Các liên đoàn thể thao ở Việt Nam: Mời “mỏi miệng” không ai muốn làm

08:07 Thứ sáu 31/07/2015

Điều tưởng vô lý nhưng lại là sự thật diễn ra nhiều năm nay ở các liên đoàn thể thao quốc gia như bóng chuyền, điền kinh hay bóng bàn… khi đến thời điểm tổ chức đại hội, nhiều liên đoàn phải lùi thời điểm tổ chức vì không mời được ai làm lãnh đạo.

Các nữ tuyển thủ bóng chuyền VN tại Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV 2015 đang diễn ra ở Bạc Liêu. Dù bóng chuyền là môn hấp dẫn nhưng lại không ai chịu làm lãnh đạo Liên đoàn Bóng chuyền VN. Ảnh: T.P.

Điều tưởng vô lý nhưng lại là sự thật diễn ra nhiều năm nay ở các liên đoàn thể thao quốc gia như bóng chuyền, điền kinh hay bóng bàn… khi đến thời điểm tổ chức đại hội, nhiều liên đoàn phải lùi thời điểm tổ chức vì không mời được ai làm lãnh đạo.

Trả lời chúng tôi tại cuộc họp báo của Liên đoàn Bóng chuyền VN (VFV) diễn ra hôm 30-7, ông Trần Đức Phấn - tổng thư ký VFV, phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - thừa nhận không tìm được ứng viên vị trí chủ tịch, tổng thư ký để tổ chức đại hội VFV. Tuy nhiên, do đã bị chậm hai năm so với kế hoạch nên lần này ông Phấn khẳng định dù không tìm được chủ tịch thì cuối tháng 8 vẫn sẽ phải tổ chức đại hội.

Chủ tịch và tổng thư ký xin rút

Đó là câu chuyện diễn ra ở VFV trong nhiệm kỳ V từ năm 2008 đến nay. Ở đại hội liên đoàn được tổ chức ngày 12-12-2008 tại Hà Nội, ông Lê Minh Hồng - phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN - đã được bầu làm chủ tịch, tổng thư ký là ông Trần Đức Phấn. Tuy nhiên khi nhiệm kỳ V chưa kết thúc (thời gian nhiệm kỳ V là từ 2008 - 2013), ông Lê Minh Hồng đã xin rút vì quá bận công việc chuyên môn tại Tập đoàn Dầu khí nên không có thời gian cho bóng chuyền.

Sau khi ông Hồng xin rút lui, ông Trần Đức Phấn cũng gửi đơn đến thường vụ và ban chấp hành VFV xin thôi vị trí tổng thư ký VFV vào năm 2012. Lý do của ông Phấn cũng giống ông Hồng: do quá bận công việc quản lý ở Tổng cục TDTT nên không còn thời gian dành cho VFV. Dù hai vị trí chủ chốt xin rút lui nhưng vì VFV không thể tìm được người thay thế nên suốt từ năm 2012 đến nay, hai vị này vẫn cứ phải đảm đương chức vụ tại VFV dù họ không mong muốn.

Trong nhiệm kỳ V của VFV còn có một phó chủ tịch rơi vào vòng lao lý là ông Nguyễn Hoàng Long. Ông Long là một trong năm phó chủ tịch nhiệm kỳ V, khi được bầu làm phó chủ tịch ông đang là chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vina Megastar. Tuy nhiên ngày 17-5-2014 ông Long bị bắt do hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản Ngân hàng SEABank để kinh doanh bất động sản.

Được mời làm chủ tịch, doanh nhân “bỏ chạy”

Nhiệm kỳ V của VFV đã kéo dài bảy năm và lẽ ra đại hội phải được tiến hành từ năm 2013, thế nhưng Tổng cục TDTT, VFV không thể tổ chức được vì không có ai chịu làm chủ tịch. Mới đây Bộ Nội vụ đã có ý kiến nhắc nhở VFV phải sớm tổ chức đại hội vì đã quá thời hạn đến hai năm. Vì thế trong cuộc họp ngày 3-7 tại Bộ VH-TT&DL, ông Vương Bích Thắng - tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - báo cáo bộ trưởng: lần này VFV và Tổng cục TDTT quyết tâm phải tổ chức đại hội chứ không thể trì hoãn nữa. Dự kiến đại hội VFV sẽ được tổ chức vào cuối tháng 8, chậm nhất là đầu tháng 9.

Suốt ba năm qua, Tổng cục TDTT, VFV đã gửi lời mời đến rất nhiều doanh nhân có uy tín, có vị thế trong xã hội để ra ứng cử chức danh chủ tịch VFV nhưng cuối cùng tất cả đều “bỏ chạy”. Trong số rất nhiều doanh nhân được mời làm chủ tịch VFV có ba người: ông Nguyễn Đức Hưởng - phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng Liên Việt, ông Lê Quốc Phong - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền (đơn vị sở hữu CLB bóng chuyền VTV Bình Điền Long An) và một vị khác đến từ Ngân hàng Nhà nước VN.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo của VFV cho biết ban đầu một số người được mời ra ứng cử cũng nhận lời, nhưng sau đó họ đều xin rút vì sợ nếu nhận lời mà không làm được thì mang tiếng. Bản thân những người được mời đều là các doanh nhân có tiếng, họ không muốn bị ảnh hưởng vì những chuyện liên quan đến lĩnh vực mà họ kiêm nhiệm chỉ vì lòng đam mê. Có người thậm chí đã làm xong hết thủ tục hồ sơ, chuẩn bị gửi sang Bộ Nội vụ nhưng đến phút cuối lại không đồng ý.

Đến thời điểm này, ông Trần Đức Phấn là cái tên duy nhất được giới thiệu cho chức danh chủ tịch VFV nhiệm kỳ VI. Tuy nhiên ông Phấn cho biết trong cuộc họp thường vụ diễn ra ngày 28-7 ông đã xin rút lui vì quá bận.

Ông Phấn chia sẻ: “Tôi xin không ứng cử chủ tịch dù được giới thiệu, nhưng khổ nỗi nếu tôi thôi thì không có ai làm hết. Đại hội đã chậm hai năm và không có cách nào khác là phải tổ chức, không thể trì hoãn. Là lãnh đạo Tổng cục TDTT và là đảng viên, khi được phân công và giao trách nhiệm thì tôi phải thực hiện. Thế nhưng tôi cũng đã trao đổi với thường trực chỉ đồng ý làm chủ tịch tạm thời 1- 2 năm đầu, sau đó khi giới thiệu được người thay tôi sẽ rút lui.”

Đúng là thật oái oăm cho bóng chuyền VN, bởi không ai nghĩ môn thể thao hấp dẫn như bóng chuyền lại không thể tìm người làm chủ tịch. Thế nhưng đây không phải là chuyện mới bởi ngoài bóng đá thì hầu hết liên đoàn thể thao ở VN hiện nay đều rơi vào hoàn cảnh như bóng chuyền. Các doanh nhân không muốn tham gia các tổ chức xã hội của thể thao vì lo không biết có làm được gì không, lại sợ ảnh hưởng. Còn các cán bộ của ngành thể thao khó có khả năng nắm giữ vị trí này vì không đủ năng lực. Hoạt động èo uột, không hiệu quả, nhiều liên đoàn có cũng như không khiến việc thu hút những người có uy tín xã hội tham gia các liên đoàn rất khó khăn.

Khương Xuân | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục