Châu Âu gọi, chúng ta lắc đầu?!

13:40 Thứ năm 28/08/2014

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng bất ngờ tiết lộ thông tin có một CLB lớn ở châu Âu muốn mua 2 cầu thủ của ĐT U.19 Hoàng Anh Gia Lai, nhưng ông bầu Đoàn Nguyên Đức không đồng ý. Cái tuyên bố khiến cho cả làng bóng lẫn làng báo xôn xao.

Tuyên bố của ông Dũng diễn ra vào thời điểm U.19 Việt Nam vừa thất trận ở chung kết giải U.22 Đông Nam Á trước U.19 Myanmar và đang có rất nhiều người phải "nhận thức lại" về một đội bóng, một thế hệ từng được tin tưởng sẽ trở thành bá chủ của làng cầu khu vực. Tuy nhiên ông Dũng lại không nói rõ "CLB lớn châu Âu" cụ thể là CLB nào, và "2 cầu thủ U.19" cụ thể là ai. Thật tiếc là chúng tôi đã cố liên lạc với ông Dũng để hỏi cho ra nhẽ vấn đề này nhưng đều không nhận được dù chỉ một tín hiệu trả lời tích cực.

Cần phải nhắc lại rằng, từ bảy năm trước, khi phá đi cả một khu rừng cao su để bắt tay với Arsenal xây dựng một học viện bóng đá hiện đại ở Pleiku, ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã thổ lộ ý tưởng sẽ có một ngày "bán" các sản phẩm của học viện ra nước ngoài. Cách đây ít lâu thì ĐT U.19 Việt Nam với nòng cốt là "người của học viện" và một "ông thầy học viện" cũng sang châu Âu du đấu, và đã có trận mở đầu tạo dấu ấn với chiến thắng trước chính Arsenal "mẹ". Nhưng sau đó, khi các đội trẻ ngoài Arsenal chơi bóng "thật" hơn và "nhiệt" hơn thì chúng ta lập tức thể hiện sự thua kém, thua từ thể hình thể lực đến tư duy tổ chức một trận đấu bóng hiện đại.

Có thật cầu thủ U.19 Việt Nam (trái) được một CLB lớn châu Âu để ý? Ảnh: H.M.

Đã có rất nhiều người đặt ra câu hỏi: Nếu không có những cái thua như vậy thì điều gì sẽ xảy ra? Khi ấy một viễn cảnh có thể hình dung được là sẽ có những cầu thủ đầu tiên của học viện được "thử nghề" ở môi trường châu Âu, và ý định ngày nào của bầu Đức sẽ thành sự thực.

Ai cũng hiểu là chỉ cần 1 cầu thủ của Học viện HAGL JMG được một CLB châu Âu chính thức ký hợp đồng thôi (chỉ cần vậy thôi, chứ chưa cần nói tới khả năng thích ứng và thể hiện ở môi trường châu Âu) thì danh tiếng của Học viện HAGL JMG nói riêng và danh tiếng của bóng đá Việt Nam nói chung cũng đã rất bay bổng rồi.

Lật ngược dòng lịch sử, ai cũng biết là thời bóng đá bao cấp ngày xưa, từng có CLB ở Indonesia ngỏ lời mời danh thủ Hồng Sơn qua thi đấu - mời một cách thật sự, và mời vì trình độ chuyên môn chứ không phải vì những ý đồ làm ăn, quảng cáo, nhưng do có quá nhiều rào cản, trong đó rào cản chính là Hồng Sơn ngày ấy thuộc biên chế của lực lượng vũ trang mà phi vụ bất thành. Tính từ đó đến nay, vẫn chưa có một cầu thủ Việt Nam nào được "xuất khẩu" một cách thực sự (trường hợp Huỳnh Đức sang đá giải nhà nghề Trung Quốc hay Công Vinh sang đá giải nhà nghề Bồ Đào Nha, Nhật Bản chủ yếu mang tính thương mại, hoặc dựa trên quan hệ cá nhân).

Thế nên chỉ một cầu thủ U.19 được một CLB châu Âu để mắt và tính đến chuyện ký hợp đồng thôi hẳn BĐVN đã tạo nên một cột mốc lịch sử mới trong quá trình phát triển của mình. Hà cớ gì cái cơ hội ngàn năm có một ấy lại bị một người nổi tiếng là tham vọng và đã đổ không biết bao nhiêu tiền bạc cho tham vọng như bầu Đức... thẳng tay từ chối?

Thôi thì hãy cứ hy vọng là ông Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam đã nói thật, rằng chuyện một CLB lớn ở châu Âu để mắt đến cầu thủ ta là có thật, và rằng chuyện bầu Đức lắc đầu từ chối cũng là sự thật. Cái thật mà với nó chúng ta có quyền hãnh diện với bạn bè trong khu vực Đông Nam Á: Đấy nhé, châu Âu mời hẳn hoi mà chúng tôi lắc đầu, chứ không phải chúng tôi "không có cửa" xuất khẩu cầu thủ như các anh lầm tưởng.

Vâng, châu Âu gọi, nhưng chúng tôi lắc đầu đấy nhé!
Diệp Xưa | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục