Dư âm Brazil: Bản quốc tang lạ lùng...

12:45 Thứ sáu 11/07/2014

(TinTheThao.com.vn) - Và tiếng còi mãn cuộc vang lên, nhưng nó có 1 chút gì đó méo mó và nặng nề kỳ lạ?! Người Brazil gục ngã, cả Thế giới sững sờ. Tiếng còi bây giờ không chỉ đơn thuần là thời điểm kết thúc cuộc chơi nữa, nó là 1 tiếng chuông báo chết kinh hoàng, 1 hồi chuông khép lại 1 vở bi kịch kinh điển của những nhà đạo diễn đại tài đến từ châu Âu…

Nói tới bi kịch về tình yêu, người ta nghĩ đến huyền thoại Romeo and Juliet, về sắc đẹp, con người có Thằng gù nhà thờ Đức Bà… Người châu Âu từ xa xưa đã biết để lại cho nhân loại hàng vô số những tác phẩm kinh điển ở thể loại bi kịch, đau thương, nhưng gần như chúng đều là những tác phẩm được ra đời trên chính đất mẹ của mình. Và hôm nay, dưới 1 góc nhìn nào đó có thể nói “người da trắng” đã 1 lần nữa đưa lịch sử bước sang 1 trang mới, bởi lẽ với Brazil, bóng đá không chỉ là giải trí, bóng đá không chỉ là thể thao, là nghệ thuật mà còn là tình yêu to lớn và là vẻ đẹp mang tính biểu trưng của Quốc gia này, và thất bại hôm nay ắt sẽ còn được nhắc lại nhiều hơn nữa như 1 bi kịch nặng nề mà cả 1 dân tộc phải cùng nhau hứng chịu trên chính quê hương mình…

Người Brazil gục ngã, cả Thế giới sững sờ.

Và cũng đã lâu lắm rồi người Đức mới để lại cho Thế giới cái gọi là kiệt tác, bởi vì kể từ sau sự ra đi của Beethoven_1 nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức, cả Thế giới gần như chỉ còn nhớ tới nước Đức với bức tường Berlin lịch sử của máu và nước mắt trong khói lửa của thế chiến đệ nhị, hay gần đây là 1 cường quốc của ngành công nghiệp sản xuất ô tô với những tên tuổi mà nhiều người có thể biết tên dù chưa 1 lần “gặp mặt”. Và theo năm tháng, những chiếc xe tăng cũ kỹ, nặng nề của Đức Quốc Xã ngày nào cũng đã cùng ký ức đau buồn của nhân loại đi vào dĩ vãng, thay vào đó là những cổ xe tươi trẻ hơn với những mắc xích gắn kết thành 1 tập thể khó bị cắt đứt cùng với sự chuyển động linh hoạt với tốc độ chóng mặt và những mối nguy hiểm tiềm tàng ẩn chứa bên trong. Bộ máy ấy vận hành 1 cách trơn tru và gần như là công thức duy nhất để hoá giải hơn nửa thế kỷ thống trị bóng đá của người Brazil vốn được biết đến như những nghệ nhân thật thụ và cũng là những kẻ giết người đúng nghĩa trên sân cỏ.

1-0, 2-0.. rồi đến tận 5-0 chỉ trong vòng 18 phút là điều khó ai có thể tưởng tượng được, đặc biệt là 7 phút kinh hoàng từ 23 đến 29 với 4 phát pháo liên tục dồn dập vào các ngõ ngách trên khán đài, đánh sập mọi hy vọng và gần như là nghiền nát cả niềm tự hào của người Brazil. Họ nín thở, bàng hoàng rồi khóc thét như những đứa trẻ bị lạc, trên sân thì các cầu thủ thuộc hàng ưu việt ngày nào nay chỉ còn là tập hợp những con người đã mất phương hướng. Đã lâu lắm rồi người ta mới lại thấy 1 nước Đức tàn nhẫn đến vậy, và cũng đã lâu lắm rồi người ta mới 1 lần không còn nhận ra Brazil như là 1 cường quốc bóng đá, hoặc là họ chưa bao giờ như thế cả. World Cup, từ chỗ là 1 món ăn tinh thần vô giá, là nguồn thu kinh tế khổng lồ cho nước chủ nhà, chỉ sau 6 phút đã trở thành 1 nỗi ám ảnh thật sự. Người Brazil từ chỗ là 1 dân tộc hào hùng của lịch sử bóng đá nay chỉ còn là những con người đắm chìm trong khủng hoảng. Cả Thế giới thẩn thờ đã là 1 lẽ, ở phía ngược lại, có lẽ người Đức dù tự tin và lạc quan cách mấy cũng không dám nghĩ tới 1 kết quả như vậy trước giờ bóng lăn…

Kể từ thời cựu danh thủ Carlos Dunga lên nắm quyền, đưa đoàn quân Vàng-xanh lần lượt đến Việt Nam trước khi tham dự Olympic Bắc Kinh rồi sau này là FIFA World Cup 2010, bóng đá Brazil đã trải qua 1 thời kỳ có thể nói là rất đáng quên sau rất nhiều giải đấu lớn nhỏ liên tục không giành được danh hiệu nào mà đỉnh điểm là trận thua 0-3 trước đại kình địch Argentina tại bán kết Olympic Bắc Kinh năm 2008. 0-3 lúc bấy giờ đã có thể coi là thất bại ê chề nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của bóng đá Brazil tại 1 giải đấu chính thức, nhất là trước chính đại kình địch lâu năm của họ. Ấy vậy mà giờ đây kỷ lục đau buồn ấy đã không những bị phá vỡ mà còn bị phá vỡ rất sâu. Và chuyện gì sẽ xảy ra nếu Mesut Oezil chuẩn xác hơn trong pha đối mặt với thủ thành Julio Cesar ở những phút cuối trận? 8-0? Và người Đức sẽ tiếp tục thăng hoa? Và sẽ chẳng có bàn thắng danh dự nào cho đội tuyển chủ nhà trong ngày mà Miroslav Klose đã phá vỡ kỷ lục ghi bàn của tại World Cup của 1 người Brazil khác ngay trong trận đấu với chính họ.

Rồi điều gì đến cũng đã đến, tiếng còi mãn cuộc rồi cũng vang lên và bầu không khí ảm đạm cũng lập tức ập đến. Biển người chìm trong nước mắt, 11 con người ngã gục trong sự bất lực tột cùng, và không nằm ngoài dự đoán, tình trạng bạo loạn bên ngoài sân cỏ cũng đã chính thức nổ ra! Brazil từ chỗ nhận được ánh mắt thèm thuồng của Thế giới nay gần như đã đánh mất tất cả chỉ sau 1 trận đấu, không khí lễ hội trước đó chưa đầy 2 giờ đồng hồ nay được thay bằng bạo lực leo thang, tình yêu giờ đã hoá thành nỗi hận, hạnh phúc hoá điên cuồng, tự hào thành nỗi nhục và đoàn kết dân tộc bấy giờ chỉ còn là những cuộc chia rẽ đẫm máu và nước mắt.

Brazil hứng chịu thất bại 1-7 trước tuyển Đức ngay trên chính sân nhà

Quay ngược về quá khứ, năm 1492, 1 đoàn người châu Âu, dẫn đầu bởi Christopher Columbus đã đặt chân đến châu Mỹ và về sau đã biến diện rộng lãnh thổ nơi đây thành thuộc địa của mình. Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ, là lúc mà con người ta sống vốn còn chẳng có những quyền lợi để được bảo vệ, quyền được bình đẳng, quyền được học, được biết, được đấu tranh. Cái thời mà đa phần dân số ở đây còn sinh sống dưới dạng bộ tộc quanh những khu rừng và quan niệm rằng địa cầu chỉ là 1 mặt phẳng như những gì mà họ nhìn thấy bằng mắt. Năm 2014, trong 1 ngày đẹp trời, sau gần hết thời gian của chuyến đi, người châu Âu lại 1 lần nữa thực hiện 1 cú oanh tạc ngay bên cạnh cánh rừng Amazon huyền thoại, nhưng đây đã là thời điểm mà con người ta đã biết vui, biết buồn, biết yêu, biết chờ đợi, biết kỳ vọng và hơn cả là biết cả tự hào lẫn tổn thương.

Tổ chức World Cup với Brazil vốn dĩ đã là 1 canh bạc, họ vốn không nhận được sự đòng lòng từ toàn dân sau rất nhiều lần lỗi hẹn với việc đầu tư vào giáo dục và y tế, vì vậy đi kèm với 1 thất bại sẽ là thảm hoạ dường như cũng không nằm ngoài dự đoán của nhiều người. Ấy vậy còn là 1 thảm bại, bởi lịch sử của giải đấu lớn nhất hành tinh chưa từng ghi nhận 1 thất bại như vậy tại vòng bán kết, và họ, Brazil lại chính là những người thành công nhất giải đấu này lại là những kẻ hứng chịu thất bại ấy ngay trên chính sân nhà…

Nhắc tới Brazil, người ta nhắc tới bóng đá như 1 mối liên kết không thể tách rời, bằng chứng là slogan được in trên tất cả phiên bản áo đấu của Selecao: “sinh ra là để đá bóng” cùng với những giai thoại về các bệnh viện phụ sản ở đây lấy quả bóng làm quà tặng cho tất cả các đứa trẻ chào đời, và cả trên chính Quốc kỳ nữa. Bóng đá gần như đã là biểu trưng cho cả nền văn hoá ở đây, nhưng sau trận đấu đêm qua, liệu người ta có còn nghĩ về 1 cường quốc của môn thể thao vua? Mà thay vào đó là 1 cái chết thê thảm trong 1 vở bi kịch được chứng kiến bởi hàng vạn con mắt thất thần và vô phương. Tinh thần dân tộc đến từ David Luiz và Julio Cesar với chiếc áo Neymar được giương cao liệu ai còn nhớ? Bài hát Quốc ca được cả đội kéo dài qua khỏi thời gian quy định của ban tổ chức, khi mà nhạc nền đã dừng lại cũng đã ở đâu mất rồi?

Người châu Âu lại 1 lần nữa viết nên 1 trang sử kinh điển trên đất châu Mỹ và người Đức lại 1 lần nữa trở thành những nhà soạn nhạc đại tài, 1 tác phẩm bi kịch lại được dựng lên và 1 bản Quốc tang đã được soạn thảo. Chỉ có điều lạ thay, vở bi kịch ấy nay không còn được người châu Âu dựng lên trên đất mẹ của mình và bài hát Quốc tang ấy cũng không mang 1 giai điệu bi đát nhưng thường lệ, bản Quốc tang điệu Samba.

(Bạn đọc: Bình Almunia)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục