Del Bosque - Mưu thâm, kế diệu

15:55 Thứ năm 05/07/2012

EURO 2012 kết thúc đã 4 ngày. Các lữ đoàn quân viễn chinh đâu đã về đấy. Những kẻ thua rưng rưng nốc cạn chén ngậm ngùi, và người thắng cũng đã say men nồng chiến thắng. Đến giờ này, không ít người đã hiểu ra, nhưng vô khối người vẫn chưa hiểu thấu những mưu thâm kế diệu của Ngài râu kẽm, Vicente Del Bosque!

Hỏa mù 4-6-0 hay đội hình không tiền đạo

Có lẽ điều khiến Del Bosque phải rung đùi, vuốt râu khoái trá nhất là cho đến tận giờ này, khi EURO 2012 đã tàn cuộc chơi, mà không ít người vẫn còn cho rằng ông sử dụng đội hình 4-6-0, không tiền đạo.

Thực tế trải qua 6 trận đấu cho thấy khi tấn công, TBN đã chơi đội hình 4-3-3 hay chính xác hơn là 4-2-1-3. Trong đó 2 tiền vệ phòng ngự là Busquets và Alonso. Xavi nhô cao hơn một chút. Trên cùng là 3 tiền đạo chủ lực Iniesta-Fabregas-Silva. Bề ngoài tưởng chừng là TBN chơi không tiền đạo, nhưng thực tế TBN đã chơi với hàng công một Iniesta và 2 giả-Messi!

Ngài râu kẽm mưu thâm, kế diệu! Ảnh: Internet.

Trận chung kết thắng Ý, bàn mở tỷ số của TBN cho thấy rõ điều đó: 3 tiền đạo cùng đột nhập sâu phần sân nhà tuyển Ý. Messi-bây-giờ (Fabregas) đang chơi ở giữa dạt sang cánh phải nhận đường chọc khe của Iniesta, dấn thêm một nhịp xuống sát biên ngang, rồi chuyền ngược lại vào giữa. Người đón bóng là Messi-thuở-ban-đầu (Silva). Anh này đang chơi bên cánh phải thoắt hoán chuyển vào giữa, băng xuống và đánh đầu ghi bàn thắng! Đây là pha ăn bàn của 3 tiền đạo chủ lực! Trong trận mở đầu bảng C giữa Ý và TBN cũng là 3 tiền đạo này áp sát khu 16m50. Iniesta chọc khe, Silva nhận bóng, chuyền tinh tế cho Fabregas lập công, ghi bàn thắng gỡ hòa 1-1. Cả 2 bàn thắng này đều cho thấy đặc trưng phối hợp biến hóa sắc sảo và độc đáo của 3 tiền đạo sát thủ thực sự.

Khi mất bóng, thì Iniesta và Silva lùi xuống, biến khu vực giữa sân của TBN thành điểm ngũ của một quân xúc xắc. Đội hình TBN linh động trở thành 4-5-1. Tiền đạo thật (Torres) hoặc tiền đạo ảo (Fabregas) vẫn chiếm giữ vị trí cao nhất trong hàng công. Tóm lại, không phải Del Bosque không dùng tiền đạo, mà ông đã sử dụng các tiền vệ giỏi chơi vai tiền đạo vậy. Trước ông, chúng ta cũng thường được thấy Pep Guardiola nhiều lần sử dụng hậu vệ phải Dani Alves hoặc hậu vệ trái Adriano chơi vai tiền đạo phải trong đội hình Barcelona rồi, nên thật ra điều này không lạ.

Những tiền đạo bất ngờ từ dưới dất chui lên

Một điểm lý thú khác trong cách cầm quân của Del Bosque, là ông thường chỉ đạo toàn quân lui xuống, khống chế khu vực giữa sân, dụ cho đội hình đối phương dâng lên cao, cố ý không cho đối thủ dựng 2 tầng xe bus phòng ngự. Rồi sau đó, một đường chuyền độc từ xa được bất ngờ chuyền xuống vào… chỗ không người, không có cầu thủ đối phương, cũng không có cả quân nhà. Bất thần, một hậu vệ hoặc một tiền vệ phòng ngự từ rất xa băng lên như cơn lốc chiếm lĩnh khoảng trống đó, nhận đường chuyền độc đó và… ghi bàn!

Navas trong trận thắng Croatia. Alonso trong trận tứ kết thắng Pháp. Arbeloa trong trận bán kết với Bồ Đào Nha. Alba trong bàn nâng tỷ số lên 2-0 trong trận chung kết thắng Ý. Cả 4 đòn đánh đều theo cùng một kiểu : Quân từ dưới đất chui lên, bất ngờ đột nhập vị trí của trung phong cắm và ghi bàn. Chỉ riêng có một trường hợp Arbeloa là không thành công vì anh này đã bỏ lỡ một cơ hội hết sức ngon ăn, đưa bóng vọt xà ngang khung thành Bồ Đào Nha.

Cao tay hơn cả Pep Guardiola

Đại nhân đắc ý, đại nhân … cười! Ảnh: Internet.

Del Bosque đủ thông minh để tiếp thu những cái hay của Roberto Mancini trong việc sử dụng David Silva làm tiền đạo phải kiêm hộ công, và đặc biệt là cách Guardiola sử dụng Fabregas vốn xuất thân là tiền vệ phòng ngự số 4 chơi như một tiền đạo ảo số 10. Nhưng hơn thế nữa, ông tỏ ra đã cao tay hơn Guardiola một bậc.

Chúng ta thường thấy Barcelona của Guardiola, kiểm soát bóng chặt chẽ ở trung tuyến, rồi tấn công đối phương cấp tập bằng đội hình 4-3-3 dâng cao, tràn hết sang phía nửa sân đối phương. Đó là lúc tấn công… ”bình thường”. Khi cần bạo công, cường kích, Guardiola đã biến hóa đội hình thành 3-4-3 hoặc thậm chí 3-3-4. Công bạo thật. Như gió táp mưa sa thật. Khi thắng thì thắng đẹp 4-0, 5-0. Nhưng cũng lắm khi chẳng khác gì chuồn chuồn lao đầu vào… vách đá!

Vì sao? Vì khi chơi bạo công như vậy, đương nhiên đối thủ phải lùi về, lùi hết về. Và trận địa phòng ngự của đối phương tự nhiên hóa ra dày đặc hơn, thành lũy địch được ken nhau chặt chẽ hơn. Hậu quả là đã khó lại càng khó ghi bàn. Tai hại hơn nữa, chỉ cần một cú phá bóng cầu âu cao vút lên phía trên, nếu tiền đạo đối phương đón được, sẽ bất ngờ mở ra một cuộc phản công chớp nhoáng. Quân đâu mà đỡ trong những tình huống ấy? Đã vậy, dồn ép địch thủ sát sao, chiếm hết bóng không cho người ta chơi, bảo sao người ta chẳng ức chế, và họ sẽ chơi bài chặt chém, gây ra những chấn thương không đáng có.

Cao tay hơn Guardiola, Del Bosque chủ trương: “Hà tất phải như thế!” Chỉ cần kiểm soát chặt trung tuyến, những đường phá bóng ẩu ra biên hoặc những đường phát bóng bừa lên trên của thủ môn sẽ cho đối phương có cơ hội được dâng cao, được chơi bóng như mình. Họ ít bị ức chế, cũng sẽ ít phạm lỗi. Thừa lúc họ mải mê dâng cao mà đột phá ăn bàn sẽ ít hao công sức mà hiệu quả lại hơn hẳn.

Đó là mưu thâm kế diệu của Vicente Del Bosque. Nhưng EURO 2012 đã tàn cuộc rồi, lắm người đã nhận ra, nhưng cũng không ít các “chuyên gia” đến tận giờ này vẫn còn… ù ù cạc cạc! Điều vô cùng lý thú chính là ở đó vậy.

(Bạn đọc: Đông Hưng)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập TinTheThao.com.vn

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục