Có đáng hay không?

09:41 Thứ bảy 11/07/2015

Câu chuyện đi - ở của tài năng bơi Nguyễn Diệp Phương Trâm với đơn vị chủ quản là ngành thể thao TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có hồi kết. Chưa biết khi nào câu chuyện gây tranh luận này mới ngã ngũ nhưng ngay lúc này, tài năng bơi trẻ Phương Trâm đang đứng trước nguy cơ không được dự Giải trẻ quốc gia 2015 và đi kèm theo đó là mất một cơ hội cọ xát quý giá trong giai đoạn cần tích lũy kinh nghiệm nhất.

Sau Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Diệp Phương Trâm được coi là tài năng bơi nữ có triển vọng nhất Việt Nam và việc cô bé này được dự SEA Games 28 khi mới 14 tuổi đã nói lên tất cả.

Nguyễn Diệp Phương Trâm. Ảnh: Internet.

Ngay sau SEA Games 28, Tổng cục TDTT đã đưa Nguyễn Diệp Phương Trâm vào danh sách đầu tư trọng điểm để chuẩn bị cho các kỳ cuộc lớn của thể thao thế giới, châu lục, khu vực Đông Nam Á sau này. Nhưng, con đường của kình ngư trẻ này đã không có được sự thuận như đàn chị Nguyễn Thị Ánh Viên, ít nhất là cho đến lúc này. Cách đây ít lâu, việc gia đình kình ngư này xin cho con gái nghỉ thi đấu cho đơn vị chủ quản là Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh đã khiến nhiều người chú ý. Phía Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh chỉ chấp nhận để Nguyễn Diệp Phương Trâm ra đi với điều kiện là đi du học nước ngoài, còn nếu Phương Trâm nghỉ thi đấu cho TP Hồ Chí Minh để đầu quân cho đơn vị khác tại Việt Nam thì gia đình phải đền bù chi phí đào tạo lên tới 961 triệu đồng. Không phải ngẫu nhiên mà ngành thể thao TP Hồ Chí Minh đưa ra phương án giải quyết vấn đề bằng cách đền bù chi phí đào tạo. Nhiều người am hiểu đã bóng gió đến việc một đơn vị nào đó muốn "lấy không" tài năng bơi trẻ này. Đó không phải là chuyện mới bởi trước đây đã có tiền lệ về việc đơn vị này "bắn tỉa" quân của đơn vị kia bằng nhiều hình thức. Công sức đào tạo, phát hiện tài năng, chăm sóc, đầu tư của đơn vị chủ quản, của các HLV có thể mất sạch nếu "gà nòi" đột ngột chuyển sang đơn vị khác. Cho nên, việc TP Hồ Chí Minh đưa ra vấn đề đền bù chi phí đào tạo cũng có cái lý của nó.

Lúc này, phía gia đình VĐV Nguyễn Diệp Phương Trâm không chấp nhận cách tính chi phí đào tạo nói trên và sẵn sàng nhờ tòa án phân xử. Trong lúc chờ vụ việc ngã ngũ, Tổng cục TDTT chỉ có thể giúp Phương Trâm bằng cách để kình ngư này tập luyện ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh và cắt cử HLV theo dõi về chuyên môn chứ không thể can thiệp vào cuộc tranh luận giữa gia đình Phương Trâm với Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh. Cũng vì thế mà với giải bơi trẻ toàn quốc diễn ra từ ngày 16-7 tới, Nguyễn Diệp Phương Trâm đang đứng trước nguy cơ không được tham dự. Điều lệ giải đã quy định rằng, VĐV tham dự phải thi đấu cho một đơn vị chủ quản. Đến lúc này, muốn thi đấu tại giải trẻ toàn quốc, VĐV này chỉ có thể thi đấu cho TP Hồ Chí Minh, nếu không thì chỉ còn nước ngồi ngoài. Phương án để Phương Trâm dự giải theo diện đặc cách đối với một VĐV tự do cũng được tính đến nhưng ít khả thi bởi hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của phía ngành thể thao TP Hồ Chí Minh. Và nếu vụ việc tranh chấp chưa xong, có thể Phương Trâm còn bỏ lỡ cả giải vô địch Đông Nam Á. Không có thực tế thi đấu thì quá trình phát triển của VĐV đương nhiên bị ảnh hưởng nặng nề.

Với Phương Trâm, được dự bất cứ giải đấu nào cũng quan trọng, nhất là khi VĐV này đang trong giai đoạn phát triển mạnh về chuyên môn. Thế nhưng, tương lai của VĐV tiềm năng này đang phụ thuộc vào cuộc đối thoại đầy bế tắc giữa Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh với gia đình cô. Với ngành thể thao nước nhà và người hâm mộ, chúng ta đang đứng trước nguy cơ mất đi một "tiểu Ánh Viên" chỉ vì 961 triệu đồng. Có đáng không?

Minh An | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục