Đào tạo trẻ ở Serie A: Bao giờ có 'phong cách Milan'?

17:01 Thứ hai 09/09/2013

Barcelona chơi cùng một phong cách, một chiến thuật từ cấp độ thiếu niên đến đội một, và chúng ta gọi họ là “phong cách Barcelona”, “lối chơi tiki-taka”. Barca đã tạo ra được phong cách riêng nhờ chú trọng phát triển bóng đá trẻ từ lò La Masia hơn 30 năm qua.

Milan đã từng có phong cách, khi Arrigo Sacchi áp đặt vào Milan thứ bóng đá “mọi cầu thủ phải học cách phòng ngự, lao lên tấn công vào những khoảng trống”. Nhưng đấy chỉ là quá khứ.

Xem Milan hiện tại thi đấu, không thể gọi đó là một phong cách. Cùng một HLV: 2 năm đầu Milan đá 4-3-1-2. Năm thứ 3 họ chơi 4-3-3. Đến năm nay lại chuyển về hệ thống 4-3-1-2 vì Kaka. Thậm chí khi lâm vào khủng hoảng đầu mùa trước, mỗi trận Milan đá một sơ đồ chiến thuật. Cá biệt như trận gặp Malaga tại vòng bảng Champions League, ông Allegri sử dụng... 4 sơ đồ chiến thuật. Điều đó tố cáo sự mất định hướng của Milan.

El Shaarawy đang dần mất chỗ đứng tại Milan.

Ở Barcelona, khi Daniel Alves không thể thi đấu tiếp, họ cho Martin Montoya vào thay. Khi Xavi chấn thương thì Fabregas đá thay. Pedro không thi đấu được thì Tello có thể thay thế… Vì thống nhất một phong cách, Barca phát triển các lứa cầu thủ kế cận rất “khớp” nhau, có thể đôn ngay lên đội một để sử dụng.

Ở Italy hiện nay, chúng ta cũng không thể gọi tên “phong cách Juve” hay “phong cách Inter”. Vì các đội bóng Italy chưa tạo ra được một hệ thống đào tạo bóng đá bài bản như những bánh răng khớp nối tuyệt đối với nhau. Juve 2 năm qua rất ổn định với 3-5-2 và lối tấn công với biên độ đội hình mở rộng. Nhưng giả sử Antonio Conte ra đi, chẳng ai đảm bảo lối chơi ấy được duy trì.

Tại Italy, chỉ 7,8% cầu thủ “cây nhà lá vườn” có cơ hội ra sân như những Montoya, Pedro, Messi, Xavi, Iniesta, Busquets, hay Tello. Các đội bóng Ý vẫn đặt chiến thắng cao hơn tất cả nên không dám sử dụng cầu thủ trẻ. Năm ngoái, trong khó khăn tột cùng, Milan đặt cược vào El Shaarawy. Nhưng khi El Sha sa sút, thay vì cho anh cơ hội, họ thay đổi toàn bộ hệ thống chiến thuật để dựa vào người khác.

Theo thống kê, trên 50% cầu thủ tại Serie A là người nước ngoài, trong khi con số trung bình tại châu Âu chỉ là 36,1%. Thay vì tin dùng cầu thủ trẻ, các CLB ở Ý có xu hướng tìm mua các cầu thủ nước ngoài. Hãy nhớ lại những Macheda, Lupoli, Rossi, Petrucci đã và đang lụi tàn thế nào ở Anh. Giaccherini của Juve cũng mới bỏ sang Sunderland. Chỉ Giuseppe Rossi tìm lại mình khi rời M.U, nhưng anh cũng không thể vươn lên đỉnh cao.

Milan đã nhìn ra sự thiếu thống nhất trong đào tạo trẻ của họ sau những lần chạm trán Barcelona những năm qua, và đang tập trung làm bóng đá trẻ, nhưng mới chập chững đi những bước đầu tiên. Juve cũng đã lên kế hoạch xây dựng một tổ hợp thể thao đắt tiền để phát triển bóng đá trẻ. Với các CLB còn lại của Serie A, chẳng lẽ cứ phải gặp Barca họ mới chịu nhìn lại mình?
H.Đ | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục