Để “rái cá sông Hàn” Hoàng Quý Phước tìm lại đỉnh cao phong độ

15:46 Thứ ba 07/07/2015

Tại SEA Games 28, Hoàng Quý Phước giành 1 HCV và phá 1 kỷ lục SEA Games nội dung 200m tự do nam. Tuy nhiên, thành tích này chưa xứng đáng với khả năng của VĐV được mệnh danh là “rái cá sông Hàn”.

Để chuẩn bị cho SEA Games 28, Hoàng Quý Phước đã được ngành Thể thao và đơn vị chủ quản Đà Nẵng đầu tư 1,6 tỷ đồng đi tập huấn tại Nhật Bản với kỳ vọng sẽ mang về cho đoàn Thể thao Việt Nam nhiều tấm HCV trên đường đua xanh và mục tiêu xa hơn là giành vé tham dự Olympic 2016 ở Brazil trong mùa hè tới.

Tại SEA Games 28, ở ngay ngày thi đấu đầu tiên Hoàng Quý Phước đoạt 1 HCV và phá 1 kỷ lục SEA Games nội dung 200 mét tự do nam với thành tích 1 phút 48 giây 96 (so với kỷ lục cũ của Henry Bego là 1 phút 49 giây 22, lập tại SEA Games 26). Tuy nhiên, ở những ngày thi đấu sau đó “rái cá sông Hàn” không phát huy được thế mạnh của mình và chỉ có thể giành thêm 1 HCĐ 100 mét tự do với thông số 50 giây 60. Quý Phước lần lượt thất bại ở các nội dung 50m, 400m tự do nam và cũng không thành công ở các nội dung 50m, 100m bơi bướm nam.

Vì thế, nếu so sánh với người đồng nghiệp Nguyễn Thị Ánh Viên hay Joseph Schooling của Singapore, những gì mà Hoàng Quý Phước đã đạt được trên đất Singapore quả là ít ỏi. Sau “thất bại” của Quý Phước tại SEA Games đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều xung quanh chuyến tập huấn của kình ngư người Đà Nẵng.

Hoàng Quý Phước thi đấu không thành công tại SEA Games 28. Ảnh: Internet.

Trước khi bắt đầu hành trình chinh phục huy chương tại SEA Games 28, Hoàng Quý Phước khẳng định CLB Renaissance mà anh đang tham gia tập huấn tại Nhật Bản là một CLB bơi “rất mạnh” nhưng đây không phải là địa chỉ phù hợp. Qua trang web chính thức của Renaissance, đây là một công ty được hình thành từ năm 1982 và khởi đầu bằng dự án dạy… tennis!

Ngoài ra Công ty Renaissance (kinh doanh cả tập thể hình, yoga), không phải địa chỉ tập luyện của đội tuyển quốc gia Nhật cũng không phải điểm đến của nhiều đội tuyển các nước (những CLB mà Ánh Viên đang tập huấn tại Mỹ là nơi đã và đang đào tạo những VĐV thượng thặng của Mỹ và thế giới, chuyên gia của Viên từng huấn luyện cả Michael Phelps). HLV của Phước gần như “vô danh”, chưa huấn luyện VĐV đỉnh cao, mới chỉ đào tạo 2… VĐV nữ trước khi biết Phước.

Bên cạnh đó giới chuyên môn cũng đưa ra những đánh giá về phương pháp huấn luyện của CLB Renaissance là chưa phù hợp với Hoàng Quý Phước. Bởi trong phần lớn thời gian tập huấn tại đây, Phước chỉ được tập kỹ thuật và tập tĩnh. Gần như không được chú trọng những bài tập tăng cường sức mạnh (như tập tạ), ít có bài tập phát triển sức bền tốc độ. Ở CLB, Phước tập với những VĐV nhỏ tuổi, trình độ chênh lệch quá nhiều so với anh. Phước không được cọ xát, thi đấu với những người giỏi hơn mình.

Tuy nhiên, có một thực tế khác nữa cần phải nhìn nhận là Hoàng Quý Phước chỉ có 4 tháng tập huấn tại Nhật Bản để chuẩn bị cho SEA Games 28. Nếu so sánh với VĐV hàng đầu của Singapore, Joseph Schooling thì giữa hai VĐV có khoảng cách chênh lệch rất lớn về việc được đầu tư đào tạo bài bản. Schooling được gia đình đưa sang Mỹ du học từ năm 2008-2010. Schooling trở thành VĐV giỏi nhất nước Mỹ nội dung 100 mét bướm ở lứa tuổi của mình. Năm 2014, tại ASIAD Incheon (Hàn Quốc), thành tích HCV 100 mét bướm của Schooling đã đạt đến tầm châu lục. Đây là kết quả của quá trình tập huấn dài hạn tại Trung tâm bơi lội của Đại học Texas ở Austin, nơi tay bơi 19 tuổi được Eddie Reese - HLV đội tuyển Mỹ tại Olympic Bắc Kinh 2008 - huấn luyện.

Ở mức độ thấp hơn, Ánh Viên cũng nhận được sự đầu tư lớn từ ngành thể thao và đơn vị Quân đội với thời gian gần 4 năm, cùng tổng kinh phí tương đương 7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ánh Viên được khoác áo CLB Saint Augustine (bang Florida) gần 2 năm. Sau đó, được chuyển sang CLB nổi tiếng khác là Ebiscobal và được dẫn dắt bởi chuyên gia Cray Anthony Teeters - một trong những HLV giỏi nhất Mỹ.

Ngoài địa điểm tập luyện và HLV một vấn đề đáng quan tâm nữa với đào tạo VĐV đỉnh cao là chế độ dinh dưỡng. Nếu so sánh giữa Hoàng Quý Phước và Ánh Viên thì hai người cũng có khoảng cách mênh mông. Tại Mỹ, Viên được thầy Đặng Anh Tuấn lo cho từng bữa ăn, tính toán chi li lượng calo nạp vào cơ thể mỗi ngày thì ở Nhật Bản, Phước phải tự nấu những bữa ăn trước khi đi tập luyện. Phước không được các chuyên gia tính toán lương calo tiêu thụ mỗi ngày,điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đển kết quả trong chuyến tập luyện ở Nhật Bản của “rái cá sông Hàn”.

Thất bại ở SEA Games không phải là dấu chấm hết với Hoàng Quý Phước. Nhưng để “rái cá sông Hàn” tìm lại đỉnh cao phong độ và có thể giành vé chính thức tham dự Olympic 2016, có lẽ những người trong ngành của Thể thao Đà Nẵng và Tổng cục Thể dục Thể thao cần phải có sự thay đổi cách suy nghĩ để Phước đến tập luyện ở một địa điểm phù hợp hơn. Ở đó, kình ngư 22 tuổi có thể phát huy được những điểm mạnh của mình.

Hiện Hoàng Quý Phước đạt 2 chuẩn B ở cự ly 100m tự do (thành tích của Phước là 56”60 đạt tại SEA Games 28), 200m tự do (1’48”96). Tuy nhiên, theo quy định của môn Bơi tại Olympic, chỉ các VĐV đạt chuẩn A giành suất trực tiếp. Với các VĐV chỉ đạt chuẩn B, FINA sẽ lấy thành tích từ cao xuống thấp. Do vậy, dù đã đạt chuẩn B Olympic nhưng cơ hội đến Brazil vào mùa hè năm sau của Hoàng Quý Phước là chưa chắc chắn bởi mỗi nội dung của môn bơi chỉ lấy 99 VĐV (gồm cả chuẩn A và chuẩn B). Tại Olympic 2012 ở London, dù đạt chuẩn B ở nội dung 100m tự do nhưng Quý Phước không được tới London thi đấu do nằm ngoài Top 100 kình ngư có thành tích đạt chuẩn tốt nhất.

Để có thể giành cho mình tấm vé đến Brazil vào mùa hè năm 2016, Hoàng Quý Phước cần nhận được sự quan tâm của ngành Thể thao Việt Nam cũng như phải nỗ lực hơn nữa ở giải vô địch thế giới sắp tới. Trong cuộc họp tập trung đầu tư cho các môn Thể thao và VĐV trọng điểm cho Olympic Brazil 2016 vừa được tổ chức mới đây, ngành Thể thao Việt Nam đã xác định sẽ tiếp tục đầu tư cho Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Quý Phước, Lâm Quang Nhật và Trần Duy Khôi của đội tuyển bơi để đạt chuẩn tham dự Olympic 2016.

Hoàng Nam | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục