Hướng tới SEA Games 27: ĐT Rowing nữ khổ luyện

16:31 Thứ tư 29/05/2013

Đối với các môn thể thao, để đạt được thành tích, có vinh quang, mỗi VĐV phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt và cả sự khổ luyện. Trong số đó, sự khổ luyện của các VĐV ĐT Rowing nữ Việt Nam là một ví dụ điển hình.

Bất cứ một môn thể thao nào cũng luôn có những bài tập thể lực vô cùng vất vả nhưng mỗi môn đều có những bài tập khác nhau để làm sao bổ trợ thể lực cho vận động viên (VĐV) một cách tốt nhất. Có thể nói, đua thuyền là một trong vài môn thể thao đòi hỏi VĐV cần có một tố chất thể lực khá cao. Hình ảnh các VĐV tập trên mặt nước đã quá quen thuộc với nhiều người, nhưng ít ai biết đến một buổi tập trên bờ của ĐT Rowing nữ Việt Nam?

Phần lớn những bài tập của các VĐV Rowing đều ở dưới nước nhưng xen kẽ vào đó là những bài tập bổ trợ trên bờ. Một tuần, các vận động viên của ĐT nữ Rowing Việt Nam sẽ có 3 buổi tập vào buổi chiều ở trên bờ.

Các VĐV ĐT Rowing nữ Việt Nam đang tích cực luyện tập chuẩn bị cho SEA Games 27. (Ảnh: Dân Việt)

Chia sẻ về giáo án tập luyện, HLV Đỗ Mạnh Tùng, ĐT Rowing nữ Việt Nam chia sẻ: “Bài tập chính thì ở dưới nước rồi nhưng ngoài ra còn có những bài tập tạ và những bài tập trên máy để hỗ trợ thêm thể lực cho các em. Những bài tập các em tập trong vòng 7 phút, vì với nội dung 2000m khi thi đấu cũng hoạt động trong 7 phút”.

Ngoài bài tập tạ, VĐV đua thuyền còn có bài tập chuyên môn là kéo máy, hay có cách gọi khác là chèo cạn. Bài tập này cần sự hỗ trợ của máy móc. Thoạt đầu, ai bước vào phòng tập này, chỉ nghe chứ không quan sát sẽ có cảm giác mình đang đứng trong một hồ nước bởi những tiếng rì rào của nước. Những động tác kéo tưởng như nhẹ nhàng, nhưng lại vô cùng nặng nhọc. Sức kéo của vận động viên sẽ được tăng dần trong quá trình tập.

HLV Đỗ Mạnh Tùng, ĐT Rowing nữ Việt Nam cho biết: “Đây là bài tập mang tính chất bậc thang nâng dần lên, từ 10 chèo, 20 chèo, 30 chèo đến 60 chèo và đi xuống, giữa những lần nghỉ là 20 chèo nhẹ nhàng”.

Mỗi lần tập máy thời gian kéo dài 20 phút. Trên máy có bảng điện tử với nhiều chức năng để kiểm tra sức khoẻ, sức bền, từ đó Huấn luyện viên có những giáo án phù hợp với từng vận động viên.

Chia sẻ về vấn đề tập luyện nói trên, VĐV Phạm Thị Thảo, ĐT Rowing nữ Việt Nam cho biết thêm: “Mỗi chiếc máy có bảng điện tử đo nhịp tim, sức kéo, thể lực, thời gian cũng như đường chèo. Tất cả đều được thể hiện hết trên máy”.

Trong khi đó, HLV Đỗ Mạnh Tùng chia sẻ: “Máy chia ra nhiều mức lực khác nhau, có thời điểm ta dùng lực mạnh nhất, khi tập chuyên môn thì tập lực mạnh, gần thi đấu các em dùng lực trung bình vì lực trung bình gần giống với lực khi các em bơi ở dưới thuyền. Bởi vậy, khi tập thì cho mức trung bình để các e cảm giác thật như ở dưới nước”.

Đối với các môn thể thao, để đạt được thành tích, có vinh quang, mỗi VĐV phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt và cả sự khổ luyện. Ở trong họ, dường như cá tính mạnh mẽ, ý chí quật cường lúc nào cũng đủ để lấn át tất cả những ngại ngùng, mệt mỏi của cuộc sống.

Diệu Chi- Văn Bình | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục