Hồi ức 14 ngày ở tù của Van Persie - Phần 1: Người hùng và thằng ngu

15:26 Thứ năm 04/07/2013

Nhắc tới Robin van Persie, người ta nghĩ ngay về những bàn thắng, về danh hiệu VĐ Premier League mà anh lần đầu sở hữu, với M.U. Thế nhưng, ít ai biết đến khoảng tối 14 ngày ăn cơm tù của Percy, sự kiện mà đến tận bây giờ, khi nhớ lại, anh vẫn còn hãi hùng…

Bài viết cung cấp độc quyền bởi

 

 

 


Tôi, người hùng

Về nhà? Cậu có bị điên không?”, Luuk hét lớn, “Cậu có biết mình là ai không? Bây giờ, cậu là người hùng, anh bạn ạ!”. Mặc dù nhận được rất nhiều lời chúc mừng và ca ngợi sau bàn thắng đầu tiên ghi được trong màu áo tuyển QG (bàn thắng ấn định tỷ số 4-0 trong trận gặp Phần Lan, giúp Hà Lan bỏ xa 2 đội bám đuôi bảng 1, vòng loại World Cup 2006) nhưng chưa ai nói với tôi như thế cả. “Người hùng” là một khái niệm hoàn toàn mới và nó khiến tôi thực sự bay bổng. Phải rồi, chen chân vào đội hình có Van Nistelrooy, Kuyt, Vennegoor of Hesselink và lại ghi bàn thắng đâu phải dễ. Cùng với suy nghĩ ấy, tôi quyết định không về nhà (nơi cách đây không xa lắm) và cùng hai chiến hữu rảo bước tới hộp đêm “Baja Beach”.

Ở Rotterdam, tôi chẳng lạ gì mấy khu này, nhưng quả thực đã hơn 1 năm nay (từ khi kết hôn với Bouchra) tôi chưa từng ghé qua. Một vài người nhận ra tôi, họ hò hét và tất nhiên, cả những lời chúc tụng sau màn trình diễn của tôi và đội tuyển. Dư âm chiến thắng vẫn còn trong họ, và tôi. Nốc cạn một ly Gin lớn, tôi bắt đầu hoa chân múa tay để mô tả sức mạnh của chúng tôi, không quên kể lể cách mình vượt qua áp lực thế nào, gã Hyypia khó chịu ra sao, cả tay Jaaskelainen khó đánh bại nữa. Ấy thế mà tôi vẫn ghi một bàn ngon ơ, thế mới tài chứ.

Choang! Có tiếng đổ vỡ và tôi thì giật bắn mình. Trong lúc ba hoa một cách say sưa, tôi vung tay phải một cô gái đang bước tới phía sau. Ly cocktail trên tay cô ả vỡ tan, và rượu thì vương vãi khắp người. Cô ta nhìn tôi giận dữ và ngúng nguẩy bước đi. Gọi một ly khác, tôi tiến lại và nói lời xin lỗi. “Bỏ đi, cậu bé”, cô ta nhìn tôi đầy giễu cợt. “Cô không biết tôi?”. “Không. Thế anh là ai?”.

Đang bay bổng trong trạng thái không trọng lượng, tôi rơi phịch xuống đất và vỡ tan như một trái dưa. Tôi vừa ngượng vừa tức, cô ta nghĩ mình là ai chứ? “Hoa hậu Nigeria ở Hà Lan”, Luuk rỉ tai tôi. Hơi bất ngờ nhưng tôi lập tức lấy lại thăng bằng. Ngay sau đó, sự tức giận ban nãy được thay thế bằng ý nghĩ chinh phục. Phải cho cô ta biết tôi là ai.

Cũng là tôi, một thằng ngu

Tôi kéo ghế lại và bắt đầu đưa đẩy câu chuyện. Sandra (tên cô ta) không khó tính như tôi tưởng và cũng lúc này, tôi mới để ý đến dự nóng bỏng của cô ả. Chúng tôi bắt đầu uống và nhảy, nghỉ một lúc lại quay về bàn, uống và lại nhảy. Cứ thế, 2 giờ sáng, chúng tôi (bao gồm cả hai chiến hữu) rời “Baja Beach” và… đi tìm khách sạn.


Nhận phòng, vừa mới mở cửa bước vào, Sandra đã đè nghiến tôi ra. Tựa như thú hoang và quên hết mọi sự, chúng tôi làm chuyện đó ngay trong phòng vệ sinh và ngủ gục tại đó tới sáng. Khi ánh bình minh chiếu vào, tôi đau đầu kinh khủng và lồm cồm bò ra. Sandra đã biến mất. Tôi cười nhạt, xách quần áo và ra về. Lúc này, tôi mới chột dạ: Đêm qua, mình đã ở “Tulip Inn”, khách sạn chỉ cách nhà có… 250m.

Nhìn thấy bộ dạng mệt mỏi của tôi, Bouchra không nói gì cả. Cô ấy thừa hiểu cuộc sống của giới cầu thủ và tin tưởng tôi tuyệt đối. Nhưng với vẻ hối lỗi, tôi cũng cảm thấy nên làm một điều gì đó. Bằng miệng lưỡi dẻo quẹo của mình, tôi tả lại buổi tối hôm qua, từ việc say xỉn cho đến… chơi gái. Tất nhiên, trong câu chuyện của mình, tôi đã đổi vai, mình nằm say ở một phòng, phòng còn lại Luuk và Mike vui vẻ với một cô gái xa lạ. Kết quả tức thì: Vợ tôi chửi rủa không tiếc lời “hai gã bạn xấu xa, thường xuyên đưa tôi vào những cuộc chơi sa đọa”, đồng thời cảnh báo sẽ cấm cửa vĩnh viễn với cả hai tay này. Tôi vô cùng thỏa mãn với kế sách của mình, để rồi sau này mới nhận ra, mình đã mắc một sai lầm khủng khiếp.


Sáng sớm ngày sau đó, khi cả tôi và Bouchra còn đang ăn sáng, tiếng gõ cửa gấp gáp vang lên, đi kèm với âm thanh khó chịu liên hồi của tiếng còi xe cảnh sát. Còn chưa kịp hiểu chuyện gì, và cũng không kịp mặc áo sơ mi, tôi bị còng tay sau khi nghe lệnh bắt khẩn cấp từ cảnh sát thành phố Rotterdam với cáo buộc hiếp dâm. Hiếp dâm? Tôi không nghe nhầm đấy chứ? Và với ai? “Sandra Boma Krijgsman”, một trong số cảnh sát lạnh lùng trả lời tôi. Bouchra đổ gục xuống sàn trong khi tôi bị lôi đi dưới muốn vàn ánh mắt soi mói của đám đông. Và như thế, tôi bắt đầu 14 ngày địa ngục…

Năm 2011, Robin van Persie cho ra cuốn tự truyện để kể lại những chặng đường đã qua, từ khi là một cầu thủ trẻ ở Feyenoord, tới đội trưởng của Arsenal. Mặc dù vậy, rất nhiều người thắc mắc bởi cuốn hồi ký của Percy không có tựa đề, chỉ đơn giản là “Tự truyện Robin van Persie”. Tại sao vậy? Nguyên bản, cuốn sách của cầu thủ người Hà Lan còn được nối dài với câu chuyện về 14 ngày trong xà lim Rotterdam, phần mà Percy vô cùng tâm đắc và lấy nó làm tựa chính. Tuy nhiên, theo sự tham vấn của người đại diện Kees Vos, nó đã được cắt bỏ vì “quá nhạy cảm và riêng tư”. Vì sự can thiệp thô bạo này, Van Persie sau đó cũng chẳng buồn ngó ngàng tới cuốn tự truyện, kể cả việc đặt lại tên tựa đề.

Vào đầu năm 2012, không hiểu bằng một cách nào đó, những trang bản thảo bị lột bỏ lại có trong tay một người có tên Stijn van Rhijn. Những nỗ lực sau đó của Kees Vos đã khiến nó không thể công bố một cách rộng rãi, nhưng dù sao, “tính riêng tư” đã mất…



Van Persie cưới Bouchra Elbali vào năm 2004, một năm trước khi xảy ra sự cố trên. Đám cưới của họ diễn ra một cách kín đáo, âm thầm và cũng rất đơn giản. Điều này xuất phát từ việc Bouchra là người theo Hồi giáo Morocco và không thích sự phô trương. Nhiều người cho rằng sau khi lấy vợ, Percy cũng phải cải theo đạo Hồi vì quy định bắt buộc của người Hồi giáo. Mặc dù vậy, anh luốn khẳng định mình thuộc chủ nghĩa vô thần.
Q. Lee | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục