Cảm ơn ông: Toshiya Miura

15:54 Thứ ba 16/06/2015

(TinTheThao.com.vn) – Bóng đá nam SEA Games 28 khép lại với tấm HCV dành cho đội tuyển U23 Thái Lan. Đó là kết quả xứng đáng với những gì họ đã thể hiện. U23 Việt Nam một lần nữa lại lỗi hẹn với giấc mơ vàng tồn tại suốt 24 năm qua. Dù kết quả không như mong đợi nhưng người hâm mộ vẫn luôn đồng hành cùng đội tuyển, vẫn ủng hộ và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến một người đã gắn bó với bóng đá Việt Nam trong hơn 1 năm qua. Ông là Toshiya Miura.

Ngày 8/5/2014, Toshiya Miura chính thức trở thành HLV trưởng đội tuyển Việt Nam và đội Olympic Quốc gia. Trong trận đấu ra mắt gặp Myanmar trên sân Bình Dương vào ngày 02/07/2014, đội tuyển Việt Nam đã giành chiến thắng với tỷ số 6-0. Những bước đi đầu tiên thuận lợi khiến người hâm mộ nước nhà đặt rất nhiều kỳ vọng vào một chu kỳ thành công mới mà HLV người Nhật này sẽ thực hiện với bóng đá Việt Nam.

Dù không giúp U23 Việt Nam giành HCV nhưng người hâm mộ vẫn gửi lời cảm ơn đến ông Toshiya Miura.

Thực tế, hơn một năm qua, những gì mà HLV Miura làm đều có những chuyển biến tích cực. Công bằng mà nói, Miura là người có tầm nhìn, có định hướng cụ thể và cách làm việc khôn ngoan. Phong cách Nhật, tinh thần của người Nhật được cả thế giới phải nể phục. HLV Miura phần nào đã đem những triết lý của mình áp dụng khéo léo vào cách huấn luyện. Mặc dù thành tích huấn luyện của Miura tại Nhật chưa có nhiều đáng kể nhưng đến thời điểm hiện tại, ông được xem là HLV có chuyên môn thuộc dạng tốt nhất trong lịch sử thuê HLV ngoại của bóng đá Việt Nam.

Dưới thời Miura, Việt Nam thay đổi rất nhiều qua từng giải đấu. Tại SEA Games 28 lần này cũng vậy! Tuy nhiên, thay đổi ở đây chưa thể xem là tiến bộ. Ở Đông Nam Á, xét về chuyên môn, Việt Nam chưa đủ mạnh để có thể áp đặt lối chơi lên mọi đối thủ như Thái Lan. Gặp từng đối thủ, chúng ta đều có cách tiếp cận trận đấu khác nhau. Đó là cái hay mà Miura đã làm được. Nhưng về lâu dài, cách làm này của Miura chưa thể xem là thuyết phục. Bởi lẻ, một đội bóng muốn tiến bộ cần phải có định hướng rõ ràng trong lối chơi chứ không thể đá với đội nào thì dùng chiến thuật đó. Cũng chính vì nguyên nhân này mà nhiều người nhận định rằng Miura chưa có triết lý bóng đá rõ ràng với tuyển Việt Nam.

HLV Miura cần một người chia lửa trên băng ghế huấn luyện.

Theo dõi U23 Việt Nam ở SEA Games 28, một điều hiển nhiên mà ai cũng có thể nhận ra. Đó chính là sự linh hoạt trong một trận đấu của Miura dường như là không có. Nghĩa là, nếu mọi thứ trên sân diễn ra theo đúng ý đồ đã định trước thì Việt Nam chơi rất hay và rất thăng hoa. Bằng chứng là chúng ta đã thắng đậm và ghi rất nhiều bàn thắng ở vòng bảng. Nhưng khi chiến thuật không đúng với ý đồ ban đầu, khi U23 Việt Nam gặp khó, cần một cú hích từ ban ghế huấn luyện, cần một sự thay đổi “nóng” trên sân thì Miura vẫn chưa làm được. 

Nhìn U23 Việt Nam bế tắc trước U23 Myanmar và cách Toshiya Miura khá đăm chiêu ngoài đường pich thì ai cũng hiểu được điều đó. U23 Việt Nam không mạnh về bóng dài và bóng bổng. Đó là sự thật không thể thay đổi được. Nhưng trong trận bán kết, chúng ta dường như chỉ sử dụng hai cách đá đó để tiếp cận khung thành Myanmar. Và việc gặp bế tắc là điều không khó lý giải. Người Nhật thường rất khôn ngoan, nhưng người Nhật cũng rất chậm thay đổi. Cả thế giới đã công nhận điều đó. 

Ông Miura đến Việt Nam chưa lâu, có thể những bất đồng về ngôn ngữ hoặc do tính cách đặc trưng của người Nhật mà ông vẫn chưa thể trong một thời gian ngắn thích nghi được. Một người HLV giỏi cần phải đem triết lý của mình áp đặt lên đội bóng và đưa đội bóng đá đi lên chứ không thể đồng hóa đội bóng theo tính cách của mình. Thất bại là thất bại. Muốn phát triển và đưa bóng đá nước nhà đi lên, chúng ta cần nhìn nhận thẳng vào sự thật chứ đừng nên đùn đẩy trách nhiệm cho một ai. Bản thân Miura không thể nói là không có lỗi nhưng với những gì ông đã làm thì ông vẫn xứng đáng được tôn trọng.
Nhìn về những đời HLV ngoại khác để thấy rằng: ở mỗi người, chúng ta đều mang mỗi phong cách chơi khác nhau. Dưới thời Weigang đá kiểu Đức, thời Murphy phất bóng dài kiểu Anh, thời Tavares đá kiểu Brazil, thời Riedl khá trung tính, thời Calisto đá kỹ thuật kiểu Bồ. Giờ đến một HLV người Nhật, chúng ta vẫn tiếp tục thử nghiệm và liên tục thay đổi lối chơi. Thay đổi để thích nghi với thời thế là điều tốt, nhưng thay đổi chóng vánh trong một thời gian ngắn thì khó thành công được.

Tương lai bóng đá Việt Nam vẫn trông chờ vào những cầu thủ như Công Phượng.

Hơn 20 năm qua, chúng ta vẫn trong cái vòng lẫn quẫn của khu vực. Giờ với Miura, chúng ta cần phải có định hướng rõ ràng, có một chiến lược dài hơi. Và điều quan trọng là cần phải tìm ra một người để chia lửa, để hỗ trợ cùng Miura trên băng ghế huấn luyện. Việt Nam đang có trong tay một lứa cầu thủ tốt, tốt về tài năng lẫn văn hóa. Đó là điều đáng mừng nếu nhìn về những vết nhơ trong quá khứ. Công Phượng, Huy Toàn, Minh Long, Tuấn Tài, Hồng Quân… trong tương lai có thể là trụ cột của đội tuyển. Thất bại ở SEA Games hay AFF Cup là nỗi buồn không phải của riêng ai. Thiết nghĩ, để phát triển dài hơi cả một nền bóng đá, chúng ta nên loại bỏ đi những vươn vấn thất bại đó và hướng đến một điều lớn lao và dài hạng hơn thì khi đó bóng đá Việt Nam mới tìm thấy được sự tiến bộ.

Với tấm HCĐ SEA Games vừa qua, người hâm mộ Việt Nam cũng không phải quá thất vọng nhiều. Các cầu thủ đã chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của dân tộc. Những nỗi buồn, những giọt nước mắt, những lời xin lỗi đã nói lên tất cả. Cuối cùng, chúng ta cũng nên cảm ơn ông, một HLV người Nhật có tâm huyết với bóng đá Việt Nam: Toshiya Miura.

 (Bạn đọc: Võ Đạt)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

 
00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục