Khi Nadal có quá nhiều “kẻ thù”

14:37 Thứ ba 04/08/2015

Nadal từ chỗ là người duy nhất trong số các tay vợt đương đại với nhau chỉ có “người thù” chứ không “thù người” thì nay bước vào giải đấu nào cũng có thể phải “đòi nợ”.

Những từ trong ngoặc kép nói trên hiếm khi được sử dụng trong môn thể thao như tennis, nhưng thật khó để tìm những từ khác để miêu tả về những trận đấu của Nadal trong suốt thời gian qua.

Cả Fognini cũng chỉ mặt Nadal

Có hai hình ảnh về Nadal được nói nhiều nhất sau trận chung kết ở Hamburg với Fabio Fognini cuối tuần vừa rồi: Một là Nadal đã quỳ gối và vươn hai tay lên cao ăn mừng chiến thắng – điều có lẽ Nadal chưa từng làm khi vô địch ở một giải ATP 500 trên mọi mặt sân; và hai là Fognini đã chỉ mặt mắng Nadal khi đổi sân ở cuối set 2 (điều chắc chắn nhiều người chúng ta chưa từng thấy ở tennis đỉnh cao) trong khi đang thi đấu tới mức việc cả hai tiến lên lưới bắt tay sau điểm cuối cùng gần như một cực hình.

Fognini cáo buộc Nadal đã cố tình phá vỡ sự hưng phấn ở trận chung kết Hamburg. Ảnh: Internet.

Fognini cáo buộc Nadal đã cố tình phá vỡ sự hưng phấn, nhịp thi đấu của Fognini bằng việc kéo dài thời gian giữa hai điểm. Luật của ATP là 25 giây (nhiều hơn Grand Slam 5 giây), còn Nadal thì luôn mất nhiều thời gian hơn thế.

Đó là thời điểm game thứ 9 set 2, Nadal giao bóng để có thể tạm vươn lên dẫn trước, và đặt Fognini vào thế phải chịu nhiều sức ép tâm lý (sẽ thua cả trận). Fognini dù cho rằng phải chờ quá lâu ở mỗi lần Nadal chuẩn bị giao bóng, vẫn cứ bẻ được game của Nadal.

Rồi khi tưởng Fognini sẽ lôi Nadal sang set ba thì Fognini lại liên tục tự đánh hỏng cả khi đã có set point rồi khi phải đối diện với championship point của Nadal.

Fognini là người đã từng thắng Nadal trong cả hai lần họ gặp nhau trên mặt sân đất nện trong năm nay, và đứng trước cơ hội trở thành người đầu tiên trong lịch sử thắng được Nadal tới ba lần trên mặt sân đó.

Ngay cả Djokovic trong năm 2011 cũng mới chỉ thắng Nadal hai lần trên mặt sân đất nện (dù cho chúng ta có thể cho rằng đó là do Nadal đã may mắn có Federer loại giúp Djokovic ở Roland Garros 2011).

Fognini sinh năm 1987, chỉ kém Nadal một tuổi, nhưng mãi tới năm 2013 mới bắt đầu được nhiều người biết tới. Đó cũng là năm anh lần đầu tiên trong sự nghiệp giành danh hiệu vô địch ở một giải đấu thuộc hệ thống ATP (ở Stuttgart), và một năm trước đó mới lần đầu vào chung kết.

Cho tới trước năm 2015 thì Fognini cũng như hàng chục tay vợt khác, gặp Nadal là thúc thủ. Họ đối đầu bốn lần, Fognini thua cả bốn, dù là sân cứng hay đất nện, và chỉ một lần thắng được một set.

Hai chiến thắng của Fognini trước Nadal trong năm nay, ở Rio và đặc biệt là tại Barcelona, là một phần của sự đảo lộn trật tự Nadal đã lạnh lùng thiết lập và bao người cam chịu suốt bao năm trước đó, là sự dò đáy đồ thị hình sin Nadal đã mắc ở đó và nhiều người cho rằng cứ còn dò còn thăm thẳm, là sự tiếp nối một danh sách những “kẻ thù” Nadal bỗng nhiên phải ghi nhớ trong khi họ là những người từng ước mơ một lần trong đời được đối đầu cũng thoả nguyện.

Nadal đã và sẽ có bao nhiêu “kẻ thù” nữa?

Wimbledon 2012, Nadal thất bại trước một Lukas Rosol lúc đó còn đứng ngoài Top 100. Rosol vừa đoa vừa thở phì phì với cái má phình ra như một con rắn hổ mang, khiến một Nadal vừa ức chế vừa có cảm giác bất lực trước những cú giao bóng và thuận tay bất cần đời của đối thủ.

Sau trận đấu đó, Nadal bị Rosol cáo buộc là đã cố tình huých vai vào ngực khi cả hai đổi sân.

Sẽ còn nhiều ''kẻ thù'' với Nadal như tay vợt Dustin Brown? Ảnh: Internet.

Có thể ai đó sẽ cho rằng một hành động như thế chẳng có ý nghĩa gì trong tennis cả. Nhưng thực sự thì với tennis đỉnh cao, nó là một việc kỳ lạ. Có một sự va chạm tương tự khi chính Rosol huých vai Murray thì Murray đã thẳng thừng nói vào mặt Rosol là “không có ai làm như thế”, “là dạng người chẳng có ai trong làng banh nỉ”, “là người ai cũng ghét”.

Nadal đã phải chờ hai năm để thực hiện cuộc báo thù chính thức trước Rosol khi họ gặp lại nhau tại Wimbledon 2014.

Nhưng không phải với ai Nadal cũng vay rồi trả đủ cả. “Bản danh sách những kẻ thù bất ngờ chưa thể giải quyết” của Nadal năm nay đã có tên Michael Berrer (thua tại Doha ATP 250), rồi Dustin Brown (Wimbledon). Năm ngoái có Borna Coric (Basel ATP 500), Nick Kyrgios (Wimbledon), chính Dustin Brown (Gerry Weber ATP 250). Năm 2013 thì có Steve Darcis (Wimbledon) và Horacio Zeballos (Chile ATP 250).

Trước đây, có một tính cách làm nên thương hiệu Nadal là sự nghiêm túc và nỗ lực trong từng đường bóng (cả khi trình độ đẳng cấp chênh lệch). Nadal cũng tự hào là anh luôn cháy hết mình trong mọi hoàn cảnh. Và nó còn là nguyên nhân cho sự lo sợ rằng cách chơi ấy sẽ làm hao tổn sức lực, làm tuổi thọ đỉnh cao sự nghiệp của anh ngắn lại.

Thì nay, sự nỗ lực, ý chí và lăn xả để cứu vớt những đường bóng tấn công của đối thủ, để chờ đợi một phép màu nào đó xảy đến để những thất bại đau đớn không xảy ra lại trở thành niềm cảm hứng cho những người không thích Nadal mỉa mai, hoặc dễ chịu hơn chút là thương hại.

Thực sự là những áp lực tâm lý do Nadal đã bắt đầu sang bên kia sườn dốc phải trải qua nặng nề hơn so với Federer, bởi vốn dĩ phong cách của Federer cả khi thất bại cũng vẫn cho thấy tầm vóc của một “ông chủ”, và ít “kẻ thù dạng bất ngờ” hơn hẳn.

Xét về mức độ đánh mất sự tự tin ở những giai đoạn khủng hoảng của riêng họ thì rõ ràng Nadal (2014 – 2015) thua kém hơn so với Federer (2012 - 2013).

Việc tham dự ở Hamburg rõ ràng cho thấy Nadal muốn kiếm tìm một danh hiệu để lấy lại cảm giác chiến thắng, để có được sự tự tin nào đó trong chặng đường còn lại của mùa giải 2015, dù cho việc tham dự một giải đất nện trước thềm mùa giải sân cứng là không có lợi về mặt kỹ chiến thuật.

Chỉ còn một tuần nữa, những giải lớn trên sân cứng sẽ nối tiếp nhau diễn ra (bắt đầu từ Rogers Cup) và US Open sẽ là cơ hội cuối cùng để Nadal duy trì được thành tích mỗi năm giành ít nhất một Grand Slam cho tới năm thứ 11 liên tiếp.

Thực tế là US Open Series (một chuỗi các giải sân cứng Bắc Mỹ) đã bắt đầu từ đầu tuần này với Citi Open ở Washington D.C, nơi có Dimitrov, Nishikori và cả Murray.

Cách nay hai năm, Nadal vô địch US Open – danh hiệu Grand Slam thứ 13 của anh sau khi đã về nhất ở US Open Series.

Mới hai năm nhưng mọi sự đã thay đổi chóng vánh, đã trở nên vô cùng khác biệt, như giữa ngày với đêm. Một chút khích lệ, tự tin sẽ chưa thể nào lấp đầy những khoảng trống mênh mông về thể lực, sự chới với khi phải rời xa mặt sân sở trường.

Phạm Tấn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục