Bóng chuyền nữ Việt Nam: 20 năm giậm chân tại chỗ

11:17 Thứ bảy 26/04/2014

Thể thao VN đang đứng ở đâu trong đấu trường châu lục? Tuổi Trẻ đã tìm câu trả lời qua thực tế một số môn thể thao Olympic và có được sự quan tâm của nhiều người như bóng chuyền, điền kinh, bóng bàn... Và đầu tiên là chuyện giậm chân tại chỗ của bóng chuyền nữ - một trong những môn “mũi nhọn” đối với người hâm mộ VN.

Thật vậy, trong lúc nước láng giềng Thái Lan đã bay cao nhờ sự đầu tư bài bản, bóng chuyền VN vẫn giậm chân tại chỗ với miếng đánh tồn tại gần 20 năm qua và không còn phù hợp để vươn xa ở đấu trường quốc tế.

Một thời gian dài bỏ lỏng khâu đào tạo trẻ, nặng thành tích, thiếu những định hướng phát triển phù hợp với thể trạng người VN... khiến bóng chuyền nữ VN (“mũi nhọn” của bóng chuyền VN trên đấu trường quốc tế) đã tụt hậu quá xa so với láng giềng Thái Lan và cũng chẳng dám nghĩ đến chuyện vươn tầm ở đấu trường châu lục.

Ở tuổi 32, Kim Huệ (số 4) vẫn là VĐV quan trọng của Ngân Hàng Công Thương, đội bóng thuộc tốp 3 bóng chuyền VN - Ảnh: T.P.

Khoảng trống phía sau “thế hệ vàng”

Đầu thập niên 1990, bóng chuyền nữ VN đã được xem là một trong những đàn chị của khu vực Đông Nam Á với “thế hệ vàng” gồm nhiều tài năng như: Thu Hương, Thanh Hương, Hà Thu Dậu, Phạm Thị Rệt, Thanh Thúy, Nguyễn Thị Hội, Nguyễn Thị Hoa, Ngô Thị Vàng. Tiếp đó là lứa Diệu Châu, Phạm Thị Kim Huệ, Hà Thị Hoa, Phạm Thị Yến rồi Nguyễn Thị Ngọc Hoa hiện vẫn còn thi đấu nhưng đã bị Thái Lan qua mặt rất xa.

VN là quốc gia có số CLB ở giải vô địch quốc gia cao bậc nhất châu lục (tổng cộng 24 đội nam, nữ trước khi Vietsovpetro và Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương bị giải thể) nhưng chất lượng giải chỉ ở mức trung bình vì hơn 10 năm qua, trình độ VĐV VN không có sự tiến bộ.

Giật mình sau một thời gian dài bỏ lỏng khâu đào tạo trẻ, Liên đoàn Bóng chuyền VN (VFV) yêu cầu từ năm 2013, các đội phải có tuyến trẻ tham dự các giải trẻ toàn quốc, nếu không sẽ bị trừ điểm hoặc đánh rớt hạng. Tuy nhiên, nhiều nơi chỉ đào tạo mang tính hình thức và không ít đội đối phó với VFV bằng cách mượn quân nơi khác thi đấu để báo cáo. Hiện VN chỉ có hai CLB đào tạo lực lượng trẻ khá tốt là Thông Tin Liên Việt PostBank và VTV - Bình Điền Long An.

Mặt khác, áp lực thành tích khiến nhiều đội rải tiền tìm ngoại binh (những mùa trước) khiến VĐV trẻ càng ít cơ hội ra sân. Do đó, dù lượng VĐV trẻ VN đang ngày một tăng lên khá nhiều nhưng trình độ của họ không đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, khi VFV “cấm cửa” ngoại binh, một loạt đội bóng lao đao vì khủng hoảng lực lượng.

Điểm qua làng bóng chuyền VN vẫn thấy thấp thoáng vài nhân tố có thể kỳ vọng như Lê Thanh Thúy, Đinh Thị Trà Giang, Bùi Thị Ngà... nhưng vẫn còn lâu họ mới bắt kịp đàn chị. Nhìn các “lão tướng” vẫn phải gồng mình chiến đấu ở mọi đấu trường chờ đợi lớp đàn em tuổi ngày càng tăng nhưng không thấy “trưởng thành” mới thật sự cám cảnh.

Nhìn người Thái mà buồn

Sẽ rất khập khiễng nếu so sánh bóng chuyền VN với Thái Lan (đương kim vô địch châu Á, hạng 12 thế giới) trong thời điểm hiện tại dù khoảng 20 năm trước xuất phát điểm gần như nhau. Thành phần tuyển Thái Lan hiện tại chỉ cao trung bình 1,75m (ngang ngửa tuyển VN) nhưng lại ở đẳng cấp hoàn toàn khác.

Một lãnh đạo có tâm huyết của VFV nhận định: “Thể trạng VĐV VN và Thái Lan khá tương đồng. Nhưng điểm khác biệt là người Thái làm việc bài bản, chú trọng đào tạo trẻ và biết tìm tòi nghiên cứu để tìm ra hướng đi riêng cho mình. Trong khi đó, VN có quá ít HLV bóng chuyền giỏi chuyên môn lẫn phương pháp sư phạm”.

Nhà báo Nguyễn Lưu (báo Đầu Tư) phân tích: “Cách nay gần 20 năm, bóng chuyền VN bắt đầu du nhập lối đánh chiến thuật một chân sau đầu học từ Trung Quốc. Những ngày đầu, lối đánh này làm ngất ngây người hâm mộ VN và cả khu vực Đông Nam Á bởi sự đẹp mắt, quyết liệt trên lưới. VĐV có đất phô diễn sự khéo léo của kỹ thuật nhỏ và vẫn được VN sử dụng đến ngày nay. Nhưng chính khuôn mẫu cũ kỹ này đang giết bóng chuyền VN khi vươn ra châu lục, thế giới nếu gặp các đối thủ cao lớn, mạnh mẽ”.

Khi chiến thuật một chân sau đầu của VN đang “làm mưa làm gió” tại Đông Nam Á, người Thái đã nhận ra nó không phù hợp với người Đông Nam Á vốn nhỏ con, nhất là khi phải đối đầu với những tay đánh khổng lồ của châu Âu, châu Mỹ. Với mục tiêu xa nhưng được vạch ra cụ thể, người Thái đổ tiền vào những cuộc nghiên cứu sáng tạo để tìm lối đi riêng. Họ vạch ra một chiến lược hẳn hoi để VĐV Thái Lan có khả năng đánh xa, đánh biến hóa sau vạch 3m. Lối đánh này làm đối phương khó phán đoán và cũng không đòi hỏi chủ công có chiều cao tốt. Nhà báo Nguyễn Lưu đúc kết: “Người Thái đang thành công với sáng tạo này và giới chuyên môn nhận định họ đã tìm ra một “định hướng” mới cho bóng chuyền thế giới”.

Ngoài ra Thái Lan cũng chăm lo công tác phát hiện tài năng trong học đường, đào tạo VĐV từ các tuyến năng khiếu và mở cửa cho VĐV đi đánh thuê tại châu Âu, châu Á (trong đó có VN) để tích lũy kinh nghiệm. Thật đáng buồn khi người Thái đã khẳng định được vị thế trên bản đồ bóng chuyền thế giới với những chiến thắng lịch sử trước các “bà lớn” như Trung Quốc, Cuba, Nhật Bản... trong khi đó bóng chuyền VN vẫn loay hoay ở Đông Nam Á và ngày vươn ra thế giới vẫn còn xa lắm.

Vũ Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục