Euro thập niên 1960: Định nghĩa lại bóng đá

15:06 Chủ nhật 27/05/2012

Bóng đá từ những năm 1950 trở về trước là một trò chơi lãng mạn với những đội hình siêu tấn công, thịnh hành nhất là 2-3-5. Nhưng trong thập niên 1960, tư tưởng cống hiến, ghi thật nhiều bàn thắng đã bị thay bằng tư duy thực dụng, hạn chế tối đa số bàn thua. Chính tư duy này đã làm xuất hiện dần những sự thay đổi về mặt chiến thuật và những sự đổi mới này được chứng kiến rõ ràng nhất tại các kỳ EURO. Tại EURO 1960, sơ đồ 2-3-5 vẫn có phần thắng thế nhưng sau khi Brazil lên đỉnh tại World Cup 1962 với sơ đồ 4-3-3, người châu Âu đã học theo và sơ đồ này, bên cạnh 4-4-2, đã trở thành một lựa chọn được ưa thích tại EURO 1964 và 1968.

Facchetti đã định nghĩa lại vai trò của hậu vệ cánh - Ảnh Getty

Định nghĩa về các vị trí cũng được thay đổi. Thủ môn trước đây vẫn được coi là chỉ cần đứng yên trong khung gỗ rồi bay nhảy như chim nhưng Lev Yashin đã thay đổi hoàn toàn quan niệm này. “Nhện đen” hoàn toàn làm chủ cả vòng cấm địa, chỉ đạo các hậu vệ cản phá hiệu quả các đợt tấn công của đối phương. Thủ môn này cũng “phát minh” ra việc đấm bóng thay vì cố bắt dính hay ném bóng thật nhanh để tạo phản công. Chính phong cách này đã tạo nên một thương hiệu Yashin bất tử, trở thành hình mẫu cho nhiều thế hệ sau này. Nhà báo Jonathan Wilson của tờ Guardian cho rằng mọi cậu bé Nga đều muốn trở thành một thủ môn như Yashin chứ không phải tiền đạo như các nơi khác.

Tại EURO 1968, thành công của Italia không chỉ đến từ may mắn mà còn nhờ hàng thủ vững chắc, hàng công biết ghi bàn và đặc biệt, sự xuất hiện của Giacinto Facchetti, một hậu vệ cánh công thủ toàn diện. Fancchetti khởi nghiệp là một…tiền đạo nhưng dưới sự dẫn dắt của HLV Helenio Herrera, được kéo xuống đá hậu vệ trái. Tại vị trí mới, Facchetti đã kết hợp thành công giữa sự vững chắc của các hậu vệ Italia và phong cách tấn công của bản thân, tạo nên một hình ảnh mới về các hậu vệ cánh. Tại EURO 1968, hậu vệ khổng lồ (cao tới 1m92) này đã khiến không chỉ các hàng công mà cả hàng thủ đối phương nhiều phen điên đảo.

Trong trận chung kết đầu tiên với Nam Tư, Facchetti đã thành công trong việc khóa chặt hàng công xuất sắc của đối phương. Còn trong trận chung kết tái đầu, đội trưởng của Italia đóng vai người hùng khi kiến tạo cả hai bàn thắng của Luigi Riva và Pietro Anastasia. Sự cơ động của Facchetti chính là hình mẫu của các libero (tiếng Italia có nghĩa là tự do) sau này, điển hình là Franz Beckenbauer. Thực tế, những thay đổi về chiến thuật hồi thập niên 1960, có xu hướng giảm nhẹ tấn công, đã bị nhiều người chỉ trích, nhất là khi đã có nhiều vụ xô xát khủng khiếp xảy ra cả trên sân cỏ lẫn khán đài. Tuy nhiên, khi nhìn lại từ thời điểm hiện nay, có thể thấy những thay đổi này chính là tiền đề cho sự phát triển của bóng đá sau này.

T.K.A | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục