nổi tiếng với lối chơi “càn quét”, đậm chất thể lực. Ảnh: Quang Minh.

Với tất cả những hiện trạng trên đây, đã có người đặt câu hỏi: Phải chăng tư tưởng bạo lực đã được các HLV Triệu Quang Hà (Thanh Hóa), Nguyễn Hữu Thắng (Sông Lam) tiêm vào não các học trò? Thời còn làm cầu thủ Quang Hà đá ở vị trí tiền vệ cánh, lại có khi đá ở vị trí tiền vệ phòng ngự, nhưng ở vị trí nào thì Hà cũng đá rất hiền, chứ không phải là tuýp cầu thủ chặt chém. Ngược lại Nguyễn Hữu Thắng ở vị trí trung vệ dập đã được ví như một “cái máy chém” đúng nghĩa. Thắng đã từng chém chân rất nhiều tiền đạo Việt Nam, chém chân cả những tiền đạo ĐNA vốn là đối thủ của ĐTVN, và có lần chém chân cả danh thủ nổi tiếng Lampordo của Italia trong một trận đấu mang tính giao hữu giữa ĐTVN với CLB Juventus trên sân Hàng Đẫy.

Mặc dù là những mẫu cầu thủ khác nhau nhưng khi chuyển qua công tác huấn luyện thì Nguyễn Hữu Thắng và Triệu Quang Hà lại gặp nhau ở một điểm, đó là cả hai đều đốt cháy năng lực chơi bóng, và năng lực cống hiến của các học trò. Cái năng lực mà nói như Nguyễn Hữu Thắng thì: “Cầu thủ là đàn ông, nên khi vào sân phải đá hết mình sao cho không hổ thẹn bản lĩnh đàn ông”. Mới đây, khi giãi bày cùng báo chí cả Hữu Thắng lẫn Quang Hà đều ra sức thanh minh theo kiểu “bóng đá đàn ông” không đồng nghĩa với “bóng đá chặt chém”. Hai ông thầy cũng đồng thời cho biết mình chỉ khuyến khích cầu thủ đá máu lửa, chứ không khuyến khích một lối chơi bạo lực.

3. Có thể sự thực diễn ra đúng như những gì cả hai ông thầy tuyên bố. Nhưng vấn đề là cái khoảng cách giữa bóng đá máu lửa với bóng đá bạo lực là rất mong manh, và cũng như thế, cái khoảng cách giữa việc “phải thể hiện bản lĩnh đàn ông” với việc lao vào đá chết bỏ đối phương trong rất nhiều thời điểm dường như không có đường biên giới. Khi kêu gọi một lối chơi máu lửa ở các học trò, hai ông thầy trẻ liệu đã chỉ ra, đã lường trước cái khoảng cách mong manh và cái thực trạng “không có đường biên giới” như thế hay chưa?

Quan sát những gì bóng đá Sông Lam và bóng đá Thanh Hóa thể hiện thời gian qua, một chuyên gia lão làng từng nhận định: “Có thể là chủ đích, cũng có thể chỉ là vô tình, nhưng tôi cảm giác rằng các cầu thủ ở hai đội bóng này đang đồng nhất bóng đá bạo lực với bóng đá giết người. Mà nếu đúng các cầu thủ đồng nhất như vậy thì lỗi trước tiên phải thuộc về HLV”.

Một nhận định tinh tế, thẳng thắn như vậy, đáng để suy nghĩ lắm!

Phan Đăng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục