Bóng đá nữ Việt Nam: Tìm lại “mạch vàng” trong lầm lụi

09:59 Thứ bảy 22/09/2012

18 giờ 30 ngày 22.9, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam sẽ tái ngộ Myanmar trong trận chung kết Giải vô địch Đông Nam Á trên SVĐ Thống Nhất (TP.HCM). Và có lẽ một lần nữa, những cô gái Việt Nam sẽ nâng cao Cúp vô địch trong nỗi buồn...

Khẳng định ngôi vị số 1

Đã nói quá nhiều về những khó khăn, thiếu thốn của bóng đá nữ Việt Nam. Không tiền, không đầu tư, không được quan tâm, không được cọ xát… là trạng từ mặc định khi nói về các cô gái theo nghiệp quần đùi áo số. Nhưng vì thế, chúng ta càng tự hào hơn về thành tích của những cô gái Việt: 4 lần lọt vào vòng chung kết bóng đá nữ châu Á, 4 danh hiệu vô địch SEA Games, 1 Cúp vô địch Đông Nam Á.

Tuyển nữ Việt Nam nhiều cơ hội vượt qua Myanmar để đoạt Cúp vô địch.

Mới năm ngoái thôi, thầy trò HLV Trần Vân Phát trong quá trình “thay máu” lực lượng đã phải gạt sang bên cảm giác buồn, thất vọng, hụt hẫng vì không được dự SEA Games 2011 (nước chủ nhà Indonesia không tổ chức môn bóng đá nữ), để thi đấu kiên cường, giành HCĐ Giải Vô địch Đông Nam Á 2011 ở Lào.

Một năm sau, những Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Muôn, Minh Nguyệt… đã trưởng thành hơn và chứng minh được mình như những sự thay thế hoàn hảo cho lớp “đàn chị”: Nguyễn Thị Nga, Đào Thị Miện, Ngọc Châm… Tuyển nữ Việt Nam đã thắng như chẻ tre, ghi được 23 bàn thắng, chỉ để lọt lưới 3 bàn sau 4 trận đã qua tại Giải Vô địch Đông Nam Á 2012. Ở vòng bảng, Việt Nam cũng đã vượt qua Myanmar với tỷ số 2-1.

Và sẽ không mấy ai bất ngờ nếu tối nay, một lần nữa Việt Nam vượt qua Myanmar để khẳng định vị trí số 1 bóng đá nữ Đông Nam Á. Vấn đề là sau đó, các cô gái sẽ được đầu tư ra sao để mơ về những giấc mơ châu lục, hay vẫn phải chấp nhận cảnh “nhất bên trọng, nhất bên khinh” của bóng đá Việt Nam (?!).

Lời người trong cuộc

Thực tế, sau hơn chục năm qua, bóng đá nữ vẫn chưa thể “đổi đời”. Cam chịu, nhẫn nhịn là những điều kiện tiên quyết khi theo nghiệp cầu thủ nữ tại Việt Nam. Trước trận chung kết, phóng viên NTNN đã ghi nhận tâm sự buồn của những nữ cầu thủ đã bỏ cả tuổi xuân của mình vì niềm tự hào “Bóng đá nữ Việt Nam - Ngôi vị số 1 Đông Nam Á”.

Cựu trung vệ đội tuyển nữ Việt Nam Nguyễn Thị Nga vừa sinh con được 9 tháng đã phải lao vào phụ việc đồng áng cùng gia đình, dạy lớp năng khiếu bóng đá nữ huyện Thường Tín (Hà Nội) với mức lương 1 triệu đồng/tháng cho biết: “Đã theo nghiệp bóng đá nữ là phải chấp nhận thiệt thòi, không thể “mơ” như bóng đá nam được.

Cựu tuyển thủ Ngọc Châm nhận định: “Đội nữ Việt Nam hiện nay có nhiều nhân tố khá xuất sắc nhưng lối chơi đôi khi lại thiếu nét do không có một nhạc trưởng đích thực. Đó là lý do mà tôi cũng cảm thấy khá lo cho đội tuyển khi gặp lại Myanmar tối nay. Áp lực thi đấu trên sân nhà cũng khá nặng nề và hy vọng các cựu binh có thể dẫn dắt các “đàn em” vượt qua những thời khắc khó khăn”.

Qua nhiều năm vẫn không có gì thay đổi, nhiều khi cũng buồn lắm nhưng chị em, đồng đội, thế hệ đi trước cũng chỉ biết động viên thế hệ sau thi đấu vì màu cờ sắc áo, chứ cũng “quen” chuyện không nhận được sự quan tâm cần thiết rồi”.

Còn Quả bóng Vàng Việt Nam 2008 Đỗ Thị Ngọc Châm cho biết: "Lâu nay bóng đá nữ gần như không có tài trợ và đều phải “ăn theo” bóng đá nam. Tôi được biết, chế độ của các em ở đội tuyển hiện nay cũng có cải thiện so với thế hệ chúng tôi nhưng không đáng kể. Điều kiện ăn, ở, tập luyện, thi đấu, lãnh đạo cho thế nào thì được đó, “đặt đâu ngồi đấy” thôi, nào dám đòi hỏi gì?"

Trước đây hay bây giờ cũng vậy, bóng đá nữ chỉ được thi đấu giao hữu, cọ sát với đội U13, U15 nam và đội lão tướng, chứ làm gì có giao hữu quốc tế ầm ĩ như đội tuyển nam. “Tôi cảm thấy rất buồn khi một trận đấu chính thức tại Giải Vô địch Đông Nam Á của nữ còn không được quan tâm bằng 1 buổi tập, một trận giao hữu của đội tuyển nam” - Ngọc Châm so sánh.

Bằng ấy lý do cũng đủ cho chúng ta thấy một giấc mơ ngoài cái ao làng Đông Nam Á của bóng đá nữ Việt Nam khó thực hiện đến thế nào?

Tuấn Lệ | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục