Kể từ năm 2006, Liên đoàn môtô & xe đạp thể thao Việt Nam chính thức cấp phép và ban hành điều lệ cho việc tổ chức các giải đua xe môtô phân khối ở Việt Nam. Đây được xem là bước ngoặt lớn cho giới đam mê tốc độ khi có sân chơi chính thức, không phải đua "chui" hay đua xe trái phép như ở các tỉnh thành lớn trong cả nước. |
Ở các tỉnh miền Nam nhanh chóng hình thành những CLB đua xe môtô. Các "lò" bắt đầu đào tạo những vận động viên (còn gọi là "nài") để tham gia các giải đua. Tuy nhiên, chặng đường để phát triển vẫn còn lắm chông gai đối với những người đam mê môtô ở Việt Nam. Ông Phan Hùng, chủ lò đua Năm Hổ chia sẻ: "So với các môn thể thao khác, để tìm và đào tạo được một VĐV đua xe môtô là vô cùng thách thức. Thách thức ngay từ việc tập luyện. Cho đến nay chưa có một sân tập môtô nào được đưa vào hoạt động." |
"Đầu tư vào môn thể thao này với tôi là 'càng chơi càng nghèo' vì kinh phí bỏ ra để độ một chiếc xe rất tốn kém, bên cạnh việc phải trả tiền thuê vận động viên về thi đấu cho "lò" của mình. Đó là chưa kể các khoản thưởng, hỗ trợ vận động viên mỗi khi đi thi đấu. Trong khi đó, Ban tổ chức không thể hỗ trợ kinh phí được nhiều cho đội vì họ cũng chỉ tìm được nguồn thu chủ yếu từ bán vé," ông Hùng nói thêm. |
Hằng năm, có vài chục giải đấu được tổ chức trên các tỉnh thành ở Việt Nam. Nhưng vì không có đường đua chuyên nghiệp nên mỗi khi sắp có giải đua, các tay đua mới được ra đường đua tập thử hai ngày trước khi bước vào tranh tài. Họ phải tốn kinh phí đi lại, ăn ở và và thậm chí phải ngủ bờ, ngủ bụi để được tập luyện, cọ xát. Cũng có nhiều VĐV tìm đến các bãi đất trống, đường ở các khu công nghiệp để tập "lén" nhưng rất dễ bị chính quyền sở tại "tuýt còi". |
Không có đường tập, các VĐV mỗi khi đi thi đấu phải thuê phương tiện chuyên chở các xe đua đến địa điểm tổ chức. |
Đua xe môtô thể thao Việt Nam luôn thu hút rất đông khán giả đến sân theo dõi. Đây là nguồn thu chủ yếu của các nhà tổ chức khi giá vé xem mỗi giải đua dao động từ 150.000 đến 300.000 đồng. “Đua xe môtô ở Việt Nam dù được Liên đoàn cho phép nhưng nó là môn thể thao không được cổ xúy, ủng hộ. Vì thế, các nhà tài trợ chưa quan tâm nhiều, hầu như các giải mở ra nhà tổ chức tự bỏ tiền ra. Vì thế, các đơn vị tổ chức phải thu tiền vé để bù vào kinh phí tổ chức,” ông Trần Tiến Quang, một thành viên ban tổ chức cho biết. |
Ông cho biết thêm: “Phong trào đua xe môtô hiện nay phát triển rất mạnh nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là sân bãi khi chúng ta chưa có đường đua chuyên nghiệp. Các vận động viên vẫn chỉ chạy vòng quanh sân vận động, rất lỗi thời. Bên cạnh đó, các chủ lò đua đã tiếp cận với các công nghệ độ xe đua từ nước ngoài nên gia tốc của xe đua hiện nay rất mạnh và nhanh. Các sân vận động đã không còn đủ an toàn cho vận động viên khi gặp sự cố.” |
Tai nạn là điều khó tránh khỏi ở môn thể thao tốc độ và đầy sự nguy hiểm này. |
Tay đua Nguyễn Hoàng Anh Dũng, người vừa tham dự giải Suzuki Asian Challenge tại đường đua quốc tế Sepang, Malaysia thổ lộ: “Chúng tôi tập luyện hầu như là con số 0. Đường đua không có, còn ra các cung đường khác để tập thì bị phạm luật giao thông. Máy móc cũng không có để căn, chỉnh xe cho phù hợp. Vì thế, chúng tôi ra đường đua quốc tế như một anh nhà quê xuống phố.” |
"Dù gặp nhiều khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhưng phong trào đua xe môtô thể thao vẫn không ngừng phát triển. Chúng tôi mong muốn có được những đường đua chuyên nghiệp hơn đồng thời mong công chúng có cái nhìn thiện cảm hơn đối với môn thể thao này. Bởi có nhiều giải đua chuyên nghiệp sẽ hạn chế được nạn đua xe trái phép hiện nay ở Việt Nam,” ông Trần Tiến Quang nói thêm. |
Nguồn: xevathethao.vn |
Copy Link
Đức Đồng |
00:00 30/11/-0001