Đọc và ngẫm: Giá trị cầu thủ và tinh thần fair play

15:44 Thứ bảy 07/07/2012 | 1

EURO 2012 đã kết thúc, có kẻ cười sung sướng vì thành quả đạt được thì cũng có những người đau khổ, buồn lòng vì đã không đạt được mục tiêu đề ra. Song đối với người hâm mộ thì thăng trầm của một đội bóng do nhiều yếu tố khác nhau quyết định, đó là lẽ thường tình, có thua keo này ta bày keo khác. Và có lẽ những thất bại của Hà Lan, của Đức hay của gấu Nga rồi sẽ được người hâm mộ xí xóa cho qua. Song những lời lẽ, hành động “thiếu giáo dục” kiểu của tuyển thủ Pháp Narsi có lẽ còn rất lâu để được xóa nhòa.

Bóng đá hiện đại ngày càng phát triển và điều đó thể hiện ở mỗi giải chất lượng đội tuyển và giải đấu ngày càng cao. Song không có nghĩa việc phát triển chất lượng đội hình hay nâng cao chất lượng giải đấu luôn luôn tỉ lệ nghịch với phong cách, lối chơi thân thiện của các đội tuyển. Và những hành động của một số tuyển thủ ở EURO 2012, đặc biệt là tuyển Pháp đã chứng minh nhận định trên. Lúc này câu hỏi về giá trị của một cầu thủ và tinh thần thi đấu fair play hình như lại tỉ lệ nghịch, một sự vô lý nhưng đang diễn ra rất rõ ràng trong bóng đá hiện đại.

Tuyển Pháp là một ông lớn của bóng đá châu Âu, nơi sản sinh những cầu thủ đá bóng kiệt xuất như Zidane, Fabien Barthez, Thierry Henry hay xa hơn là Eric Cantona, Michel Platini… Nhưng tuyển Pháp lại là quốc gia khiến cho người hâm mộ cảm thấy buồn nhất vì cách sống rất thiếu tinh thần thể thao của nhiều tuyển thủ. EURO 2012 kết thúc bằng những thất bại, huấn luyện viên trưởng Blanc từ chức và đặc biệt là những hành động của Samir Nasri, Hatem Ben Arfa, Jeremy Menez và Yann M'Vila là không thể chấp nhận được.

Samir Nasri (ĐT Pháp) sẽ chịu án phạt vì hành động không đẹp của mình. Ảnh: Internet.

Được khoác trên mình màu áo tuyển quốc gia là một niềm tự hào, vinh hạnh mà mọi cầu thủ đều mơ ước. Song có lẽ những tuyển thủ này đã bị tư tưởng mình là sao sáng, là nhân tố quan trọng, là những ông kễnh trong phòng thay đồ nên muốn làm gì thì làm. Coi thường đồng đội, coi thường huấn luyện viên và chửi bới phóng viên bằng những từ ngữ chợ búa là những hành động quá trẻ con, nghiệp dư và đi ngược hoàn toàn tinh thần fair play của môn thể thao vua. Người ta nhìn thấy những người như Nasri họ buồn cho cá nhân cầu thủ này thì ít, còn đau lòng cho tuyển Pháp thì nhiều.

Đi xa hơn một chút ở Ngoại hạng Anh thì John Terry, Luis Suarez có những hành vi phân biệt chủng tộc. Ở Italia thì Balotteli là tâm điểm của những lời nói xỉa xói, khinh miệt vì mình là người da màu, là “mọi đen”. Hay ngay ở La Liga cũng có cầu thủ tố Messi có hành vi phân biệt màu da đối với mình… Rất nhiều những dẫn chứng mà có lẽ tác giả đã quá ngán ngẩm, quá thất vọng vì nó đến từ những nền bóng đá lớn, những cầu thủ có giá trị chuyển nhượng hàng chục triệu bảng Anh.

Bóng đá khởi nguồn là môn thể thao của tinh thần đồng đội, của tinh thần bạn bè quốc tế và có lẽ những cầu thủ đang thi đấu ở những Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha hay Italia hiểu rõ hơn ai hết. Song càng ngày tinh thần thi đấu fair play bị lu mờ, tinh thần fair play bị những vết ố vì những hành vi vào bóng ác ý, chơi xấu đối thủ, phân biệt chủng tộc không thèm bắt tay, chửi bới cả phóng viên báo chí, truyền thông…

Những giải đấu lớn, những ngôi sao lớn của các quốc gia, của các giải đấu chính là tâm điểm và là điểm tựa quan trọng để rất nhiều những cầu thủ thế hệ sau học hỏi. Nó cũng là những hình ảnh đi sâu vào tiềm thức, nỗi lòng của mỗi cổ động viên. Và nó sẽ thật tệ hại nếu những con người là tâm điểm kia lại có những hành vi được xem là vô văn hóa, thiếu giáo dục và không chút tinh thần thể thao fair play.

Chắc chắn Liên đoàn bóng đá Pháp sẽ có những hình phạt thích đáng dành cho những cầu thủ dám nổi loạn của mình. Song đó là chuyện quá đơn giản và nó có tác dụng như thế nào còn là một dấu hỏi lớn vì người ta vẫn nói phòng bệnh hơn chữa bệnh. Có lẽ đến lúc FIFA, UEFA và các thành viên của các tổ chức này cần nghiêm túc hơn, mạnh mẽ hơn nữa trong việc rèn luyện cái đức cho mỗi cầu thủ. Hãy đừng biến những ngôi sao thành những người ảo tưởng quá về tài năng của mình, để rồi chà đạp lên giá trị cốt lõi của môn thể thao vua là tinh thần thi đấu fair play.

(Bạn đọc: Hải Đăng)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập TinTheThao.com.vn

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục