Hiền tài là nguyên khí của quốc gia

19:30 Thứ năm 22/01/2015

(TinTheThao.com.vn) - Người viết xin được mở đầu bằng một trích dẫn ngoài bóng đá trong bài ký đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba do tiến sĩ Thân Nhân Trung soạn: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”.

Đất nước ta thời kỳ nào cũng sản sinh ra nhiều người tài. Có thể kể đến cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp – một trong những nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất không chỉ ở Việt Nam mà còn được bạn bè trên thế giới biết đến và ca ngợi. Một giáo sư Ngô Bảo Châu đã làm rạng danh nền toán học nước nhà với huy chương cao quý Fields.

Gần đây, Trưởng ban Nội chính TW Nguyễn Bá Thanh đã nổi lên như một hiện tượng, hay nói chính xác hơn là thần tượng của bao người con Đà Nẵng nói riêng và người dân cả nước nói chung. Người hiền tài không chỉ là người có tri thức mà là tất cả những ai có năng lực, tâm huyết và khát vọng cống hiến cho đất nước. Nói thế để thấy rằng, chúng ta không cần phải đốt đuốc lên mới thấy được người có thực tài mà cần có một kế hoạch, hướng đi dài hạn để khơi dậy nhiều tiềm năng của đất nước.  

Quay trở lại chủ đề bóng đá, chúng ta đang sở hữu một lứa cầu thủ U19 đầy tài năng mà nòng cốt là các em khóa I của học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG. Nói như HLV Lê Thụy Hải: “50 năm BĐVN mới có lứa cầu thủ kỹ thuật như thế”. Tất nhiên, cái gì quý, cái gì hiếm thì cần được bảo vệ, nâng niu và tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể. U19 như đóa hoa mới nở, dịu dàng, e ấp như thiếu nữ đôi mươi.

Nhìn có vẻ bắt mắt đấy, quyến rũ đấy nhưng chỉ cần cơn gió mạnh thổi qua, liệu rằng có đủ sức đứng vững hay không!? Bởi vậy, nhiệm vụ của người làm vườn cần phải cắt tỉa, bón phân, che chắn mưa gió… để cây ngày càng cứng cáp, đủ sức đương đầu với mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt và chắc chắn hương thơm của nó sẽ còn lan tỏa hơn nữa. Vậy “người làm vườn” ở đây gồm những ai?

Trước hết, đó là những nhà quản lý, những nhà hoạch định chiến lược mà đứng đầu là VFF. Như nhiều lần đã đề cập, U19 chỉ mở ra hướng đi, cách làm khoa học, căn cơ thay vì đặt lên vai các em sứ mệnh của cả một nền bóng đá. Đồng ý với nhận định “Không hy vọng vào lứa này thì biết bấu víu vào ai đây?” nhưng cả một nền bóng đá đâu chỉ có lứa U19 HAGL, các cầu thủ của SLNA, Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng… vứt đi đâu bây giờ!?

Thay vì quan tâm hơn mức cần thiết, tại sao không để các em chơi bóng một cách tự nhiên nhất, quá trình sàng lọc sẽ diễn ra như một điều tất yếu? Thay vì chăm bẫm các em, tại sao không nhân rộng mô hình để tạo ra đội ngũ tài năng trẻ mang tính kế thừa? Mọi năm, đến hẹn lại lên, các đội trẻ ở tuyến dưới thi đấu giải VĐQG khoảng 5 trận (nếu vào chung kết), một con số quá ít ỏi.

Tại sao chúng ta không tổ chức giải đấu dành cho các lứa U như ở nước ngoài, cũng có lượt đi lượt về, qua đó tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, cơ hội để các em cọ xát nhiều hơn hay chúng ta không đủ kinh phí? Mà nếu thật sự không đủ kinh phí thì nó trái với phát biểu của ông chủ tịch, rằng sẽ tạo mọi điều kiện tối đa cho công tác đào tạo bóng đá trẻ trong nhiệm kỳ của mình.

Mới đây, Bộ VH-TT&DL vừa áp đặt chỉ tiêu U23 VN (nòng cốt là các em U19 HAGL) phải lọt vào trận chung kết SEA Games 28. Trong khi đó ở giải đấu quốc nội, mục tiêu của HAGL là trụ hạng thành công, tạo sân chơi cho các cầu thủ trẻ tích lũy kinh nghiệm. Có vẻ không được ổn cho lắm nhỉ!?

Tiếp đến là giới báo chí, truyền thông. Cái tên HAGL bây giờ đã phủ sóng rộng khắp “hang cùng ngõ hẻm”. Có cảm giác mỗi ngày trôi qua mỗi tòa soạn phải có ít nhất một bài viết về họ, có thể chẳng liên quan gì đến bóng đá. Từ chuyện phòng thay đồ, tình cảm nam nữ, hoàn cảnh gia đình, cho đến hình xăm, tuổi tác, kiểu tóc, điện thoại xịn…

Mặc cho bài viết tích cực hay tiêu cực, giá trị thương hiệu HAGL ngày càng tăng cao. Thay vì những bài báo “giật tít câu view”, gây chia rẽ nội bộ giữa các cầu thủ, giữa các đội bóng, tại sao không dành thời gian để viết những bài góp ý về chuyên môn mang tính xây dựng cao, công tác tổ chức trận đấu đã ổn chưa, BLV nhà đài đã chuyên nghiệp chưa, phát ngôn của người đứng đầu VFF đã công tâm chưa!? Hãy để các em có thời gian tập luyện, tránh bị xao nhãng, phân tâm vì những chuyện bên lề.

Cuối cùng, xin gửi đến các bạn tạm được gọi là “Fan cuồng U19 HAGL”. Yêu ai, ghét ai là quyền của các bạn, mỗi người có một cách biểu lộ cảm xúc khác nhau. Tại sao lại có thuật ngữ “Fan cuồng Kpop”? Thật ra chúng tôi có biết cô ca sỹ đó tên gì, hát bài gì, nằm trong nhóm nhạc nào đâu… Nhưng cái cách hâm mộ, biểu lộ cảm xúc có phần thái quá của một bộ phận làm cho những người ngoài có cảm giác ác cảm, kể cả ghét lây sang những người trong làng giải trí xứ Hàn.

U19 HAGL họ có tội tình gì đâu, cuộc sống của họ vẫn bình thường, ngày ngày hai buổi miệt mài trên sân tập, họ đổ những giọt mồ hôi để đem lại những phút giây thăng hoa trên sân cỏ. Còn các bạn tự phong cho họ là “đội bóng thần thánh”, những lời góp ý thẳng thắn về chuyên môn được liệt vào đố kỵ, ghen ghét. Ngay cả những siêu sao hàng đầu thế giới như Messi, Ronaldo khi đứng trên đỉnh vinh quang vẫn ra sức phấn đấu, rèn luyện để vươn lên những nấc thang mới trong sự nghiệp, thì những Công Phượng, Xuân Trường… đã là gì đâu.

Có biết tại sao những đội bóng bây giờ khi gặp HAGL đều muốn thắng họ không, thậm chí là “dằn mặt” trên sân cỏ, chính một phần nhờ “công sức” của các bạn đấy! Các bạn tự cho mình đang bảo vệ họ đấy ư? Hãy là NHM chân chính, âm thầm, dõi theo từng bước đi của họ. Để khi vấp ngã chúng ta đỡ họ đứng dậy, động viên để bước tiếp, vui trong niềm vui, buồn trong nỗi buồn cùng họ, các bạn nhé!
 
Tôi nhớ ngày còn bé, mẹ tôi có mua cho tôi chiếc áo đấu số 10 của danh thủ Lê Huỳnh Đức. Chỉ là một chiếc áo nhưng đó là món quà mơ ước của những đứa trẻ đam mê bóng đá như tôi. Cảm giác rất đỗi tự hào khi khoác trên mình màu áo đỏ thiêng liêng ấy.

Giờ đây, nhìn thế hệ của Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn… tôi tin một ngày không xa, họ sẽ trở thành thần tượng của những đứa trẻ như tôi ngày xưa. Người viết tâm niệm rằng, chừng nào áo đấu của họ xuất hiện trên lưng những đứa trẻ chăn trâu, trong những trận đấu “không khoan nhượng” trên cánh đồng lúa mới gặt thì lúc đấy bóng đá ta đã sống lại thật rồi.

Và để thay cho lời kết, xin mượn lời của nhà báo Hữu Thọ: “Nhân tài không có năng lực bảo vệ mình. Thế nên, bảo vệ người tài, trong đó có tài năng bóng đá, là trách nhiệm của cả xã hội…”

(Bạn đọc Minh Quốc)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

Minh Quốc | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục