Chiến tích một lần trong đời

10:05 Thứ hai 29/09/2014

Mơ ước, chờ đợi rất lâu, nhưng một khi vận đến thì đời đổi rất nhanh. Điều đó xảy ra với Marin Cilic. Quãng đường cuối của anh ở New York xem ra rất ngắn. Tứ kết gặp Tomas Berdych? 3 set trắng! Bán kết gặp Roger Federer? 3 set trắng! Chung kết gặp Kei Nishikori? 3 set trắng.

Chăm chỉ có đủ không?

“Tôi mơ ước cả đời và đột nhiên trong vòng 4-5 ngày mọi thứ thay đổi, tôi bắt đầu chơi một cách khó tin từ set thứ 5 trận thắng Gilles Simon ở vòng 4”, Cilic nói. Và anh cũng đưa thông điệp đến hàng ngàn đồng nghiệp vẫn hàng tuần cô đơn di chuyển từ nơi này qua nơi khác đánh giải và nuôi dưỡng giấc mơ: “Chiếc cúp của tôi là dấu hiệu cho thấy nếu bạn làm việc chăm chỉ, bạn sẽ được trả công xứng đáng”.

Chăm chỉ đủ không? Không đủ, nhưng đó là điều cần thiết nhất. Khi các tay vợt nói đến từ “chăm chỉ” thì bạn đừng nghĩ rằng đó là lới sáo rỗng, họ phải trả giá rất nhiều trên sân tập và đánh đổi nhiều thú vui trong cuộc sống. Và khi từ đó thốt ra từ miệng một tay vợt không được đánh giá cao về tài năng như Cilic, bạn cần phải tin hơn.

Cilic có tài năng không? Chắc chắn là có. Anh cao 1m98, nhưng vẫn có nhiều tay vợt cao và sải tay dài hơn anh. Anh giao bóng giỏi, nhưng vẫn có cả tá tay vợt giao bóng giỏi hơn anh. Các tay vợt cao thường chậm hơn các đồng nghiệp thấp hơn, các tay vợt giỏi giao bóng thường trả giao bóng không tốt. Làm gì để bồi hoàn những khiếm khuyết đó? Chỉ có chăm chỉ tập luyện.

Cách đây 1 năm, Cilic còn ngồi xem US Open qua truyền hình. Ở một giải đấu tại Đức, mẫu thử doping của anh có chất cấm, anh đối mặt với án cấm thi đấu 2 năm, Kháng án, chứng minh được vô tình dùng phải chất cấm có trong thuốc ho, án phạt được giảm xuống còn 4 tháng. Cilic thực hiện trở lại ấn tượng, vào đến tứ kết Wimbledon 2014, thế coi là thành công rồi. Không ai nghĩ có thể lấy cúp vô địch ở New York. Tỉ lệ đặt cược của anh trước giải này là 1 ăn 100.

Chiến thắng của Cilic in đậm hình bóng của người đồng hương xứ Croatia, Goran Ivanisevic. Tay vợt xếp hạng 125 thế giới đến dự giải Wimbledon 2001 với suất đặc cách đã giành chức vô địch năm đó một lần nữa cho thấy trong đời sống, điều kỳ diệu vẫn bằng những cách nào đó xuất hiện.

Ivanisevic trước đây giới thiệu Cilic cho HLV Bod Brett, người đưa Cilic vào bán kết Australian Open 2010 và Top 10 thế giới. Mùa hè năm ngoái, khi Cilic gặp khó khăn nhất, Ivanisevic đã tới huấn luyện Cilic, Ivanisevic mài dũa lại các cú đánh của Cilic, đặc biệt là cú giao bóng.

Trước đây, Ivanisevic có cú giao bóng bằng tay trái dội bom nhất thập niên 1990 thường chỉ mất 45-60 giây để thực hiện xong game giao bóng của mình. Giờ Cilic cũng vậy, anh chỉ mất 40 giây để hoàn tất game cuối trong trận thắng Federer, trong đó có 3 cú ace. Ở trận chung kết với Nishikori, Cilic có 17 cú ace, bao gồm đủ 4 cú trong một game đấu ở set thứ 2. Từ đầu năm đến nay, Cilic có hơn 650 cú ace, nhiều hơn bất kỳ năm nào trước đây trong sự nghiệp của anh.

“Nhưng điều quan trọng nhất Goran Ivanisevic mang đến cho tôi là niềm vui thi đấu”, Cilic nói, “Khi trước tôi nghĩ về chiến thuật khi gặp các đối thủ rất nhiều, ít nghĩ về lối chơi của mình. Nay tôi không nghĩ nhiều về chiến thuật nữa, tập trung chơi theo cách của mình. Phải mất mấy tháng mới thay đổi được thói quen đó”.

Chuyển giao thế hệ?

Lần đầu tiên kể từ năm 1997 (khi Pat Rafter thắng Greg Rusedski ở US Open), có hai tay vợt đều chơi trận chung kết Grand Slam đầu tay của họ, Cilic hạt giống số 14 còn Nishikori hạt giống số 10. Lần đầu tiên kể từ năm 2005 (khi Marat Safin thắng Lleyton Hewitt ở Australian Open), không có Federer, Novak Djkovic và Rafael Nadal xuất hiện tại trận chung kết Grand Slam liệu có phải là dấu hiệu của sự chuyển giao thế hệ?

“Tôi không nghĩ thế”, Federer nhận xét, “Khi Stan Wawrinka vô địch tại Melbourne đầu năm nay, người ta cũng nói thế nhưng sau đó ta thấy điều gì xảy ra ở Roland Garros và Wimbledon tiếp theo khi Rafa và Novak vô địch”. Đúng là chưa thể khẳng định được có sự chuyển giao thế hệ vì “Big Four” chơi vẫn rất sắc sảo. Federer vẫn duyên dáng và ham muốn; Djokovic đang là số 1, vừa giành Wimledon theo đúng cách; Nadal còn cú forehand “độc ác” và trái tim cứng cáp; Murray còn tốc độ và những cú chạm bóng khéo tay.

Không chuyển giao hoàn toàn nhưng càng ngày càng có nhiều tay vợt đang bước vào cuộc cạnh tranh. “Stan Wawrinka đã mở cánh cửa cho các tay vợt hàng hai như tôi. Niềm tin của chúng tôi ngày càng lớn hơn”, Cilic nói. Bạn chỉ có thể may mắn được một lần chứ khống thể may mắn đến tận 3 trận như cách Nishikori hạ 3 tay vợt Top 5 hạt giống trong cùng một giải đấu như tại New York năm nay, thành tích mà chỉ có Mats Wilander lập ở giải Roland Garros 1982.

Marin Cilic sẽ là gì sắp tới?

Đây là câu hỏi thường được đặt ra sau khi một tay vợt không được chờ đợi giành giải thưởng lớn. Đầu năm nay, nó đã được đặt ra với Wawrinka. Tay vợt Thụy Sĩ trước khi vô địch Australian Open chỉ có 5 danh hiệu vô địch ATP 250. Cilic trước giải US Open này cũng giống như Wawrinka: có 11 danh hiệu vô địch, đều thuộc hạng ATP 250, chưa vô địch giải ATP 500 nào và chưa lọt vào trận chung kết ATP Masters 1000 nào.

Năm 2009, Juan Martin del Potro thắng cả Nadal và Federer để vô địch US Open, được tung hô như người sẽ phá thế “Big Four”. Nhưng từ đó đến nay, tay vợt Argentina này mới chỉ một lần vào bán kết Grand Slam. Danh sách những tay vợt chỉ một lần duy nhất vô địch Grand Slam thường được gọi là “One Slam wonder” kéo rất dài: Pat Cash, Carlos Moya, Andy Roddick và cả Ivanisevic.

Liệu rằng Cilic sẽ chỉ là “One Slam wonder” hay đối thủ thách thức lớn tới đây? Federer không tin Cilic lắm, anh khá ngạc nhiên về sự ổn định của Cilic trong trận bán kết: “Tôi nghĩ anh ta đánh bóng khá thất thường, nhất là từ vạch cuối sân, tôi cũng không chơi hay hôm đó”. Federer đánh giá Nishikori cao hơn Cilic.

Là một người chứng kiến quá nhiều tay vợt đến và đi, nhận xét của Federer đáng tin cậy. Còn nhớ Jo Willy Tsonga tháng trước đã chơi rất hay, hạ Federer ở trận chung kết Rogers Cup, nhưng bị loại sớm ở Cincinnati sau đó và trở nên “còi cọc” khi để thua Murray 3 set trắng tại US Open này.

Nhưng ở trận bán kết, Cilic bắt Federer lui về sâu trong những loạt đánh bóng dài, bắt tàu tốc hành Thụy Sĩ đứng nhìn quá nhiều cú winner đi vào góc rộng. Federer không có giải pháp nào chống đỡ, thua sau 1 giờ 45 phút, một trong những trận thua chóng vánh nhất của anh ở một giải Grand Slam.

Là ai thì tự tay vợt 26 tuổi Cilic quyết định. Nhưng trước hết, hãy chúc mừng chiến tích tạm gọi là xảy ra một lần trong đời (once in a lifetime) của anh.

Tổng hợp | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục