Đi tìm bản sắc võ Việt - Những bí ẩn chưa được giải mã

09:54 Thứ tư 25/07/2012

Theo võ sư Lê Kim Hòa, trong dân gian còn rất nhiều bài võ hay, chiêu thức lạ cùng các phương thức luyện khí, luyện công đặc sắc. Việc tiếp tục tìm kiếm, sưu tầm những tinh hoa võ thuật còn tản mát vẫn đang tiếp tục.

Võ sư Đoàn Thọ Sơn và võ sư Phan Văn Quảng phân thế Độc lư thương - Ảnh: C.T

Xin nhắc lại một chút về bài Hùng kê quyền. Đây là bài quyền mô phỏng các thế đánh của gà chọi (gà nòi) sáng tạo nên. Tương truyền tác giả là Nguyễn Lữ, một trong Tây Sơn tam kiệt vốn lừng danh về võ nghệ. Bài quyền này nghe truyền tụng đã lâu, nhưng không ai biết hình bóng ra sao, tưởng chừng đã vĩnh viễn thất truyền.

Bất ngờ tại hội nghị chuyên môn võ thuật cổ truyền lần thứ nhất năm 1993, lão võ sư Ngô Bông truyền nhân Hùng kê quyền xuất hiện. Nhìn các thế đánh và nghiên cứu lời thiệu, hội đồng các võ sư nhận định bài quyền còn giữ được nguyên bản và chọn ngay vào hệ thống các bài võ thống nhất.

Còn biết bao nhiêu cái hay, cái đẹp của võ dân tộc chưa được nhận diện, nghiên cứu? Thử nêu lên một vài công phu lạ tồn tại trong dân gian từ lâu đời. Đó là môn võ gồng. Ngay cả từ điển tiếng Việt cũng có đề cập: “Thuật lên gồng cho là có thể làm cho đánh vào người không biết đau, thậm chí chém vào người không đứt”. Điều này làm chúng tôi nhớ lại lời của võ sư Lê Văn Kiển (Tám Kiển) chưởng môn võ phái Nam tông lúc còn sống: “Ngày xưa theo thầy học võ còn bị đao, kiếm chém chảy máu thì chưa được hạ sơn”. Nghe giống như công phu Thiết bố sam của Thiếu lâm tự luyện cho thân thể đạt đến tầng công đao thương bất nhập.

Thầy Tám Kiểng kể lúc lên Sài Gòn làm quản lý cho sòng bạc Đại thế giới, có lần ông bị đám giang hồ dùng mã tấu chém xả xuống vai. Thấy ông lên gồng và tỉnh rụi, bọn chúng liền tháo chạy, từ đó không dám đụng tới ông nữa. Lúc ở độ tuổi bát tuần, ông vẫn còn minh mẫn nhanh nhẹn, và có biểu diễn thử để chứng minh gồng là có thật.

Chúng tôi nhớ lúc còn nhỏ theo thầy học võ, chưa từng nghe nói đến khái niệm về nội công. Nhưng võ gồng trong dân gian thì nghe nói đến rất nhiều. Rồi có lần chúng tôi chứng kiến một đàn ông trung niên bị một đám thanh niên du đãng dùng cây, gậy vây đánh ở khu Trại Bò cạnh QL1 chạy ngang TX.Tuy Hòa. Chỉ thấy người đàn ông rùng chân xuống bộ đưa hai tay che đầu chịu đòn. Tưởng đâu nhịn cho qua chuyện, không ngờ thấy đám du đãng quá hung hãn, bất ngờ ông chớp nhoáng tung đòn, trong nháy mắt đám thanh niên đều bị hạ gục. Đám đông mục kích có người kêu to lên: Võ gồng! Lúc ấy chúng tôi nhìn thấy mà thán phục lắm.

Sau này trao đổi với nhiều võ sư, họ đều có chung nhận định võ gồng là môn khí công thượng thừa hoàn toàn của người Việt, được che đậy dưới lớp vỏ thần bí. Đó là phép vận động các bộ phận cơ thể kết hợp vận khí cùng cách xúc cốt, tán cốt làm cho gân cơ xương khớp và da thịt trở nên rắn chắc như sắt thép. Đến nay môn võ này vẫn còn nằm trong màn bí ẩn!

Một môn võ khác không kém phần bí hiểm hay được nhắc tới trong những lần cao đàm khoát luận về võ học ở các miệt vườn. Công phu này có tên rất dân dã gọi là môn trói bộ. Đó là kỹ thuật trói, khóa không cần đến dây cột, làm cho kẻ bị bắt giữ không thể cựa quậy, cử động. Có người giải thích trói bộ là kỹ thuật đánh tháo khớp vai, khớp chỏ, khớp đùi rồi bẻ quặt chân tay ra sau bắt phải nằm yên. Giống như người ta vẫn thường khóa chéo hai cánh gà, làm cho gà không thể chạy dù không dùng dây nhợ gì. Hoặc đó có thể là một kỹ thuật điểm huyệt làm cho cơ thể tê liệt, bất động chăng?

Võ gồng là môn khí công thượng thừa hoàn toàn của người Việt, được che đậy dưới lớp vỏ thần bí

Mới đây chúng tôi có gặp võ sư Nguyễn Ngọc Hùng, là thầy dạy của nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân đoạt huy chương bạc tại Olympic Sydney 2000. Hôm ấy bên bờ biển giữa tiếng sóng ầm vang, võ sư Hùng tiết lộ: “Hơn mười năm theo đuổi tôi đã học được môn trói bộ từ một vị đại tá đặc công đã nghỉ hưu. Đây là kỹ thuật bí truyền của võ Việt, ít truyền dạy ra ngoài”. Khi chúng tôi đề nghị hãy thử biểu diễn với cậu học trò của ông là đại úy công an Nguyễn Bảo Quốc, ông nói món này “sống để dạ, chết mang theo” không thể đem ra thử được!

Có một câu chuyện không kém phần thú vị nữa là giả thuyết về sự tương đồng giữa kỹ thuật võ Tây Sơn và võ muay Thái. Người nêu giả thuyết này là bác sĩ Trần Đại Sỹ vốn am tường võ học, làu thông cổ sử và dịch lý, sử dụng được nhiều thứ tiếng. Ông sống ở nước ngoài và có điều kiện nghiên cứu, đối chiếu so sánh. Theo ông đời nhà Trần võ học Việt Nam đạt đến đỉnh cao với nhiều phái võ lớn gọi chung là dòng võ Đông-a. Triều đại nhà Hồ tiếp thu và kế nghiệp dòng võ này. Khi Hồ Quý Ly bại trận, con cháu phải chạy về lánh nạn ở Nghệ An vốn là vùng đất phát tích họ Hồ. Nơi đây xưa gọi là đất Cửu Chân có nhiều dòng võ Việt cổ sơ còn giữ nguyên gốc. Con cháu họ Hồ đã phối hợp võ Đông-a và võ Cửu Chân tạo ra dòng võ mới. Đây là môn võ có tính sát thủ dữ dội, khắc tinh của các phái võ Trung Quốc như Đường lang (Thoong loòng), Tung sơn Thiếu lâm.

Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, quân chúa Nguyễn từng vượt qua sông Linh Giang bắt một số dân đưa vô Nam khai hoang lập ấp. Hậu duệ họ Hồ đã đứng chân ở vùng đất Tây Sơn - Bình Định và khai sáng nên dòng võ Tây Sơn sau này. Điều đó giải thích tính thiện chiến của các đạo quân Tây Sơn từng đánh cho quân Xiêm La và quân Thanh thất điên bát đảo.

Khi Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, nhiều tướng lĩnh bỏ trốn sang đất Xiêm La ẩn náu. Họ đã truyền bá võ thuật và hình thành nên môn muay Thái. Đây là môn võ có đòn thế khốc liệt và nhiều nét tương đồng với võ Tây Sơn. Bác sĩ Trần Đại Sỹ khẳng định ông đã sang Thái Lan nghiên cứu, thấy tại các tổng đường võ phái bài vị thờ các tổ sư đều đề chữ Nho, tên các tổ là người Việt.

Cao Thụ | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục