Hỡi ôi bản quyền!

08:45 Thứ bảy 22/02/2014

Dư luận quan tâm về bản quyền truyền hình các trận World Cup 2014 đã bị đẩy lên tới 10 triệu USD. Chưa có tín hiệu nào cho thấy có đơn vị tham gia mua hoặc có đơn vị bỏ. Tất cả vẫn đang trong vòng đàm phán. Nhìn lại lịch sử câu chuyện bản quyền truyền hình với thể thao khác, đã có lúc từng được bàn tới…

Đã 4 năm trôi qua...

Thời điểm năm 2010, công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu AVG tuyên bố sẽ thâu tóm bản quyền truyền hình các môn thể thao tại Việt Nam trong 20 năm. Sự thật, lúc đó, theo thông báo từ công ty này, họ đã ký kết để sở hữu bản quyền truyền hình trong 2 môn bóng đá và điền kinh.

Khi đó, bản hợp đồng AVG dự định ký với một số liên đoàn, hiệp hội tuy có điều khoản quy định sẽ đàm phán lại sau 5 năm nhưng lại không có điều khoản quy định việc nếu các liên đoàn, hiệp hội không đồng ý với điều kiện do AVG đưa ra trong cuộc đàm phán sau 5 năm thì có được đơn phương chấm dứt hợp đồng hay không?

Đó là một trong những việc mà các liên đoàn, hiệp hội cân nhắc kỹ khi ký vào bản hợp đồng này. Thời gian đã trôi nhanh kể từ thời điểm đó tới bây giờ được gần 4 năm. Sự thật thì gần như câu chuyện nhắc tới bản quyền truyền hình ở các môn thể thao khác (ngoài bóng đá) không còn được đề cập nhiều. Nếu không muốn nói là đi vào dĩ vãng.

Điền kinh được cho là đã bán bản quyền truyền hình. Nhưng, ngần ấy năm là ngần ấy giải VĐQG môn này được tổ chức và chưa một lần giá trị của bản quyền truyền hình tại môn này được phát huy. Chỉ nói riêng về giải VĐQG là dễ thấy nhất.

Đó là sự kiện được chú ý, có quy mô tổ chức lớn nhất về chuyên môn đối với Liên đoàn điền kinh nhưng sự góp mặt của đơn vị nắm bản quyền truyền hình gần như không có.

Thời điểm năm 2010, dưới sự chủ trì của Bộ VH-TT&DL, cùng đại diện của Ủy ban Olympic Việt Nam đại diện các liên đoàn, hiệp hội các môn thể thao đã có buổi làm việc với đại diện AVG để nắm được thông tin chuyện đàm phán mua bản quyền truyền hình. Diễn tiến cũng chỉ mức… cân nhắc. Sau 4 năm, chưa một ai nhắc lại vấn đề này thêm lần nào nữa.

Bản quyền truyền hình các trận World Cup 2014 năm nay đã bị đẩy lên tới 10 triệu USD.

Lợi nhuận cũng chỉ là 0

Bản quyền truyền hình World Cup đối với thị trường Việt Nam đã tăng vọt giá lên 10 triệu USD. Con số tăng đột biến vì ở World Cup 2010, tiền bản quyền truyền hình bán cho các nhà đài Việt Nam chỉ là 2,6 triệu USD. Giá lên cao thì lợi nhuận cũng phải tăng theo.

Với câu chuyện của các môn thể thao khác tại Việt Nam, khi ký kết bản quyền truyền hình thì Liên đoàn điền kinh và Liên đoàn bóng đá sẽ được hưởng 20% lợi nhuận thu được từ các hoạt động thương mại của AVG, bên cạnh khoản phí hàng năm đã được thỏa thuận trong hợp đồng.

Khoản phí này sẽ được tiến hành điều chỉnh hàng năm tùy theo mức độ trượt giá do cơ quan kiểm toán Nhà nước công bố hàng năm, nhưng sẽ không được lớn hơn 20% lợi nhuận.

Tức là, Liên đoàn điền kinh ít nhiều đã được hưởng lợi nhuận từ doanh nghiệp. Thực hư đã được chuyển tiền hay chưa, chỉ các bên ký kết mới nắm rõ. Đặt trường hợp nếu có tiền thì con số là không quá nhiều. Điền kinh tiếng là môn “nữ hoàng” nhưng sức hút ở tất cả các giải quốc nội đối với khán giả cùng nhà tài trợ gần như bằng 0.

Đó là lý do, môn này dù có cả liên đoàn lẫn bộ môn nhưng hàng năm luôn phải hoạt động theo ngân sách rót từ Tổng cục TDTT chứ tuyệt nhiên chưa kiếm được các gói tài trợ nhằm gia tăng thêm ngân quỹ để mở rộng các kế hoạch tập huấn như bóng đá hay bóng chuyền đã và đang thực hiện. Đó là lý do vì sao với thể thao các môn đỉnh cao nói riêng, cái “tiếng” thì có còn “miếng” lại chưa.
Nguyễn Đình | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục