Bóng đá Iraq dưới triều đại Uday Hussein: Địa ngục trần gian

15:36 Thứ sáu 28/06/2013

Bóng đá lâu nay vẫn được tất cả thừa nhận là môn thể thao số 1 hành tinh. Sở dĩ túc cầu được xem là môn thể thao vua là bởi nó mang đến sự phấn khích cho cả giới cầu thủ lẫn người xem. Tuy nhiên, xét một cách toàn diện thì bên cạnh những điểm tích cực, trong bóng đá vẫn tồn tại những điểm tối đáng bị lên án. Đó là vấn nạn bạo lực, dàn xếp tỷ số, hay thậm chí là chuyện chính phủ gây áp lực về thành tích lên ĐTQG một cách thô bạo.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi

 

 

Nhà độc tài mù bóng đá

Nói về vấn đề sức ép, có lẽ chẳng có nơi nào cầu thủ phải chịu thiệt thòi như các đồng nghiệp ở Iraq trong những năm 90 của thế kỷ trước. Đó là giai đoạn Iraq còn bị thống trị bởi gia đình nhà độc tài Saddam Hussein. Khi con trai cả của Saddam Hussein là Uday Hussein được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Olympic Iraq, bóng đá ở quốc gia vùng Vịnh này đã trở thành một nghề nguy hiểm chứ không còn là thú vui dành cho những người yêu thích thể thao và muốn kiếm tiền từ trái bóng.

Tất cả bắt nguồn từ chuyện Uday Hussein là người quá hiếu thắng, cho dù thực tế ông không hề đam mê vận động thể chất và còn mù tịt về bóng đá. Trong con mắt của một người độc đoán như Saddam Hussein, ĐT Iraq mỗi khi đọ sức với bất cứ đối thủ nào cũng chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là phải giành được chiến thắng. Nếu không thể hoàn thành mục tiêu trên, các cầu thủ đều biết rằng chắc chắn họ sẽ phải đón nhận những hậu quả hết sức nặng nề.

Những chính sách quá hà khắc của Saddam Hussein khiến nhiều tuyển thủ Iraq không dám thi đấu cho ĐTQG, nhưng rút cục thì chẳng ai có thể từ chối khoác áo “Usood Al-Rafidai”, trừ khi họ trốn được ra nước ngoài. Thời điểm ấy, chỉ có đúng 3 cầu thủ dám đứng ra lãnh trọng trách thực hiện các quả penalty cho ĐTQG, và tiền vệ Abbas Rahim Zair là một trong số đó. Trong một trận đấu giữa Iraq và UAE diễn ra ở Jordan (hai đội hòa 3-3), Abbas Rahim Zair đã đá hỏng một quả penalty và kết quả là anh phải ngồi tù 3 tuần ngay sau khi về nước.

Những biện pháp trừng phạt tàn khốc

Abbas Rahim Zair chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân từng bị Uday Hussein làm tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần. Chế độ của Uday Hussein hà khắc tới mức, chỉ cần bỏ lỡ một buổi tập (với bất kỳ lý do nào, kể cả thăm người ốm hay dự lễ tang) cũng đủ để cầu thủ bị tống vào xà lim. Án phạt trên thực ra cũng chưa có gì ghê gớm so với những gì sắp được kể ra sau đây. Cụ thể, nếu phải nhận thẻ đỏ, người chơi không chỉ bị đuổi khỏi sân mà còn phải chuẩn bị sẵn tinh thần chịu đựng việc phải đuổi muỗi trong nhà lao có diện tích chỉ chừng 2 m vuông.

Đó chính xác là những gì mà cựu đội trưởng Yasser Abdul Latif đã trải qua. Theo lời kể của Yasser Abdul Latif thì anh đã bị cạo hết tóc và lông mày, lột quần áo, và tắm trong bồn chứa chất thải chỉ vì phản ứng thái quá với trọng tài. “Sau 2 tuần bị đày ải ở Radwaniya, cuối cùng thì tôi được trả tự do. Tuy nhiên, hậu quả của quãng thời gian phải “bóc lịch” trong tù khiến tôi không thể nằm thẳng lưng trong vòng 1 tháng”. Yasser Abdul Latif cho biết.

Thực tế, Yasser Abdul Latif vẫn còn may chán so với nhiều đồng nghiệp của anh, những người phải chịu đựng vô số biện pháp trừng phạt còn tàn khốc hơn gấp bội. Có thể bạn không tin, nhưng sự thật là đã có những trường hợp cầu thủ bị đánh đập bằng roi da, dí điện, tạt nước lạnh vào người. Ngoài ra, họ cũng bị sỉ nhục và đe dọa sẽ bị cắt tay chân hay làm mồi cho chó đói nếu phạm phải sai lầm nghiêm trọng.

Đỉnh điểm của sự ngang ngược và vô nhân tính của Uday Hussein là không chỉ một mà có tới 2 lần ông tuyên bố sẽ cho nổ tung chiếc máy bay chở đội đi du đấu nếu Iraq thất bại. Không chỉ hăm dọa giới cầu thủ trong nước bằng những màn tra tấn ghê rợn, Uday Hussein còn khiến những đồng bào chơi bóng ở nước ngoài chẳng được yên thân. Ông bóc lột họ bằng những khoản thuế phi lý, chẳng hạn như việc cựu thủ quân Habib Jaffar phải chia cho Uday Hussein tới hơn 40 % thu nhập của anh, ngay cả khi cầu thủ xuất sắc nhất Gulf Cup 1988 này chủ yếu chơi bóng ở Qatar trong những năm giữa thập niên 90.

Kết cục bi thảm

Mặc dù Uday Hussein hành xử quân phiệt như vậy, các phái đoàn điều tra của FIFA lại không tìm ra bất cứ bằng chứng nào chống lại ông sau nhiều lần thị sát quốc gia Trung Đông có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 2 trên thế giới này. Lý do là bởi Uday Hussein rất biết cách bưng bít và che dấu những việc làm sai trái của mình. Mãi đến khi chế độ Uday Hussein sụp đổ, người ta mới biết vào thời điểm FIFA tới Iraq điều tra, nhiều cầu thủ đã buộc phải che giấu những vết thương mà họ vẫn đang mang trên người do sợ bị trả thù.

Ngày 22/7/2003, quân đội Mỹ đã làm được cái điều mà hầu hết giới cầu thủ Iraq đều mong mỏi, đó là thủ tiêu nhà độc tài mà họ xem như kẻ thù. Cái chết của Uday Hussein ở Mosul được dư luận Iraq và quốc tế đón chào nồng nhiệt. Chẳng ai thương tiếc cho một người mắc bệnh thành tích quá trầm trọng và sẵn sàng mang nỗi đau đến cho người khác như Uday Hussein.

Sau khi Uday Hussein bị tiêu diệt, không ngạc nhiên khi bóng đá Iraq đã có những thay đổi tích cực mà đỉnh cao là chức vô địch châu Á năm 2007. Tuy nhiên, những vết thương mà nhà độc tài này để lại cho nền bóng đá đất nước ông có lẽ còn lâu mới có thể lành. Quân đội mỹ có thể tiêu diệt Uday Hussein, nhưng họ không thể giúp nhiều cầu thủ Iraq quên đi những tháng ngày đen tối mà họ phải trải qua trước đó. Với những cầu thủ như Habib Jaffar (người bước sang tuổi 36 vào thời điểm cách đây 10 năm), cái chết của Uday Hussein thực tế cũng chẳng còn mang nhiều ý nghĩa, bởi khi ấy đã quá muộn để ông có thể tận hưởng cảm giác được chơi bóng đỉnh cao mà không còn phải chịu sức ép quá lớn về thành tích.
 

Tử Phong | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục