Hoàng Anh Gia Lai – JMG “tiến quân” vào miền Nam

12:10 Thứ sáu 08/05/2015

(TinTheThao.com.vn) - Trưa ngày 7.5, tại TP.HCM đã diễn ra lễ ký hợp đồng thành lập Học viện bóng đá Nutifood - Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal – JMG và kế hoạch tuyển sinh 2015. Đây là được xem là một bước tiến dài với công tác đào tạo trẻ vốn chưa được quan tâm xứng tầm ở nước ta.

Thực tế, các lò đào tạo trẻ của chúng ta không thiếu về số lượng, nhưng chất lượng thì chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Một thập kỉ trở lại đây, chúng ta có những lò danh tiếng như Nam Định, Thể Công, Sông Lam Nghệ An. Giờ thì Thể Công đã bị xóa sổ, Nam Định từ lâu cũng chẳng còn nghe tên, chỉ còn Sông Lam Nghệ An là vẫn giữ được lò đào tạo chất lượng đương tối ổn định.

Học viện Nutifood HAGL JMG ở TPHCM được thành lập là cơ hội để các tài năng trẻ khu vực miền Nam thực hiện giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Ảnh: Internet.

Đáng mừng là từ khi Hoàng Anh Gia Lai bắt tay với Arsenal thành lập học viện JMG, chúng ta đã có một học viện bóng đá có thể sánh ngang với các học viện danh tiếng trên thế giới. Trải qua bảy năm xây dựng và phát triển, lứa đầu tiên của học viện đã bắt đầu thành danh và đang cố gắng khẳng định mình. Sức hút của những Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn,… cùng những danh hiệu như vô địch U21 Báo Thanh Niên, Á quân giải U19 Đông Nam Á đã là câu trả lời hoàn hảo cho thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai – JMG.

Giờ đây, khi bầu Đức đã được tận hưởng được những “trái ngọt” đầu tiên do chính tay mình trồng, thì cũng là lúc ông bắt tay mở rộng học viện. Học viện bóng đá Nutifood - Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal – JMG ở thành phố Hồ Chí Minh được xem là chi nhánh thứ hai của học viện JMG tại Việt Nam. Bắt đầu từ đầu tháng 6, học viện sẽ chính thức tuyển sinh tại chín địa điểm của thành phố Hồ Chí Minh và 18 tỉnh thành ở phía Nam.

Rõ ràng, đây là một nước cờ sáng suốt của chủ tịch Đoàn Nguyên Đức, bởi Nutifood là một đơn vị có tiềm lực tài chính tốt. Bắt tay hợp tác với Nutifood, Hoàng Anh Gia Lai sẽ bớt đi nỗi lo về tài chính. Mặt khác, khi có một trung tâm bóng đá ở thành phố Hồ Chí Minh, các nhà tuyển trạch sẽ chủ động hơn trong công việc săn tìm những cầu thủ tiềm năng ở khu vực phía nam. Việc ăn ở, đi lại của các cầu thủ xét cho cùng cũng thuận tiện hơn nếu phải di chuyển lên tận Hàm Rồng (Gia Lai).

HAGL đã làm rất tốt công tác đào tạo trẻ. Ảnh: Internet.

Miền Nam sau một thời huy hoàng của Cảng Sài Gòn, Công An Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Quan, đã không còn là một thế lực của bóng đá Việt Nam. Như vậy, việc có thêm một trung tâm đào tạo trẻ chất lượng, thiết nghĩ sẽ vực dậy được truyền thống yêu bóng đá của người dân nơi đây. Một thành phố có đến tám triệu dân mà không thể có một đội bóng đá chuyên nghiệp đá ở V-League là điều hết sức vô lý.

Tuy nhiên, sau lễ ký kết, người ta mới nhận ra rằng, để làm bóng đá chuyên nghiệp, đặc biệt là phát triển bền vững từ lứa trẻ, vẫn chỉ có Hoàng Anh Gia Lai và phần nào là Sông Lam Nghệ An theo đuổi. Những địa phương khác, những trung tâm khác thì sao? Tư duy ăn xổi ở thì, hám cái lợi trước mắt và căn bệnh thành tích đã khiến nhiều vị lãnh đạo không dám vung tiền đầu tư vào công tác đào tạo trẻ. Kết cục là chẳng có nhiều nơi theo đuổi đào tạo trẻ tới cùng như Hoàng Anh Gia Lai.

Nói tóm lại, muốn thành công, đừng bao giờ “xây nhà từ nóc”. Đó là bài học rút ra từ bao nhiêu thất bại của bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế. Giờ thì hãy chờ xem, sẽ có bao nhiêu Công Phượng, Tuấn Anh thành danh từ mảnh đất phương Nam.

Quốc Phi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục