Chức danh "Người quản lý" đã đi tới hồi kết tại Premier League

15:05 Thứ sáu 24/05/2024

Theo yêu cầu của bóng đá thời đại kim tiền, các câu lạc bộ cần phải chuyên biệt hoá từng khâu, và do vậy những "Người quản lý" kiểu Sir Alex Ferguson của ngày xưa đang dần đi vào dĩ vãng.

Thời đại của "Football Manager - người quản lý bóng đá" đã chết, hoặc đang chết. Chắc chắn ở Premier League là như vậy. Mùa giải trước chỉ có 9 trong số 20 câu lạc bộ giữ chức danh đó, trong khi những đội bóng còn lại đều sử dụng chức danh huấn luyện viên trưởng.

Mùa giải tới, Liverpool cũng sẽ loại bỏ Manager - Jurgen Klopp, và thay thế bằng huấn luyện viên trưởng đầu tiên của họ là Arne Slot. Và nếu như Manchester United sa thải Erik ten Hag thì người kế nhiệm ông tại Old Trafford cũng sẽ chỉ được trao chức danh HLV trưởng.

Khi đó, cộng với Pep Guardiola ở Manchester City, Mikel Arteta ở Arsenal, Sean Dyche ở Everton và 3 câu lạc bộ được thăng hạng là Ipswich Town, Leicester City và Southampton hoặc Leeds United, Ngoại hạng Anh sẽ gần như chỉ còn HLV trưởng, còn chức danh "Người quản lý" sẽ biến mất.

Mauricio Pochettino vừa bị sa thải trong vai trò "Người quản lý" ở Chelsea.

Điều đó có nghĩa là bóng đá xứ sở sương mù cũng không thể tránh khỏi xu thế chung. Các câu lạc bộ khắp châu Âu đã chuyển sang mô hình chuyên nghiệp, với sự quản lý từ trên xuống dưới gồm người lãnh đạo, người làm công tác chuyên môn chuyển nhượng, và người đứng bên ngoài đường biên để chỉ đạo các cầu thủ thi đấu trên sân.

Đây là một phong cách quản lý có thể giảm thiểu tối đa rủi ro, giống như trường hợp của Mauricio Pochettino với Chelsea mùa này. Vị chiến lược gia người Argentina có thể coi là một "Người quản lý" của đội chủ sân Stamford Bridge mùa giải vừa qua, và hãy nhìn đống hỗn độn mà câu lạc bộ này đang gặp phải.

Cơ cấu của Chelsea về cơ bản gồm hai giám đốc thể thao, Laurence Stewart và Paul Winstanley, cùng với các ông chủ Todd Boehly và Behdad Eghbali. Trong khi đó, Pochettino liên tục tỏ ra muốn can thiệp vào nhiều công việc hơn và rồi họ buộc phải để ông ra đi để tìm về một HLV trưởng, người dễ uốn nắn hơn.

Điều thú vị là hai câu lạc bộ cán đích ở vị trí thứ nhất và thứ hai tại Premier League mùa này đều sử dụng chức danh huấn luyện viên trưởng, nhưng có một chút thay đổi đó là Pep Guardiola và Mikel Arteta được trao nhiều quyền hơn một chút để có tiếng nói quan trọng trong mọi hoạt động của đội bóng. Giống như vậy, Unai Emery cũng đang thành công tại Aston Villa theo cách tương tự.

Thời đại của những "Người quản lý" như Ferguson hay Arsene Wenger đã qua.

Theo sự đổi thay của thời đại, việc các câu lạc bộ Premier League chuyển sang mô hình huấn luyện viên trưởng cùng với giám đốc thể thao, giám đốc bóng đá hoặc giám đốc kỹ thuật là điều hợp lý. Nó giúp cho công việc của đội bóng được chuyên môn hoá, giúp cho những nhà cầm quân chỉ cần chuyên tâm vào nhiệm vụ lên phương án chiến thuật cho các cầu thủ.

Quy mô của các câu lạc bộ ngày nay lớn đến mức gần như không thể có một Sir Alex Ferguson hay Arsene Wenger xuất hiện để có thể điều hành mọi thứ. Bản chất toàn cầu của bóng đá bao gồm cả phương diện thể thao và thương mại.

Việc để một "Người quản lý" không có chuyên môn về kinh tế đi đàm phán các hợp đồng chuyển nhượng trị giá hàng trăm triệu bảng là hết sức rủi ro. Do vậy, sẽ không bất ngờ nếu Premier League mùa tới chỉ có chức danh HLV trưởng.

(Bạn đọc: Thịnh Nguyễn)

Nguyễn Văn Thịnh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục