Giải quần vợt Men’s Future Becamex 2012: Rắc rối chuyện đặt bảng

09:43 Thứ tư 19/09/2012

Những ngày qua, làng quần vợt VN xôn xao xung quanh sự kiện ban tổ chức Giải quần vợt Men’s Future Becamex 2012 “chống lệnh” Liên đoàn Quần vợt VN (VTF) khi không đặt bảng quảng cáo cho các nhà tài trợ của VTF.

Bảng quảng cáo Vietravel xuất hiện tại Giải Men’s Future hồi tháng 4 ở TP.HCM - Ảnh: D.Doanh

Trước khi giải khởi tranh tại Bình Dương, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký VTF Nguyễn Quốc Kỳ muốn ban tổ chức phải đặt biển quảng cáo cho những nhà tài trợ của VTF trên các sân đấu, trong đó có Công ty Vietravel do ông Kỳ làm tổng giám đốc. Tuy nhiên, giám đốc điều hành Công ty cổ phần Kinh doanh và thể thao Bình Dương Lê Việt Cường đã “chống lệnh” VTF.

Ông Cường nói: “Chúng tôi luôn mong mỏi sự quan tâm của VTF. Vì vậy, nếu VTF giới thiệu nhiều nhà tài trợ cho giải, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ quyền lợi với VTF. Nhưng chúng tôi không thể thực hiện yêu cầu phải đưa vào sân hai bảng quảng cáo miễn phí của nhà tài trợ VTF là Vietravel và tạp chí tennis Lifestyles”.

Ông Nguyễn Văn Ngoãn, phó giám đốc Công ty Tanimex, cũng bày tỏ bức xúc: “Khi tổ chức các giải Men’s Future hồi tháng 4, chúng tôi phải đưa vào một số bảng quảng cáo miễn phí cho VTF. Trong đó có bảng quảng cáo của Vietravel dù khi đó họ chưa phải nhà tài trợ chính của VTF. Và khi bàn kế hoạch tổ chức giải năm 2013, VTF lại có công văn đòi quyền chủ sở hữu giải đấu này. Điều này thật phi lý khi Tanimex là đơn vị phải chạy tài trợ, đóng lệ phí cho Liên đoàn Quần vợt quốc tế (ITF) và bỏ tiền ra tổ chức. Chúng tôi làm vì cái tâm bởi có thể nói tất cả giải đấu quần vợt tại VN hiện nay đều lỗ nên rất cần VTF chia sẻ. Nếu mọi việc không được giải quyết ổn thỏa, Tanimex sẽ không đăng cai giải 2013 và khi đó và các VĐV Việt Nam sẽ chịu thiệt thòi”.

Đáp lại những phản ảnh này, ông Nguyễn Quốc Kỳ nói: “VTF có ba nhà tài trợ là Vietravel, Nike, Dunlop. Trong đó, chỉ có nhà tài trợ chính Vietravel là tài trợ bằng tiền, còn lại đều tài trợ sản phẩm. Trong hợp đồng giữa VTF với các đối tác này đều có điều khoản: VTF phải đưa bảng quảng cáo các nhà tài trợ vào những giải đấu do mình làm chủ hoặc tổ chức. Trong từng giải cụ thể, VTF đều thỏa thuận với ban tổ chức các điều khoản về tài trợ sao cho hợp lý nhưng không được thì thôi. Cái dở là trước nay chúng tôi chỉ thỏa thuận miệng nên khi xảy ra chuyện, ai muốn nói gì cũng được. Từ nay, những chuyện đó sẽ được cụ thể hóa bằng văn bản. Riêng với Giải quần vợt quốc tế Becamex, tôi đã làm việc với ông Lê Việt Cường chuyện đặt bảng quảng cáo cho các nhà tài trợ của VTF. Ban đầu ông Cường không nói gì nhưng sau đó lại tung chuyện này ra báo chí”.

Về việc VTF đòi quyền chủ sở hữu đối với các giải đấu quốc tế này, ông Kỳ cho rằng hoàn toàn đúng luật: “ITF chỉ làm việc và giao quyền đăng cai giải cho các liên đoàn quốc gia. Sau đó, các liên đoàn quốc gia sẽ thỏa thuận với ban tổ chức địa phương hoặc tự mình tổ chức. Vì lý do nào đó không thể tổ chức giải, ITF sẽ phạt VTF chứ không phải ban tổ chức địa phương. Nói chúng tôi không giúp gì ban tổ chức là không đúng, bởi nếu chúng tôi không bắt tay vào thì làm sao ITF trao quyền đăng cai cho VN, VĐV quốc tế có thể dễ dàng có visa vào VN dự giải...”.

Các giải Men’s Future thuộc sở hữu của ITF

Còn cuộc tranh giành quyền sở hữu cũng khó đi đến kết luận cuối cùng bởi các giải thuộc hệ thống Men’s Future thuộc sở hữu của ITF và VTF chỉ là tổ chức được ITF giao quyền tại VN. Quy định ITF ghi rõ: “Để ITF có thể chấp thuận giao quyền đăng cai và xử phạt, các giải đấu cần phải được liên đoàn quốc gia hoặc khu vực chấp thuận và có quyền chỉ định đơn vị, cá nhân đứng ra tổ chức, quản lý giải”. Những việc khác ITF không quan tâm bởi đó là “chuyện trong nhà”.

Tấn Phúc | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục