Gia đình chuyển nhà, bán cơm mưu sinh vì Phương Trâm

14:56 Thứ ba 30/06/2015

Để giúp Nguyễn Diệp Phương Trâm an tâm học bơi, nuôi ước mơ trở thành VĐV chuyên nghiệp, bố mẹ cô phải chấp nhận xa nhà, mở quán ăn kiếm tiền.

Nguyễn Diệp Phương Trâm sinh năm 2001, trong một gia đình có 3 anh chị em ở quận 6, TP HCM. Đầu năm học lớp 2, cô được bố mẹ cho đi học lớp “xóa mù bơi” tại nhà thiếu nhi quận cùng với chị gái Phương Trinh. Theo học khá muộn nhưng nhờ thể hình tốt, có năng khiếu, Phương Trâm nhanh chóng bộc lộ tài năng trên đường đua xanh.

HLV Lê Minh Ngọc là người đầu tiên phát hiện ra tài năng của Phương Trâm, giúp cô tiến bộ từng ngày. Chỉ sau một năm tập luyện, cô giành hầu hết các giải cấp quận, thành phố và được chuyển lên Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu để phát triển tài năng.

Bố mẹ Phương Trâm thuê một căn nhà nhỏ, diện tích trên 30 m2, làm chỗ ở cho gia đình cũng như tiện bề đưa đón các con đi bơi và học văn hóa. Ảnh: Internet.

Đó là thời điểm đầu năm 2010, gia đình phải đi theo Phương Trâm. Bất chấp trời mưa hay nắng, hàng ngày ông Nguyễn Minh Trí – bố của Phương Trâm phải chở con từ quận 6 sang quận 1 để học bơi, rồi qua quận 4 để học văn hóa. Ròng rã suốt 6 tháng, mỗi ngày ông phải trải qua quãng đường 35 km.

“Vì tương lai của con nên giữa năm 2010, vợ chồng tôi quyết định rời căn nhà đang ở tại quận 6, chuyển xuống thuê trọ ở quận 4 để tiện đường đưa đón 2 con đi học. Tôi bàn với vợ mở một quán cơm nhỏ vừa kiếm tiền, vừa có thời gian chăm sóc tốt hơn cho 2 đứa,” ông Nguyễn Minh Trí nhớ lại.

Quán cơm tấm trên đường Đoàn Văn Bơ, quận 4 chỉ giúp bố mẹ cô trang trải được phần nào tiền thuê nhà lên đến 7 triệu đồng/tháng, nhưng họ quên hết nhọc nhằn khi thấy sự nghiệp của con thăng tiến.

Phương Trâm từ tuyến trẻ lên tuyến dự bị rồi dự tuyển TP HCM, liên tục gặt hái thành tích cao. Nổi bật nhất là việc cô giành 5 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ và phá 3 kỷ lục tại giải bơi các nhóm tuổi Đông Nam Á 2014. Ở SEA Games 28, VĐV trẻ tuổi nhất (chưa đầy 14 tuổi) của đoàn thể thao Việt Nam giành quyền vào chung kết nội dung 50 m tự do và 50 m bướm.

Bên cạnh Phương Trâm, cô chị Phương Trinh cũng đạt nhiều thành tích ở các giải trẻ quốc gia. Ngoài tài năng bơi, cả hai chị em đều học giỏi. Do được ký hợp đồng tại Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu, cả Trâm và Trinh đều có một khoản thu nhập ổn định, phụ giúp bố mẹ và… nuôi anh trai.

Những tấm huy chương Phương Trâm giành được được treo ở một góc nhà. Do kinh tế gia đình vẫn gặp khó khăn nên bố mẹ cô chưa thể làm riêng một tủ kính, trưng bày thành tích của con gái.

Do kinh tế gia đình vẫn gặp khó khăn nên bố mẹ cô chưa thể làm riêng một tủ kính, trưng bày thành tích của con gái mà phải treo ở góc nhà. Ảnh: Internet.

“Ngoài hai chị em, gia đình tôi còn một cháu trai năm nay tốt nghiệp chuyên ngành xây dựng của Đại học Bách khoa. Những năm qua, tiền lương, thưởng của Phương Trâm dùng để nuôi anh nó ăn học. Còn Phương Trinh thu nhập thấp hơn, nhưng tiền lương của cháu tôi dùng để thuê gia sư kèm cháu học những lúc bận rộn với việc tập luyện, thi đấu,” bà Diệp Thị Viên Phượng – mẹ của Phương Trâm cho biết.

Tất bật giữa cuộc mưu sinh nhưng bố mẹ Phương Trâm luôn lo nghĩ cho tương lai sau này của con. Họ đơn phương xin thanh lý hợp đồng vì thấy rằng việc ở lại không tốt cho tương lai của Phương Trâm cả chuyện bơi lẫn học văn học. Những tấm gương của lớp VĐV đi trước càng thôi thúc họ làm việc này, bên cạnh những mâu thuẫn âm ỉ từ trước.

Mới đây, ông Trí đã quyết định không cho Phương Trinh theo con đường VĐV chuyên nghiệp, mà chuyên tâm theo học văn hóa. Cô mới thi xong tốt nghiệp lớp 9 và đang chờ xét tuyển vào học tại trường THPT Trưng Vương. Với Phương Trâm cũng thế, việc học văn hóa là cái đích cuối cùng nếu như gia đình không giải quyết được việc thanh lý hợp đồng với đơn vị chủ quản.

“Gia đình tôi chấp nhận bỏ nhà cửa, thuê chỗ ở với mong muốn cao nhất là con cái có tương lai tươi sáng hơn. Tôi không thấy điều đó nếu cứ để cháu Trâm ở trung tâm cũ nên gia đình mong muốn thanh lý để tìm hướng đi tốt hơn cho cháu. Quan điểm của gia đình là nếu Phương Trâm không thể theo nghiệp bơi thì chúng tôi sẵn sàng làm bất nghề gì để cháu học bình thường, trở thành con người có ích cho xã hội,” ông Trí giãi bày.

Vụ kiện liên quan đến số tiền 961 triệu đồng thanh lý hợp đồng giữa gia đình Phương Trâm và Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu vẫn chưa đi đến hồi kết. Người chịu thiệt nhất là tài năng trẻ của bơi Việt Nam bởi sắp tới cô không có nơi để tập luyện, phát triển tài năng. Tương lai của kình ngư được xem là "tiểu Ánh Viên" đang bị đặt một dấu hỏi lớn?

Nguyễn Đăng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục