Huyền thoại Việt Nam được ví như kỳ quan bóng bàn thế giới

08:29 Thứ bảy 27/12/2014

Có những chiến tích vang dội châu lục và thế giới của thể thao Việt Nam sẽ mãi được khắc ghi trong lòng người hâm mộ cũng như các thế hệ vận động viên kế tiếp.

Trong những ngày này, khi giải vô địch bóng bàn Vietnam Open quy tụ hơn 500 tay vợt cả trong và ngoài nước đang diễn ra tại Nhà thi đấu Cầu Giấy (Hà Nội), những khán giả và vận động viên trẻ tuổi có thể ít để ý đến 2 nhân vật đã ở độ tuổi xưa nay hiếm ngồi trên khán đài. Nhưng với các vận động viên gạo cội giờ đã lên chức thầy như Vũ Mạnh Cường hoặc những người am hiểu lịch sử bóng bàn Việt Nam, 2 nhân vật vừa nhắc chính là 2 huyền thoại sống từng đứng trên đỉnh vinh quang của sự nghiệp mà họ theo đuổi.

Huyền thoại Lê Văn Tiết (giữa), Trần Cảnh Đến (phải) và cựu tuyển thủ Vũ Mạnh Cường trên khán đài Nhà thi đấu Cầu Giấy. Ảnh: Trang Dũng.

Phải đặt ra một tình huống như thế này để hiểu rõ hơn sự vĩ đại của họ. Hãy thử hình dung rằng Asian Games được tổ chức tại Nhật Bản và đội tuyển bóng bàn Nhật Bản đang nắm giữ vị trí số 1 thế giới, nhưng đội tuyển Việt Nam đã giành chiến thắng trước chính đội chủ nhà để bước lên ngôi vô địch.

Câu chuyện tưởng như hoang đường ở thời điểm hiện tại nhưng lại có thật cách đây hơn nửa thế kỷ. Năm 1958, đội tuyển bóng bàn miền Nam Việt Nam với 4 thành viên Lê Văn Tiết, Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được và Trần Văn Liễu đã làm nên lịch sử khi hạ đo ván đội chủ nhà vốn đang làm mưa làm gió trong làng bóng bàn thế giới ở trận chung kết đồng đội nam để giành tấm huy chương vàng Á vận hội.

Có giai thoại kể rằng, trước khi bước vào trận chung kết, ban tổ chức tự tin đến mức mời cả thái tử Nhật Bản đến để trao huy chương vàng cho đội chủ nhà. Nhưng khi kết thúc, ông lặng lẽ ra về và không buồn chia sẻ nửa lời. Đây là sự kiện gây chấn động làng thể thao Nhật Bản cũng như thế giới cuối những năm 1950. Báo chí Nhật dạo đó coi trận thua trước đội tuyển bóng bàn Việt Nam là một trong 2 nỗi đau lớn nhất của thể thao đất nước mặt trời mọc, bên cạnh việc võ sĩ người Hà Lan Auton Geenik đoạt chức vô địch Judo thế giới.

Năm ấy, huyền thoại Lê Văn Tiết mới chỉ 19 tuổi. Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả câu chuyện về ông. Một năm sau, ông đoạt chức vô địch đơn nam giải bóng bàn Pháp mở rộng, giải đấu danh giá nhất lúc bấy giờ. Cùng năm đó, đội tuyển bóng bàn miền Nam Việt Nam với Lê Văn Tiết đoạt huy chương đồng giải bóng bàn quốc tế Dortmund (Đức) 1959. Với những chiến tích vang dội, huyền thoại sinh năm 1939 đã được ca ngợi là kỳ quan của bóng bàn thế giới.

Huyền thoại Lê Văn Tiết và chiếc cúp vô địch giải Pháp mở rộng năm 1959. Ảnh: tư liệu

Ngoài ra, trong sự nghiệp của mình, ông Lê Văn Tiết còn sở hữu 3 tấm huy chương vàng đồng đội tại các kỳ SEAP Games (tiền thân của SEA Games) các năm 1961, 1965 và 1967. Vẫn chưa dừng lại ở đó, lịch sử bóng bàn thế giới còn ghi nhận huyền thoại của bóng bàn Việt Nam là người đã khai sinh ra lối đánh phản công độc nhất vô nhị, mượn lực tấn công của đối phương để phản đòn hạ gục đối phương. Hiểu một cách nôm na giống như trong bóng đá thì nó cũng vĩ đại như việc người Hà Lan đã nghĩ ra chiến thuật tấn công tổng lực kể cả khi phòng ngự.

Không đạt đến tầm mức của những chiến tích huyền thoại Lê Văn Tiết từng làm được và tự nhận mình chưa bằng một nửa so với người đàn anh, nhưng thời còn thi đấu, Trần Cảnh Đến cũng được xếp vào nhóm những tay vợt có hạng.

Ông chính là em trai của một huyền thoại bóng bàn khác là Trần Cảnh Được (đồng đội của Lê Văn Tiết). Tại SEAP Games 1959, đội tuyển bóng bàn miền Nam Việt Nam với 3 danh thủ Trần Cảnh Được, Trần Cảnh Đến và Huỳnh Văn Ngọc đã giành huy chương vàng đồng đội nam.

Với phong cách thi đấu hoa mỹ, Trần Cảnh Đến được ca ngợi là vận động viên có lối đánh đẹp mắt nhất Việt Nam. Cũng vì lối đánh này của ông nên từng có một so sánh rất thú vị thời đó là: “Đá bóng phải như Brazil, còn đánh bóng bàn thì phải như Việt Nam”.

Trần Cảnh Đến (giữa) cùng đội tuyển bóng bàn miền Nam Việt Nam tham dự giải vô địch thế giới ở Nam Tư 1965. Ảnh: tư liệu

Ngồi trên khán đài nhà thi đấu Cầu Giấy, cả 2 huyền thoại sống vẫn hồ hởi như ngày nào khi nhắc lại chiến tích của mình. Ông Lê Văn Tiết chia sẻ: “Đến với bóng bàn từ năm 8 tuổi nhưng tôi chưa từng nghĩ nó sẽ đi theo mình cả cuộc đời. Nhưng rồi sự say mê, tìm tòi trong quá trình luyện tập khiến tôi nhận ra rằng đây là môn thể thao phù hợp nhất với người Việt Nam mình. Bóng bàn đòi hỏi sự khéo léo, bền bỉ chứ không ăn thua nhau về sức mạnh, cũng không đòi hỏi người chơi phải có thể hình cao lớn”.

Ngoài tài năng thiên phú, một may mắn lớn đối với Lê Văn Tiết là ông được sinh ra trong một gia đình có truyền thống thể thao. Thân phụ của ông là người rất yêu thích quần vợt còn các em của ông như Lê Văn Inh, Lê Thị Kim Tuyến, Lê Văn Tân và Lê Thị Kim Hoàng sau này cũng đều là các kiện tướng từng vô địch bóng bàn Việt Nam.

Huyền thoại sinh năm 1939 cho biết chính nhờ những kiến thức của môn quần vợt chịu ảnh hưởng từ người cha được vận dụng vào môn bóng bàn nên ông mới phát kiến ra lối đánh phản công được lịch sử bóng bàn thế giới ghi nhận.

Về phần Trần Cảnh Đến, ông tâm sự những nỗi niềm đau đáu với bóng bàn nước nhà: “Mong ước lớn nhất của chúng tôi là một lần nữa được nhìn thấy bóng bàn Việt Nam làm nên những kỳ tích từ cấp khu vực cho đến thế giới giống như những năm 1950, 1960. Thời của chúng tôi, 7, 8 tuổi đã đến với bóng bàn rồi vì yêu, vì say mê nên tự mày mò tìm ra cách đánh phù hợp với mình, rèn giũa những ngón sở trường để hạ gục đối phương”.

Những huyền thoại như Lê Văn Tiết, Trần Cảnh Đến cũng chính là những tấm gương sáng đối với thế hệ hậu bối theo nghiệp bóng bàn. Ảnh: Trang Dũng

Ông thẳng thắn chỉ ra một trong những vấn đề của bóng bàn Việt Nam hiện tại: “Anh Lê Văn Tiết cũng nói rằng bóng bàn là môn thể thao rất phù hợp với người Việt Nam nhưng sự phổ cập của nó vẫn còn chưa rộng rãi. Tôi chỉ mong là mỗi trường tiểu học sẽ có ít nhất một bàn đánh đạt tiêu chuẩn để các cháu học sinh hàng ngày vừa rèn luyện thể chất vừa tìm hiểu thêm về bóng bàn. Phải có sự say mê, rèn luyện ngay từ thuở nhỏ thì chúng ta mới lại có được những thế hệ vận động viên tài năng sẵn sàng tiếp bước truyền thống của thế hệ đi trước”.

Hoàng Minh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục