Đột quỵ vì... World Cup

14:28 Thứ tư 25/06/2014

Thức đêm, ngồi lì trước tivi, uống nhiều rượu bia, ăn không đủ chất..., hệ quả là không ít người hâm mộ bóng đá ở Việt Nam đã bị suy kiệt, đột quỵ, bỏ bê công việc giữa mùa World Cup đang diễn ra sôi động.

Kiệt sức vì bóng đá

Trái bóng World Cup 2014 vừa lăn thì ông Nguyễn Văn C (75 tuổi, trú tại Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) đã lên cơn đột quỵ và tử vong. Người nhà cho biết, ông C rất thích bóng đá. Trước vòng chung kết World Cup, ông đã thường xuyên thức khuya để xem các chương trình bình luận và điểm vòng loại.

Ngày 13.6, ông đã thức xem trận Mexico-Cameroon lúc 23 giờ. Do rất thích đội Hà Lan nên ông thức tiếp đến 2 giờ sáng 14.6 xem nốt trận Hà Lan – Tây Ban Nha. Trước đó, ông cũng làm vài cốc bia cùng con cháu để tám chuyện bóng đá. Đến lúc 4 giờ, sau khi hò reo phấn khích trước thắng lợi của Hà Lan, ông C định đi ngủ thì thấy người mệt mỏi, ngây ngất. Ông chỉ kịp bảo cháu nội: “Ông thấy mệt quá”, rồi xỉu đi. Cả gia đình vội đưa ông đi cấp cứu nhưng vào đến viện thì ông tắt thở. Bác sĩ cho biết, do ông C cao tuổi, lại có tiền sử cao huyết áp, lại thức đêm nên có thể sức khỏe suy kiệt, lên cơn đột quỵ nên tử vong.

Nhiều người chưa chú trọng chăm sóc sức khỏe cho mình trong mùa bóng đá này (ảnh minh họa).

Dù mê bóng đá cuồng nhiệt, nhưng mùa World Cup năm nay, anh Nguyễn Quang (Ba Đình Hà Nội) chỉ dám xem cầm chừng, trận nào hay lắm cũng chỉ xem đến 1 giờ sáng. Anh Quang chia sẻ, mùa World Cup trước, anh đã thức đêm, xem bóng đá thâu đêm suốt sáng, ngày 2-3 trận. Buổi sáng đi làm buồn ngủ quá, anh lại uống chè, cà phê để “chống mắt”, ngày 3-4 cốc. Liền tù tì như thế 3 tuần, mỗi ngày anh cũng chỉ ngủ 2-3 tiếng, đến sáng lại “dặt dẹo” đi làm.

Đến khi World Cup kết thúc, anh Quang bị rối loạn giấc ngủ, đêm không ngủ được, ngày lại ngủ li bì, ảnh hưởng tới công việc. Không những thế, anh luôn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi. Đi khám sức khỏe tâm thần, bác sĩ cho biết, do anh thức đêm nhiều, uống nhiều chất kích thích nên nhịp sinh học bị rối loạn, thần kinh bị căng thẳng, dẫn đến sức lực suy kiệt. Để trở lại trạng thái bình thường, anh đã phải điều trị bằng thuốc an thần một thời gian dài.

Thức đêm- bệnh nặng

Bác sĩ Lương Quốc Chính – khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, vào mùa bóng đá, khoa Cấp cứu thường tiếp nhận các trường hợp đột quỵ, suy kiệt hoặc ngộ độc bia rượu, tai nạn giao thông mà nguyên nhân là do thức đêm xem bóng đá, ăn ngủ không điều độ. Theo bác sĩ Chính, những người già, người có tiền sử các bệnh mãn tính, bệnh tim mạch như cao huyết áp, tắc động mạch vành thì không nên thức khuya, thức đêm nhiều. Khi cơ thể mỏi mệt thì máu huyết sẽ lưu thông không đều, dễ bị đột qụy.

Đặc biệt, có nhiều ca cấp cứu vì tai nạn giao thông do lái xe thức đêm, buồn ngủ, không kiểm soát được tay lái. Do đó, những lái xe, những người phải đi lại nhiều không nên thức quá khuya, ngủ không đủ giấc”– bác sĩ Chính cho biết.

Theo bác sĩ Phan Bích Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) khi thức đêm xem bóng đá, lại uống no “bia”, nhiều người sẽ bỏ bữa nên cơ thể bị thiếu ngủ, thiếu năng lượng, dễ xảy ra tình trạng kiệt sức, mất nước. Do đó, mỗi người cần đảm bảo bộ sung nhiều dưỡng chất như cá, rau, thịt bò, sữa, trái cây...

Theo bác sĩ La Đức Cương – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, sau mỗi mùa bóng đá, bệnh viện đã tiếp nhận không ít bệnh nhân đến khám vì các rối loạn tâm thần như rối loạn giấc ngủ (đêm ngủ, ngày thức), cơ thể mệt mỏi, suy kiệt, tâm lý căng thẳng.

Thức đêm xem bóng đá triền miên rất có hại đến sức khỏe, đặc biệt dễ khiến người xem bị căng thẳng, rối loạn tâm lý hoặc suy kiệt, nhất là những người đã có tiền sử các bệnh mãn tính” – ông Cương cho biết.
Diệu Linh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục