Bóng đá Việt Nam cần "cầu thủ nhập tịch"?

08:27 Chủ nhật 02/08/2015

Đội tuyển Việt Nam thất bại trước Man City là một kết quả không mấy bất ngờ. Nhưng tỉ số 1-8 lại khiến không ít người hâm mộ chúng ta chạnh lòng. Cách đây 2 năm, chúng ta cũng để thua Arsenal với tỉ số cùng thế trận gần như tương tự. Câu chuyện ấy nói lên điều gì ? Rằng sau 2 năm đội tuyển chúng ta vẫn đang giậm chân tại chỗ sao?

Việt Nam mới thuê HLV nước ngoài chứ chưa dùng cầu thủ gốc nước ngoài.

Đội tuyển các ngôi sao Malaysia vừa qua đã có trận hòa 1-1 trước Liverpool. Trước đó, vào tháng 5, các ngôi sao Thái Lan cũng chỉ để thua nhà đương kim vô địch nước Anh Chelsea với tỉ số tối thiểu.

Và xa hơn nữa, cũng đội bóng ấy đã từng đánh bại MU của David Moyse vào khoảng thời gian này của hai năm trước.

Cũng cùng trong khu vực Đông Nam Á, nhưng sao những Thái Lan, Malaysia làm được như vậy, còn Việt Nam không làm được.

Đó là vì trong thành phần của các đội bóng ấy có cả những cầu thủ nước ngoài, họ được tập hợp dưới một tập thể mang tên Malaysia XI, Thái Lan XI (tức là đội tuyển các ngôi sao của Malaysia, Thái Lan) chứ không phải đội tuyển quốc gia.

Ở Việt Nam, VFF không muốn điều đó. Họ có lý của họ. Cho đội tuyển quốc gia thi đấu sẽ giúp các cầu thủ có cơ hội quý giá cọ xát chuẩn bị cho vòng loại World Cup.

Đó là lí lẽ chúng ta không thể chối cãi. Nhưng cũng với đội tuyển quốc gia đó, VFF hoàn toàn có thể tập hợp những nhân tố không kém gì các cầu thủ ngoại của đội tuyển các ngôi sao Malaysia hay Thái Lan.

Những cầu thủ ấy hoàn toàn có đầy đủ cơ sở pháp lí để khoác áo đội tuyển mà ngay cả những người đứng đầu nền bóng đá nước nhà cũng không thể bác bỏ. Đó chính là các cầu thủ nhập tịch.

"Bản xứ cần nhập tịch"

Cầu thủ nhập tịch – một câu chuyện cũ mà vẫn chưa bao giờ cũ. Đó là những cầu thủ người ngoài có nhiều năm cống hiến cho bóng đá Việt Nam và được cấp quốc tịch Việt Nam. Cầu thủ nhập tịch có nên được khoác áo đội tuyển hay không?

Đó là một đã từng gây ra nhiều tranh cãi. Nhưng VFF – cơ quan có toàn quyền quyết định vấn đề đó thì câu trả lời của họ dứt khoát là không.

Phan Văn Santos, Huỳnh Kesley Alves là những cầu thủ nhập tich hiếm hoi từng có cơ hội khoác áo đội tuyển.

Nếu Phan Văn Santos có được cơ hội ấy phần lớn nhờ vào cái uy của Henrique Calisto thì Huỳnh Kesley Alves lại quá xuất sắc vào thời điểm anh được gọi lên tuyển.

Nhưng dù cho họ có lên tuyển theo những cách khác nhau như vậy nhưng đến cuối cùng tất cả đều lặng lẽ rời đi trong im lặng.

Huỳnh Kesley Alves – người từng giành Quả bóng đồng Việt Nam 2011 từng chua xót tâm sự với báo chí rằng anh cảm thấy thật bất công khi không được triệu tập vào đội tuyển Việt Nam.

“Đấy là điều bất công cho tôi. Anh hãy hình dung, một người Việt Nam có quốc tịch Brazil hay quốc tịch nước nào đó nhưng bị phân biệt khác với người bản xứ thì anh cảm thấy thất vọng và chán chường thế nào? Tôi cũng thế!”

Huỳnh Kesley đã trả lời một tờ báo của Việt Nam như vậy vào tháng 5/2012 ngay trước một đợt tập trung của đội tuyển quốc gia.

“Tôi luôn khao khát cống hiến cho đội tuyển quốc gia” – một câu trả lời khác của Huỳnh Kesley. Đó như một lời khẳng định, không chỉ của cầu thủ này mà còn là của những Hoàng Vũ Samson, Nguyễn Rogerio, Lê Văn Tân và nhiều cầu thủ khác.

Hãy nhìn sang các nền bóng đá khác. Từ những nền bóng đá cùng trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Philippines,… cho đến các nền bóng đá phát triển như Mỹ, Pháp v.v…

Chúng ta có thể thấy ở các quốc gia ấy không có một sự phân biệt nào giữa cầu thủ nhập tịch và cầu thủ bản xứ. Họ đều có cơ hội lên tuyển và cống hiến như nhau.

Đó không những là một sự nhìn nhận công bằng trên sân cỏ mà còn cả trong cuộc sống, trong tư cách công dân của một quốc gia.

VFF cho các câu lạc bộ nhập tịch cầu thủ làm gì để khi họ đã trở thành một người Việt Nam thực sự, có chuyên môn tốt nhưng lại không mảy may có cơ hội khoác áo đội tuyển.

Điều đó không chỉ thiệt cho chính các cầu thủ mà còn thiệt cho cả đội tuyển quốc gia trong bối cảnh chúng ta đang cần lắm những làn gió mới.

Bản thân các cầu thủ “bản xứ” cùng cần những cầu thủ “nhập tịch” – những đối thủ cạnh tranh chất lượng để họ có thể phấn đấu vươn lên những tầm cao hơn nữa!

Xem ra một lần nữa VFF cần phải xem lại tư duy làm bóng đá quá bảo thủ của mình!

Phan Ngọc | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục