Ghế chủ tịch VFF đang 'chơi vơi'

16:22 Thứ tư 18/07/2012

Sự ra đời của VPF cộng thêm kiểu phát triển kiểu “bong bóng” của các CLB khiến vị Chủ tịch VFF không còn được xem là quan trọng nhất với bóng đá Việt Nam.

Ông Hỷ muốn rút lui dù còn hai năm nữa mới hết nhiệm kỳ. Ảnh: VFF

V-League, Cup Quốc gia và giải hạng Nhất được xem là “nồi cơm” của VFF. Từ khi chuyển giao ba giải đấu cao nhất cho VPF đầu năm 2012, VFF không còn là trung tâm quyền lực cao nhất trong đời sống bóng đá Việt Nam. Vai trò của ông Chủ tịch VFF cũng vì thế mà nhạt nhòa theo. Ở các điểm nóng bóng đá ít thấy ông Hỷ, thi thoảng ông đi úy lạo vài giải bóng đá phong trào. Còn trên mặt báo, ông thường xuất hiện kèm những bình luận về VPF.

Công việc quan trọng còn lại của VFF hầu như chỉ là chăm sóc đội tuyển. Năm 2012, tuyển Việt Nam sẽ tranh tài ở AFF Cup. Mục tiêu là vô địch nhưng đội dường như chưa có đủ điều kiện để thực hiện. Lực lượng và lối chơi cũ kỹ, đối thủ thì thăng tiến vùn vụt, không mấy người dám đặt niềm tin vào HLV Phan Thanh Hùng và học trò ở AFF Cup 2012.

Bởi thế, tin ông Hỷ xin nghỉ chức Chủ tịch VFF sớm hai năm dù cũng gây xôn xao, nhưng không quá sục sôi trong dư luận. Sau SEA Games 26, giải đấu mà U23 Việt Nam gây thất vọng não nề, các CĐV đã đề nghị hàng loạt quan chức rời ghế. Kết cục, chỉ một mình Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn ra đi. Chiếc ghế Tổng thư ký trống mấy tháng trời mà mọi việc ở VFF vẫn đều đều chạy. Có vẻ như chuyện đi hay ở của quan chức VFF thậm chí cũng không mấy ảnh hưởng đến chính tổ chức này.

Ngay lúc này, giải V-League - trung tâm chú ý của bóng đá Việt Nam - đang bộc lộ ra những hình ảnh xấu tốt trái ngược. VFF tự hào cho rằng, V-League với sự phát triển nhanh, mạnh của các đội bóng, đang là giải đấu hàng đầu Đông Nam Á. Ít nhất, xét về lượng khán giả, V-League có quyền tự hào. Nếu nhìn về cơ cấu tổ chức, cách xây dựng, giới chuyên gia cho rằng, các CLB ở V-League phát triển theo kiểu bong bóng xà phòng, lên rất nhanh nhưng có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Từ khi V-League khai sinh, đã có vài chục doanh nhân đầu tư vào bóng đá. Vậy mà tới giờ ngoài vài cái tên quen thuộc như “bầu” Thắng, “bầu” Kiên, “bầu” Đức, "bầu" Hiển, còn thì chẳng ai trụ lại. Đến với bóng đá vì mối quan hệ kinh tế với địa phương, vì đánh bóng thương hiệu, vì bị “ép”… sau khi đạt mục đích, nhiều doanh nghiệp rũ áo ra đi. Hàng không Việt Nam, Ngân hàng Đông Á, Tôn Hoa Sen, Thép Việt Úc, Xi măng Hải Phòng, Viettel, Hòa Phát Hà Nội… lần lượt biến mất khỏi bản đồ V-League.

Làn sóng đến ào ào rồi rút chạy ồ ạt của các ông chủ này, đến giờ chỉ mang lại một nền bóng đá bong bóng bắt đầu tan vỡ. Ở lúc cao trào, cách làm đổ tiền mua thành công khiến thị trường bóng đá hỗn loạn, cầu thủ được thổi giá lên trời, lương thưởng cao ngất. V-League, nếu chỉ nhìn vào giá cầu thủ, bị đẩy đến những giá trị ảo, trong khi các hoạt động nền móng như đào tạo lực lượng trẻ lại bị bỏ ngỏ. Tới thời VnIndex đỏ quạch, doanh nghiệp phá sản, thì các ông chủ phải bán đất, cắm xe, nợ lương thưởng, còn cầu thủ bắt đầu phải lo thất nghiệp. Mới đây, theo tiết lộ của “bầu” Kiên, có ít nhất ba doanh nghiệp nữa muốn bỏ bóng đá. Giới chuyên gia cho rằng, bong bóng bóng đá đã vỡ.

VFF chỉ quản lý được phần “xác” của các CLB. Phần “hồn”, chính xác hơn là nguồn sữa nuôi dưỡng các CLB, phụ thuộc hoàn toàn vào các ông chủ. Khi “hồn” lìa khỏi “xác”, nguy cơ V-League quay lại điểm xuất phát 10 năm trước - khi các đội bóng sống dựa vào ngân sách nhà nước - đã hiển hiện.

Tin ông Hỷ muốn rút lui tạo thêm một câu hỏi: Ai sẽ thay ông ? Trong cái không khí ảm đạm của bóng đá Việt, khi các đội đều bận tìm lối thoát để sống sót sau khi quả bong bóng đã bị vỡ, câu hỏi ấy thực ra cũng không quá quan trọng.

Ngọc Khánh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục