Câu chuyện bóng đá: Mario Balotelli - Đằng sau “Why Always Me?”

10:47 Thứ ba 05/02/2013

Mario Balotelli đã khiến mọi người phải chú ý với màn ra mắc rực rỡ trong màu áo AC Milan, nhưng phía sau "bad boy" của nước Ý là cả một câu chuyện dài về tuổi thơ, về những khó khăn mà anh gặp phải, về gia đình đã nhận nuôi và gắn bó với anh từ khi anh lên hai tuổi.

Mario Balotelli được sinh ra ở vùng ngoại ô Palermo, vốn là con của hai người nhập cư gốc Ghana, Thomas và Rose Barwuah. Từ khi mới sinh ra, Mario đã mắc những chứng bệnh tiêu hóa hiểm nghèo, khiến cậu phải phẫu thuật không ít lần. Tới năm hai tuổi, nguồn kinh tế của gia đình không còn đủ để chạy chữa thuốc thang cho Mario bé nhỏ, cha mẹ họ buộc phải tìm người nuôi dưỡng cậu bé thay họ.

Cặp vợ chồng nhận nuôi cậu bé, những người mà sau này được cậu coi như bố mẹ ruột, là ông Franco Balotelli, một nhân viên giám sát những kho hàng ở vùng Brescia đã về hưu, và bà Sylvia, từng có thời gian làm y tá trong các bệnh viện. Gia đình không hề giàu có chút nào, nhưng khi nghe tin về một cậu bé da màu mới hai tuổi rưỡi nhưng đã phải trải qua nhiều ca phẫu thuật nghiêm trọng, hai ông bà đã ngay lập tức hủy kỳ nghỉ đông của gia đình để hoàn tất thủ tục đưa Mario về chung sống. Tuy vậy, luật pháp Italy yêu cầu họ phải “gia hạn” thời gian nuôi dưỡng cậu bé từng hai năm một cho tới khi đủ 18 tuổi, khiến cho cả hai không hài lòng bởi họ muốn cho Mario một thứ gì đó bền vững, lâu dài.

Balotelli khi còn nhỏ (bên phải)

Ký ức đầu tiên của cậu bé Mario Balotelli về ngôi nhà mới là những buổi chiều chạy dọc các hành lang, thỉnh thoảng làm đổ vỡ đồ đạc trong nhà, và chính việc cha mẹ ruột của cậu không quan tâm đến cậu đã phần nào làm nên tính cách của Balotelli khi trưởng thành. “Nó luôn muốn người khác chú ý đến mình,” Cristina, chị nuôi của Balotelli nhớ lại, “Có những lúc khi tôi đứng sấy tóc trong nhà tắm, nó xuất hiện ở cửa, tắt đèn đi rồi cười phá lên, chạy thật nhanh ra phía cửa chính.” Những hành động tưởng chừng như kỳ quặc của Mario trong và ngoài sân cỏ phần nào bắt nguồn từ những điều như vậy.

Mối quan hệ giữa Balotelli và mẹ nuôi ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Bà Sylvia từng vượt qua bão tuyết, bắt máy bay tới xem anh ghi hat-trick vào lưới Aston Villa ngày 28/12/2010, và cũng ở bên anh sau chiến thắng lẫy lừng trong màu áo ĐTQG ở Euro 2012. “Một thời gian rất dài, nó không ngủ nổi nếu không có mẹ nằm bên cạnh nắm tay nó. Nó ghét cô đơn. Hình như bây giờ nó vẫn vậy,” Cristina nói.

Sự nghiêm khắc của mẹ phần nào đã dạy cho Balotelli biết thế nào là kỷ luật. Balotelli kể lại rằng một hôm bà Sylvia cấm cậu chơi bóng cùng đội trẻ bởi cậu hành xử quá lỗ mãng. Nhưng cậu trốn ra khỏi nhà và đi bộ tới sân tập, cách nhà gần 5 cây số. Khi đến nơi, HLV thông báo rằng mẹ cậu đã báo cho họ, yêu cầu cậu phải về nhà ngay lập tức.

Khác với bà Sylvia, ông Franco luôn nuông chiều cậu con nuôi bé nhỏ của mình. Ông thường đưa cậu đi chơi bóng, tập karate, judo hoặc tập thể hình. Ông cũng là người dành những buổi chiều nhàn rỗi của một viên chức về hưu để đưa con tới công viên và nhìn cậu chơi bóng với bạn bè. Nếu không phải cậu quá ham mê bóng đá, có thể ông đã hướng cậu vào nghiệp võ, trở thành một võ sĩ karate. Hai người anh nuôi, lớn tuổi hơn Mario khá nhiều, cũng luôn theo sát và ủng hộ em trai kể từ khi cậu bắt đầu sự nghiệp tại Brescia năm 11 tuổi.


Dù gia đình luôn yêu thương và ủng hộ Balotelli, cậu gặp phải một vấn đề khác trong cuộc sống ở Italy. “Khi còn nhỏ, tôi cũng như tất cả mọi cậu trai khác thôi. Tôi muốn mọi người chú ý đến mình, nhất là các bạn nữ. Nhưng chẳng hiểu sao mọi người cứ làm như thể tôi vô hình vậy. Tôi không đẹp trai, đúng, nhưng tôi không biết vì sao mọi người cứ bỏ qua tôi. Tôi hỏi bạn, cậu ấy trả lời rằng ở đây người ta không thích người da đen.”

Những chuyện không hay như vậy vẫn xảy ra với Balotelli cho tới khi cậu trưởng thành và chơi bóng cho Inter Milan, Manchester City hay ở Euro 2012. Trong các trận derby d’Italia với Juventus, Balotelli trở thành mục tiêu cho những câu hát khiếm nhã mang tính chất phân biệt chủng tộc của CĐV Juve. Ở Anh, nơi anh đã tưởng mình sẽ thoát được khỏi sự kỳ thị khủng khiếp này, một fan của Stoke City vẫn gọi anh là “đồ con khỉ.” Và cả những chuyện không ai muốn nhắc tới ở Ba Lan mùa hè năm ngoái. Anh vẫn cố vượt qua tất cả để sống cùng niềm hạnh phúc mỗi khi được chơi bóng.

“Nhiều lúc người ta nói rằng những gì Mario làm thật đối lập nhau. Đúng là như vậy, nhưng cũng như những đứa trẻ hay bắt nạt bạn bè là những đứa cảm thấy yếu đuối nhất, nó chỉ muốn người ta quan tâm tới nó mà thôi,” Cristina kết luận. “Dù sao đi nữa, nó cũng đã trở lại Italy. Một khi đã ổn định cuộc sống, nó sẽ cố gắng hết sức để khẳng định mình trên sân cỏ. Tôi tin như vậy.” Chị với tay lấy tờ báo đặt trên bàn, nhìn vào bức ảnh Balotelli ôm chặt bà Sylvia sau trận bán kết Euro 2012 và mỉm cười.
Quốc Thắng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục