EURO 1968: Khi Chúa là người Italia

17:57 Chủ nhật 27/05/2012

Sau thất bại đáng xấu hổ tại World Cup 1966, Italia đã lấy lại danh dự khi giành chức vô địch EURO 1968 và đây cũng là lần duy nhất đội bóng này bước lên đỉnh tại đấu trường châu Âu.

EURO 1968 có 31 đội tham dự (Tây Đức lần đầu tham gia), nhiều hơn hai so với giải đấu trước. Vòng loại được chia thành tám bảng (bảy bảng gồm bốn đội, một bảng gồm ba đội) thi đấu vòng tròn, lấy tám đội đứng đầu vào tứ kết. Vòng tứ kết được tổ chức theo thể thức loại trực tiếp, gồm hai lượt đi-về, bốn đội chiến thắng sẽ giành quyền vào vòng chung kết tổ chức tại Italia. Cũng giống với nước chủ nhà Tây Ban Nha bốn năm trước, Italia đã giành chức vô địch với sự trợ giúp đáng kể của thần may mắn.

Tại vòng bảng, Italia đã may mắn lọt vào bảng đấu chỉ gồm những đối thủ khá yếu như Romania, Thụy Sỹ hay đảo Cyprus. Nhờ vậy, đội bóng khi đó được dẫn dắt bởi bộ đôi Ferruccio Valcareggi và Helenio Herrera đã dễ dàng vào vòng sau khi thắng tới 5/6 trận, có hiệu số bàn thắng bại lên tới + 14. Ở vòng tứ kết, Italia lại may mắn chỉ phải gặp Bulgari, đội yếu nhất ở vòng này. Tuy gặp đôi chút khó khăn ở trận lượt đi (thua 2-3) nhưng ở lượt về, Italia đã không mấy khó khăn giành chiến thắng 2-0.

Đội hình Italia dự EURO 1968

Ở vòng bán kết, Italia phải đụng độ Liên Xô, đội bóng thuộc diện mạnh nhất thế giới thời bấy giờ. Đã vậy, ông Valcareggi (khi đó Herrera đã từ chức) lại mất thêm cậu bé vàng Gianni Rivera ngay từ phút thứ 5 và lúc đó cũng chưa có quyền được thay người. Sau đấy, Giancarlo Bercellino cũng dính chấn thương nhẹ nên thực chất, Italia chỉ thi đấu với chín người. Tuy nhiên, Italia đã được hưởng lợi khi cơn mưa tầm tã ở Naples đã làm ảnh hưởng tới sức tấn công của Liên Xô.

Sau 120 phút thi đấu không có bàn thắng nào được ghi, hai đội tiến hành bốc thăm bởi lúc đó chưa có loạt đá penalty như hiện nay và thần may mắn đã mỉm cười với người Italia như thể bù đắp những khó khăn đội bóng này đã gặp phải. “Hết hiệp phụ, trọng tài người Đức gọi hai đội trưởng vào phòng thay đồ. Ông ấy tung một đồng xu cũ, tôi chọn mặt sấp và Italia đã chiến thắng. Tôi chạy thẳng lên SVĐ và 70.000 thấy tôi ăn mừng đã vỡ òa vì sung sướng”, đội trưởng Giacinto Facchetti kể lại.

Tới trận chung kết với Nam Tư, đội vừa đánh bại ĐKVĐ thế giới Anh, Italia lại tiếp tục được Chúa trời phù hộ. Trong trận “lượt đi”, Italia đã hoàn toàn bị đối thủ lấn lướt và chỉ may mắn có bàn gỡ hòa ở phút 80. Sau trận đấu, chính thủ môn Dino Zoff cũng phải thừa nhận Italia không xứng đáng hòa trận ấy. Tuy nhiên, do quy định của thời bấy giờ, trận chung kết được tiến hành đá lại hai ngày sau. Nam Tư khi đó đã quá mệt mỏi còn HLV Valcareggi đã thay năm cầu thủ, tạo ra một sức sống mới cho Italia, giúp đội này giành chiến thắng 2-0.

Chiến công của Italia khi đó công thật sự được ca ngợi bởi đội bóng này gặp quá nhiều may mắn lại thi đấu quá thiên về phòng ngự (trong trận chung kết “lượt đi” đã câu giờ quá lộ liễu, bị chính CĐV nhà la ó) trong khi ba đội còn lại đều chơi tấn công cống hiến. HLV Valcareggi cho rằng Italia đã có thể vô địch EURO 1968 một cách thuyết phục hơn nếu không phải đá trên sân nhà bởi trên sân khách, đội bóng của ông sẽ phát huy lối chơi Catenaccio tốt hơn. Mặt khác, Italia buộc phải chơi thận trọng tại EURO 1968 bởi chỉ hai năm trước, vừa bị đội vô danh CHDCND Triều Tiên loại khỏi vòng bảng World Cup 1966, khiến khán giả nhà chỉ trích dữ dội.

Sau thành công tại EURO 1968, Italia không còn gặt hái được những chiến công hiển hách nào tại đấu trường châu lục dù có giành thêm hai chức vô địch thế giới. Italia đã không vượt qua vòng loại EURO 1972, 1976, 1984, 1992, bị loại tại vòng bảng EURO 1996 và 2004. EURO 2000 là giải đấu thành công nhất của Italia khi đội này lọt vào chung kết, đã chạm một tay vào chức vô địch nhưng rốt cuộc, bị người Pháp lội ngược dòng, khiến giấc mơ lần thứ hai xưng vương đến nay vẫn còn dang dở.

Loạt đá penalty được chấp nhận

Ngay từ năm 1952, loạt đá penalty đã ra đời nhưng chỉ được áp dụng tại một số quốc gia. Tuy nhiên, sau những sự cố xảy ra tại EURO 1968 (phải bốc thăm, đá lại chung kết), UEFA đã quyết định cho tiến hành “đấu súng” để phân xử thắng-thua. Trận Everton gặp M'Gladbach tại cúp C1 năm 1970 là lần đầu loạt penalty được áp dụng trong một giải UEFA tổ chức. Trong trận chung kết EURO 1976 giữa Tiệp Khắc và Đức, UEFA đã có điều khoản cho phép đá lại nhưng hai đội đã quyết định tiến hành đá luân lưu và Tiệp Khắc đã giành chiến thắng. Vô địch Italia Á quân Nam Tư Hạng ba Anh Hạng tư Liên Xô Vua phá lưới Dragan Dzajic (Nam Tư, 2 bàn)

Đội hình tiêu biểu EURO 1968

Giải đấu của những huyền thoại (Ảnh cột) Tuyển Anh của Gordon Banks và Bobby Moore bị loại ở bán kết bởi một khoảnh khắc xuất thần của Dragan Dzajic. Trong đội hình tiêu biểu của EURO 1968 có rất nhiều cái tên kiệt xuất, sau này trở thành các huyền thoại bóng đá. Dino Zoff đến nay vẫn được coi là thủ môn xuất sắc nhất mọi thời đại của Italia, Giacinto Facchetti được tôn vinh như một trong những hậu vệ cánh vĩ đại nhất từ trước đến nay còn Luigi Riva là chân sút ghi được nhiều bàn nhất cho “Thiên thanh” với tỷ lệ 0,83 bàn/trận. "Thùng thuốc súng" Bobby Moore chính là đội trưởng của tuyển Anh tại World Cup 1966 còn Geoff Hurst là người duy nhất lập hat-trick trong một trận chung kết World Cup. Mirsad Fazlagic được nhớ đến như một trong những cái tên tiêu biểu nhất của bóng đá Bosnia (tách ra từ Nam Tư) còn Dragan Dzajic cũng là cái tên số một của bóng đá Serbia (cũng tách từ Nam Tư). Năm 2004, để kỷ niệm 50 năm thành lập, UEFA đã cùng các LĐBĐ thành viên bình chọn những gương mặt vĩ đại nhất của mỗi nước và có ba cái tên trong đội hình tiêu biểu EURO 1968 gồm Zoff (Italia), Moore (Anh) và Dzajic (Serbia) được chọn.

Thủ môn: Dino Zoff (Italia).

Hậu vệ: Mirsad Fazlagic (Nam Tư), Giacinto Facchetti (Italia), Albert Schesternev (Soviet Union), Bobby Moore (Anh), Ivica Osim (Nam Tư).

Tiền vệ: Sandro Mazzola (Italia), Angelo Domenghini (Italia), Sandro Mazzola (Italia).

Tiền đạo: Geoff Hurst (Anh), Luigi Riva (Italia), Dragan Dzajic (Nam Tư).
Trần Khánh An | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục