Chuyện ông bầu - chuyện nhà giàu

14:48 Thứ năm 10/10/2013

Hai cái tên nổi bật trong những ngày vừa qua trong làng bóng đá đều gắn với thành công của bóng đá trẻ. Bầu Hiển với lần đầu tiên đội U21 Hà Nội T&T lên ngôi vô địch giải U21 QG. Và bầu Đức với chiến thắng ở vòng loại U19 châu Á của đội U19 Việt Nam với thành phần nóng cốt là HAGL-Arsenal JMG.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi




Nhưng đó không phải là những điểm giống nhau của những ông bầu nhà giàu này.

Muốn giàu thì làm… ông bầu

Cùng xuất phát điểm… không cao, cũng không thuộc hệ 4C (con cháu các cụ). Lối vào kinh doanh của cả hai bầu đều khá trắc trở. Trước khi bước vào làm bóng đá, người ta còn chẳng biết ông Hiển, ông Đức là ai.

Bầu Đức xuất thân từ một anh đóng bàn ghế cho học sinh cho đến năm 1993 thì bắt đầu lập nên HAGL. Cái tên bầu Đức chỉ thực sự nổi như cồn khi dốc tiền đầu tư cho bóng đá Gia Lai - vốn chẳng tên tuổi gì trong làng bóng với số tiền thời điểm đó khiến người ta choáng váng: 8 tỷ/ năm. Chỉ là đội hạng Nhất, bầu Đức đã dám chơi ngông lấy về chân sút Kiatisak của Thái Lan và bảo hiểm đôi chân cầu thủ này 1,5 tỷ. Đó chưa phải là tất cả, HAGL thực hiện chính sách thành công nhanh chóng, thu lượm rất nhiều sao ở V-League và cũng rất nhanh chóng trở thành một quyền lực trong làng bóng đá Việt Nam. Lên V-League và vô địch ngay năm đó, HAGL trở thành một hiện tượng. Bầu Đức trở thành một hiện tượng.
 

Không biết bóng đá mang lại cho bầu Đức bao nhiêu tiền nhưng với bóng đá, danh tiếng của ông đã được biết đến nhiều hơn. Từ bóng đá, cái tên HAGL xuất hiện trên sân Emirates của Arsenal và bây giờ cái tên HAGL-Arsenal JMG như một thương hiệu, vươn ra ĐNÁ và đang bay cao ngay ở châu Á.

Bầu Hiển cũng bắt đầu là anh đi bán monito, tivi đen trắng khi công tác ở Viện Công nghệ QG. Điều kỳ lạ là cũng trong năm bầu Đức đứng ra lập HAGL thì bầu Hiển lập ra Công ty TNHH T&T ban đầu chỉ đơn thuần kinh doanh các sản phẩm điện dân dụng, độc quyền phân phối các sản phẩm điện tử của Nhật.

Có thời điểm người ta còn thấy T&T chỉ lắp ráp xe máy…Tàu, Nhật rồi bán ra thị trường.

Bầu Hiển thực sự biết đến khi năm 2006 ông đầu tư vào bóng đá, đội Hà Nội T&T bắt đầu chơi ở hạng Ba.

Cho đến bây giờ, bầu Hiển được cho là ông chủ của hai đội bóng: SHB Đà Nẵng, Hà Nội T&T ở V-League và CLB Hà Nội ở hạng Nhất. Có tin đội QNK Quảng Nam sắp chơi V-League cũng có dính chút xíu tới bầu Hiển.

Tất nhiên ông Hiển là Chủ tịch HĐQT T&T, SHB Đà Nẵng, Công ty Thủy sản Bianfishco. Liệu có phải bắt đầu từ những thăng hoa ở chính đội bóng của ông.

Với cả bầu Đức và bầu Hiển, bóng đá như đường băng cho họ cất cánh. Câu hỏi là họ giàu thế nào? Xin đưa mấy chi tiết sau đây:

Với bầu Đức, căn cứ vào số cổ phiếu mà ông đang giữ thì tổng tài sản của bầu Đức là 7.500 tỷ đồng. Thù lao mà bầu Đức nhận được trong vai trò Chủ tịch HĐQT HAGL chỉ là một khoản “khiêm tốn”, khoảng 3,5 tỷ/năm, theo cáo bạch năm 2012.

Bầu Hiển thì “nghèo” hơn. Nếu chỉ tính số cổ phiếu thì bầu Hiển chỉ có 170 tỷ nhưng người ta tính rằng, tài sản thật sự của bầu Hiển rơi vào khoảng… 1000 tỷ. Báo chí tiết lộ, chỉ riêng mức lương của bầu Hiển tại Công ty chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) đã là gần 80 triệu. Trong năm 2012, bầu Hiển lĩnh thù lao 1 tỷ chỉ ở SHS đó là chưa kể các mức lương ở SHB, T&T hay Bianfishco.

Thế nhưng về thành tích, bầu Hiển không kém bầu Đức. Ông Đức có hai chức vô địch V-League, bầu Hiển cũng đã có 2 chức vô địch (lần gần nhất chính là V-League 2013). Bầu Đức tự hào về lứa trẻ U19 vừa lọt VCK U19 cChâu Á thì bầu Hiển mỉm cười với lứa U21 vừa đoạt chức vô địch U21 QG.

Song hành trong kinh doanh

Bầu Đức đầu tư vào khoáng sản. Bầu Hiển cũng thế. Bầu Đức làm bất động sản. Bầu Hiển cũng là gom quá nhiều đất đai.

Bầu Đức “tấn công” sang Lào ở lĩnh vực kinh doanh với việc đầu tư bất động sản, trồng cao su, mía đường, khoáng sản… với đại bản doanh là Attapeu. Bầu Hiển cũng sang Lào đầu tư phần khai khoáng, ngân hàng.

Bầu Đức đầu tư cho đội bóng ở Lào là Hoàng Anh Attapeu, đưa cầu thủ của mình sang đá giải Lao League. Bầu Hiển cũng gây dựng đội bóng SHB Champasak, cũng cử cầu thủ sang.
Ở giải 2013, bầu Hiển thắng bầu Đức để lên ngôi cả ở V-League lẫn Lào League.

Nói cái giống nhau thì nhiều. Đến “vận hạn” hai ông bầu này cũng có những thời điểm tương đồng. Bầu Đức “đóng băng” với bất động sản, với cáo buộc… phá rừng, với những khoản đầu tư cần cắt bỏ như việc tháo chạy khỏi những dự án thủy điện.

Bầu Hiển thì lao đao bởi những cơn bão tài chính ngân hàng, đồng thời gánh những khoản nợ khổng lồ từ Bianfishco.

Vui vì bóng đá trẻ

Năm 2013 không phải là năm thuận lợi trong làm ăn của cả bầu Đức lẫn bầu Hiển. Bù lại, họ lại gặt hái được thành quả cực thuận lợi từ bóng đá.
Bầu Đức ghi điểm đầu tiên bằng việc góp phần đưa CLB Arsenal sang Việt Nam nhưng điểm nhấn vẫn là thành quả chăm chút lứa U19 sau 6-7 năm gây tiếng vang lớn ở cả hai giải đấu ĐNÁ và châu Á.

Bầu Hiển có chức vô địch V-League không lâu thì đội trẻ U21 đăng quang thuyết phục ở giải U21 QG vừa qua.
Không dễ để có những tương đồng như thế. Năm nay, nếu là năm của những ông bầu, những nhà giàu thì có lẽ chỉ là hai cái tên: Bầu Hiển, bầu Đức.

Hoàng Bách | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục