Chuyện Công Vinh, chuyện Sapporo

10:31 Thứ hai 25/11/2013

Như vậy những ngày tháng tươi đẹp của chàng tiền đạo tài năng Lê Công Vinh trên đất Nhật Bản đã khép lại khi Sapporo của anh không thể chiến thắng Kitakyushu để giành một chiếc vé dự vòng đấu vé vớt nhằm thăng hạng lên J-League. Dù chỉ là quãng thời gian ngắn ngủi nhưng có lẽ Công Vinh đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng người dân yêu bóng đá Nhật. Còn với chúng ta – những người ăn bóng đá ngủ bóng đá, chuyện Công Vinh xuất ngoại chắc hẳn cũng làm ta buồn vui lẫn lộn.

Hãnh diện chứ, khi…

Thực tế, việc một cầu thủ Việt Nam xuất ngoại thi đấu không hẳn là một chuyện xa lạ. Từ thời thế hệ vàng những năm đầu thập kỉ, chúng ta đã có Huỳnh Đức, Hồng Sơn “đem chuông đi đánh xứ người”. Song câu chuyện từ cái thời bóng đá mấp mé giữa bao cấp và chuyên nghiệp ấy, đôi khi đơn thuần chỉ là xã giao, quan hệ với một số trung tâm bóng đá lớn khác không hơn không kém. Chất lượng chuyên môn đóng góp cho câu lạc bộ bản địa chỉ là yếu tố phụ. Thế nên, giờ nhắc lại chuyện Huỳnh Đức đá cho Trùng Khánh của Trung Quốc, chắc nhiều người chả nhớ, mà cũng chẳng bận tâm để nhớ làm gì. Bởi Huỳnh Đức có là hạt nhân trong đội hình Trùng Khánh đâu! Từ đấy, ngẫm thấy chuyện Công Vinh được chào đón nồng nhiệt ở Nhật; ghi bàn, kiến tạo, được chèo kéo ở lại Nhật… mới thật hãnh diện làm sao!

Nói về câu chuyện Công Vinh ở Nhật, chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, từ một cầu thủ hạng xoàng, may lắm mới được vào sân ở trận đấu cúp, Công Vinh đã vụt sáng thành một cá nhân mang tầm ảnh hưởng đủ lớn đến quyết định đến chiếc vé lên hạng của Sapporo. Không hiểu Công Vinh sẽ còn được tung hô thế nào nếu cú sút phạt của anh không đập trúng cột dọc mà đi thẳng vào lưới.

Công Vinh ở Sapporo. Ảnh: Internet

Đấy là chuyện chuyên môn, ngoài lề một tí, trên bốn góc khán đài của Sapporo dường như nhiệt hơn mỗi khi Công Vinh ra sân thi đấu. Họ reo hò khi tiền đạo xứ Nghệ cầm bóng và vỡ ào khi anh ghi bàn. Không đơn thuần là chuyện màu cờ sắc áo địa phương. Rõ ràng, ở xứ sở “Hoa anh đào” người ta cũng tò mò xem một chàng trai Việt Nam điển trai, khéo léo, có dáng dấp đi bóng và sút phạt hao hao Ronaldo sẽ làm nên chuyện hay không. Cứ thế một trận, hai trận rồi, rồi cơ số trận, không nhiều nhưng cũng đủ để người biết xem bóng đá nhận định, anh chàng Việt Nam kia chơi bóng không tồi. Nhiều lúc nhìn cái cảnh Công Vinh ngước lên khán đài, hai tay vẫy vẫy với đại ý: “Cổ vũ nhiệt tình thêm nữa quý vị ơi” ta lại tiếc. Giá như Công Vinh đến Nhật sớm hơn!

Và một chút thoáng buồn

Chuyện Công Vinh xuất ngoại dĩ nhiên là một chuyện vui. Phần vì mừng cho cá nhân Công Vinh được thử sức ở một biển lớn, phần vì lòng tự hào dân tộc khi có một cầu thủ Việt được thi đấu ở đất nước phát triển bậc nhất ở châu Á. Song, niềm vui ấy chỉ thoáng qua, đằng sau nó là cả một sự trăn trở lớn của những người thực sự yêu bóng đá Việt.

Việt Nam đi lên chuyên nghiệp hơn 10 năm, tại sao chỉ có mỗi Công Vinh là thực sự chơi bóng ở nước ngoài? Nước ta đâu thiếu những cầu thủ xuất sắc, vậy tại sao luôn lẹt đẹt đi sau những người láng giềng như Thái Lan, Singapore hay Indonesia? Rõ ràng, mấy chốt là do công tác quản lí và điều hành của những người đứng đầu bộ máy bóng đá Việt Nam.

Yếu từ công tác đào tạo trẻ, các ông bầu thì chỉ xem bóng đá là công việc làm ăn không hơn không kém, các cầu thủ không được “dạy” tử tế…vô số những vấn đề như thế đang kìm hãm sự phát triển của bóng đá Việt.

Người ta tự hỏi nếu những Công Vinh, Trọng Hoàng hay Văn Quyến được sang tu nghiệp từ nhỏ ở những câu lạc bộ Nhật Bản hay xa hơn là các lò đào tạo của các ông lớn như Arsenal, Barca, MU thì Việt Nam có ở ngoài top 150 của FIFA? Khi ấy Văn Quyến có thành một “Quyến béo” thảm hại như hôm nay?

Ai cũng có hạt giống, quan trọng là cách thức chăm bón và nuôi dưỡng. Chính vì thế nên bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai quyết tâm gửi lứa U19 đi tu nghiệp dài hạn, chứ không để ở nhà và tham dự Seagame như vài lời đồn. Không đơn giản là câu chuyện chuyên môn xứng đáng hay không xứng đáng. Chỉ đơn giản, ông sợ giao lưu quá nhiều với bóng đá Việt, các em sẽ bị làm hư, sẽ trở thành Văn Quyến thứ hai.

Trở lại với câu chuyện của Công Vinh và Sapporo, khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, người ta tiếc nuối cho Sapporo, song không ai để ý ban lãnh đạo Sông Lam Nghệ An đã ra chỉ thị quyết tâm đòi người. Như vậy, cơ hội Công Vinh có thêm trải nghiệm ở bóng đá Nhật Bản gần như là không còn. Nói gì thì nói Công Vinh cũng gần ngấp nghé tuổi băm. Cơ hội để anh chinh chiến ở bóng đá đỉnh cao như thế không còn nhiều. Và thế là người ta lại đăm chiêu, sau Công Vinh là ai, sau Sapporo, sẽ đội nào?
Quốc Phi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục