Khi Messi gặp Tiki-taka kiểu người Đức

07:49 Thứ bảy 12/07/2014

Nhiều người nói tiki-taka đã hết thời, nhưng người ta đã bắt gặp một biến thể khác của chiến thuật này ở cách vận hành chiến thuật của Đức.

Người ta bảo tiki-taka khó mà phát huy hết tác dụng khi không có Lionel Messi, cũng chính người Đức đã chứng tỏ điều ngược lại khi nghiền nát Brazil với tỷ số 7-1.

Người ta mô tả 4 đội bóng vào bán kết như sau: "Argentina sống dựa vào Messi, Hà Lan sống dựa vào Robben, Brazil sống dựa vào Neymar, nhưng Đức lại có một đội bóng thật sự". Quả vậy, sức mạnh của Đức dựa vào một hàng tiền vệ rất cơ động và toàn đội hợp thành một khối. Họ không có ngôi sao, nói chính xác hơn: bất kỳ ai trong số những Schweinsteiger, Toni Kroos, hay Thomas Mueller đều có thể là ngôi sao.

Tây Ban Nha là đội đã đánh bại Đức trong trận chung kết Euro 2008 và bán kết World Cup 2010. HLV Joachim Loew cho thấy những người khôn ngoan vẫn có thể học hỏi từ những kẻ thù của mình. Đức thay đổi triệt để cách chơi, không còn rình rập thực dụng nữa mà chủ động giành quyền kiểm soát bóng, y hệt như cách Tây Ban Nha tiếp cận trận đấu. Nhưng điểm khác của Đức là họ không chuyền ngang nhàm chán mà sẽ xộc thẳng vào khung thành của đối phương ngay khi cần thiết.

Khi Đức co bóng trên phần sân nhà, Loew muốn các cầu thủ của mình lập tức chuyển thật nhanh lên trên, ngăn không cho các tiền vệ và tiền đạo của đối phương kịp lùi về phòng ngự. Kết quả của việc này là Đức tạo ra rất nhiều cơ hội và rất nhiều bàn. Nếu như Tây Ban Nha chỉ ghi được có 8 bàn trong hành trình vô địch World Cup 2010 thì bây giờ, Đức đã có 17 bàn trước trận chung kết.

Messi sẽ bị phong tỏa?

Đức khởi đầu với những chệch choạc nhất định khi Loew dường như bị ám ảnh bởi cách Pep Guardiola đã dùng Philipp Lahm quá tốt ở vị trí tiền vệ trung tâm. Nhưng ông cho thấy mình là người cầu thị khi lập tức thay đổi, kéo Lahm về vị trí hậu vệ phải sở trường, mang Schweinsteiger trở lại và đội hình Mannschaft lập tức cứng cáp trở lại.

Cái hay của hàng tiền vệ Đức là ai cũng có thể phòng ngự và ai cũng có thể tấn công. Với bộ 3 Schweinteiger, Kroos và Khedira, Loew có một tam giác chiến thuật cực kỳ linh hoạt, họ có thể đổi vị trí cho nhau mà không hề ảnh hưởng đến cự ly đội hình. Khi Kroos dâng lên và lập cú đúp vào lưới Brazil trong vòng 69 giây, người ta thấy anh đá như một tiền vệ tấn công. Pha phối hợp giữa Kroos và Khedira ăn ý không thua gì một cặp tiền đạo thứ thiệt.

Đức có một lợi thế là 6 cầu thủ trong đội hình của họ đến từ Bayern, những người đã quá quen với tiki-taka khi được dẫn dắt bởi Pep Guardiola. Loew cũng học theo sơ đồ số "9 ảo" của Pep mỗi khi Miroslav Klose không có mặt trên sân. Klose đã ghi 2 bàn và trở thành chân sút số 1 lịch sử World Cup lần này, nhưng hiệu suất ấy của Klose phần nào bị che khuất bởi lối chơi quá linh hoạt của Đức, tạo cảm giác là nếu anh không ghi bàn thì cũng có người khác làm việc ấy.

Thomas Mueller đã ghi 5 bàn, ở rất nhiều vị trí khác nhau trong vòng cấm, cũng như ngoài vòng cấm. Đấy là vì các vị trí thi đấu của Đức không hề cố định.

Họ là số 1 tại World Cup lần này nếu tính về số đường chuyền (3.421, gấp 3 lần số đường chuyền trung bình của 32 đội bóng tại giải). Lahm đứng đầu với 458 đường chuyền và thứ nhì là Kroos. Tây Ban Nha dẫn đầu danh sách chuyền bóng của World Cup 2010 với 4.773 đường chuyền. Nhưng họ bị chê là nhà vô địch chán nhất lịch sử.

Giờ đây, nếu so sánh, không nhiều người nói như thế về lối chơi của Mannschaft khi xem thầy trò Joachim Loew trình diễn ở Brazil.
Bình Minh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục