Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á lần 5-2013 (ASG5): Điểm sáng từ đoàn Singapore

16:53 Thứ sáu 28/06/2013

Dù đi được nửa chặng đường nhưng những gì đọng lại về ngày hội thể thao dành cho học sinh khu vực Asean không nhiều, do rất ít học sinh ở những trường phổ thông bình thường có cơ hội thi đấu.

Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, người đoạt 3 HCV trong ngày thi đấu đầu tiên của ASG5 - Ảnh: Nga Nguyễn

Thật vậy, trừ đoàn thể thao Singapore, hầu hết VĐV tham dự đại hội của các đoàn còn lại là VĐV năng khiếu hoặc VĐV trẻ trong khu vực.

Đại hội của VĐV năng khiếu

Gần như tất cả VĐV của đoàn VN đều là VĐV năng khiếu thể thao của các địa phương, VĐV các đội tuyển trẻ quốc gia, thậm chí của những đội tuyển sẽ có mặt tại SEA Games 27 sắp tới ở Myanmar. Theo đại diện Bộ GD-ĐT - đơn vị chủ trì tổ chức ASG5, không chỉ VN mà các quốc gia trong khu vực cũng đưa thành phần như trên tham dự đại hội.

Cụ thể Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines... cử thành phần đông đảo VĐV năng khiếu dự đại hội. HLV Kasiyanto của đội tuyển cầu lông Indonesia cho biết tất cả VĐV cầu lông Indonesia dự đại hội lần này đều là học sinh ở các trường năng khiếu và các CLB thể thao. Theo HLV Kasiyanto, ít nhất một VĐV của đội tuyển cầu lông Indonesia dự ASG5 là Jonatan (16 tuổi) đang là thành viên của đội tuyển trẻ cầu lông Indonesia.

Trưởng đoàn Philippines Abalon khẳng định 100% học sinh của Philippines dự đại hội đến từ các trường thể thao. Ông Abalon cho biết hằng năm có hàng trăm ngàn em tham gia những cuộc thi thể thao ở các cấp khác nhau và có khoảng 8.000 em xuất sắc được tuyển chọn vào các trường thể thao của Philippines. Tất cả học sinh đến VN dự ASG5 lần này nằm trong số 8.000 VĐV trẻ của Philippines. Mặc dù vậy theo ông Abalon, các VĐV này một số ít có tài năng sau này sẽ có mặt ở các đội tuyển, số còn lại sau 10 năm học phổ thông cộng thêm hai năm học ở dạng dự bị có thể thi vào các trường đại học để có một nghề nghiệp khác phù hợp.

Bà Chin Leng Sim, phó trưởng đoàn Malaysia, khẳng định 40% thành phần đoàn Malaysia dự ASG5 là học sinh các trường thể thao, còn lại đến từ các trường phổ thông bình thường. Bà Chin Leng Sim cho biết khoảng 15 VĐV xuất sắc trong đoàn sẽ có cơ hội có mặt tại SEA Games 27.

Singapore không quan tâm đến thành tích

Đó là chia sẻ của ông Tan Chor Pang - trưởng đoàn thể thao học sinh Singapore dự ASG5. Theo ông Tan, tất cả VĐV của đoàn Singapore đều là học sinh ở các trường phổ thông bình thường. “Vì là đại hội dành cho học sinh nên chúng tôi chỉ cử học sinh đi dự để các em có cơ hội giao lưu, thể hiện bản thân. Các em đến từ nhiều trường khác nhau, cùng yêu thích thể thao và mục tiêu quan trọng nhất của các em là vượt qua chính mình trong cuộc thi này. Singapore cũng có nhiều VĐV trẻ tài năng ở độ tuổi học sinh, nhưng vì đây là đại hội dành cho học sinh nên những VĐV này không có mặt. May mắn là ở Singapore hệ thống giáo dục thể chất trong các trường học rất tốt, học sinh có nhiều điều kiện chơi các môn thể thao yêu thích và được khuyến khích chơi càng nhiều môn càng tốt” - ông Tan Chor Pang nói.

Từ đây, ông Tan Chor Pang cho biết Singapore không quan tâm đến việc các đoàn cử thành phần nào dự ASG5, quan trọng là các em đó đang ở lứa tuổi học sinh. Trong khi đó ông Abalon rất ngạc nhiên khi phát hiện một số VĐV ở một số đoàn dự ASG5 có độ tuổi trên 18: “Dù là VĐV năng khiếu nhưng các học sinh của Philippines đều trong độ tuổi 16-17 và không phải là VĐV ở các đội tuyển trẻ hay quốc gia. Tôi rất ngạc nhiên vì nhiều VĐV dự đại hội này ở các đoàn có tuổi nhiều hơn số tuổi của học sinh phổ thông”. Ông Abalon tỏ ra băn khoăn khi biết một số đoàn cử VĐV trẻ quốc gia hay đội tuyển quốc gia dự đại hội. Dù vậy, ông Abalon cho rằng mục tiêu của mỗi quốc gia khác nhau, Philippines không coi đây là sân chơi để giành chức vô địch hay thứ hạng mà chỉ là nơi cho VĐV trẻ được học hỏi, cọ xát.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - phó tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh VN, HLV điền kinh tại ASG5 - cho biết hơn 30 VĐV điền kinh VN dự ASG5 đều là VĐV đội tuyển trẻ quốc gia và VĐV năng khiếu các tỉnh. Ông Hùng cho rằng dù vậy họ đều được thi tuyển từ các trường phổ thông.

VĐV trên 18 tuổi có thể do lưu ban hay học chậm

Về việc có một số VĐV, trong đó có VĐV của đoàn VN dự ASG5, đã trên 18 tuổi, thậm chí một trong số đó từng là VĐV lâu năm ở đội tuyển quốc gia, ông Lê Mạnh Hùng, trưởng đoàn thể thao học sinh VN giải thích: “Do chương trình giáo dục của mỗi quốc gia khác nhau nên tuổi của các em có sự chênh lệch. Ví dụ ở Singapore 7 tuổi các em mới đi học lớp 1, trong khi hệ giáo dục phổ thông ở Philippines chỉ có 10 năm. Một số VĐV VN có thể quá tuổi do bận tập luyện hay thi đấu nên chưa hoàn thành chương trình học, bị lưu ban hoặc do học chậm. Quan trọng là họ vẫn là học sinh đang học ở các chương trình học phổ thông theo đúng điều lệ của đại hội”.

K.Xuân | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục