Bí quyết để giành chiến thắng

16:05 Thứ sáu 21/09/2012

Không có con đường rải hoa dẫn tới vinh quang. Điều này đúng cả trong thể thao. Vì thế, các vận động viên đã phải trải qua rất nhiều khổ luyện mới mong lưu lại được dấu ấn. Và họ cũng phải tự tìm ra những cách riêng rất khác nhau trong luyện tập để hy vọng sẽ lập nên kỷ lục.

Nằm trên tổ kiến

Biathlon là một môn thi rất phổ biến trong các Thế vận hội mùa đông. Các vận động viên tham gia môn thi này phải thi trượt tuyết cùng với bắn súng trường. Trong những năm 70 của thế kỷ trước, Magnar Solberg (sinh năm 1937), người Na Uy, là một trong những tên tuổi nổi bật trong môn biathlon. Vận động viên này đặc biệt nhanh nhẹn và chuẩn xác khi phải nằm xuống bắn trên đường trượt. Về sau người ta mới biết, sở dĩ Solberg đã rèn được kỹ năng này là nhờ huấn luyện viên Martin Stokken đã luôn luôn chọn chỗ nằm bắn cho học trò của mình là một ổ kiến lớn. Tốc độ và sự tập trung mà người vận động viên đã đạt được khi vô số những con kiến bò lên trên mình sẽ gia tăng gấp bội trong thời tiết giá lạnh – và không một yếu tố bên ngoài nào có thể làm ảnh hưởng tới việc bóp cò chuẩn xác.

Thi cùng cá heo

Aleksandr Popov.

“Kình ngư” người Nga Aleksandr Popov (sinh năm 1971) từng phá kỷ lục Olympic năm 1992 (21,91 s) và phá kỷ lục thế giới năm 2000 (21,64 s) cự ly 50m bơi tự do. Anh từng được đánh giá là vận động viên bơi lội nhanh nhất thế kỷ XX. Đến một thời điểm nào đó trong sự nghiệp của mình, anh cảm thấy nếu chỉ thi tốc độ với con người thì không mấy thú vị nữa. Chính vì thế nên khi chuyển sang sống ở Australia cùng với huấn luyện viên Guennadi Turetsky của mình, Popov đã bắt đầu đua tốc độ với cá heo. Những buổi tập bơi thí nghiệp của nhóm thể thao do Turetsky chỉ đạo đã diễn ra ngay trong trại nuôi cá heo. Báo chí Australia khi đó đã rộ lên những bài viết về việc dường như người Nga đã tìm ra phương phát bí mật lướt như bay dưới nước. Tuy nhiên, dù đã rất cố gắng nhưng Popov vẫn không được lần nào bơi nhanh hơn cá heo cả.

Có tình có hơn

Anna Friesinger.

Anna Friesinger (sinh năm 1977) có thể được coi là một trong những huyền thoại của môn thể thao trượt tuyết của Đức. Chị từng ba lần vô địch ở các kỳ thi Olympic (năm 2002 ở cự li 1.500m; năm 2006 và 2010, giải đồng đội), sáu lần vô địch thế giới, nhiều lần vô địch châu Âu và Đức... Chị cũng là nữ vận động viên trượt tuyết duy nhất đã giành được chiến thắng trong tất cả bốn giải vô địch thế giới được tổ chức dưới danh nghĩa ISU (Hiệp hội Thể thao trượt tuyết thế giới). Mẹ chị là người Ba Lan, cũng từng là một vận động viên trượt tuyết. Chồng chị, Ids Postma, là vận động viên trượt tuyết nổi tiếng người Hà Lan, vô địch Olympic năm 1998 và nhiều lần vô địch thế giới...

Tại Olympic năm 2006 ở Turin, trước các nhà báo, Anna Friesinger đã nói không giấu giếm rằng, chị đã dành toàn bộ giai đoạn luyện tập cuối cùng cho việc... lên giường cùng Ids Postma, lúc đó mới là ý trung nhân của chị. Những vòng rèn luyện thể lực bằng tình yêu này đã dẫn chị tới huy chương đồng ở cự ly yêu thích nhất của chị cũng như tới với thắng lợi tập thể của đội tuyển Đức. Rốt cuộc là sau Thế vận hội này, chị đã đồng ý lên xe hoa với nhà vô địch người Hà Lan... Đáng tiếc là ở thời điểm đó, Ids Postma đã ngừng thi đấu, chứ không anh cũng đã có thể nâng cao kỷ lục của mình...

Thở cácbonic

Kình ngư người Nga Yevgeny Sadovy (sinh năm 1973), người hùng của Olympic 1992 ở Barcelona tập luyện để nâng cao đẳng cấp không phải bằng cách nhân đạo nhất: trong thời gian bơi thử giữa các cự ly, anh đã đeo một mặt nạ đặc biệt để thở không phải khí oxy mà là khí cácbonic. Khi bơi ở những cự ly trung bình - cự li sở trường đối với kình ngư người Nga này - sự thiếu hụt khí oxy càng trở nên rõ rệt, vì vậy, tập bơi mà không cần có nó chắc chắn sẽ là con đường ngắn nhất đi tới thành công. Tại Thế vận hội năm 1992, Sadoby đã mang về nhà 5 huy chương vàng thế vận hội. Cũng năm đó, anh được phong danh hiệu vận động viên công huân của nước Nga… Tuy nhiên, năm 23 tuổi, Sadovy đã thôi không tham gia thi đấu nữa vì lý do sức khỏe.

Nuy thành giỏi

Felix Magath.

Felix Magath (sinh năm 1953) từng là trung vệ trụ cột của đội tuyển Đức, vô địch châu Âu và hai lần giành huy chương bạc ở World Cup. Khi trở thành huấn luyện viên, ông đã nhận rèn cho câu lạc bộ Wolfsburg rất thường thường bậc trung. Để nâng cao năng lực thi đấu cho các cầu thủ, ông đã buộc học trò của mình phải tăng cường tập chạy, nhưng không phải ở trong sân vận động mà ra bãi tắm... nuy! Nhờ thế và tất nhiên cộng với các cải cách chuyên môn khác nên ngay trong mùa bóng 2007-2008, Felix Magath đã đưa Wolfsburg tới thành tích thi đấu tốt nhất trong lịch sử câu lạc bộ này: vị trí thứ năm trong giải vô địch CHLB Đức... Mùa bóng tiếp theo, Wolfsburg đã bất ngờ đoạt chức vô địch Bundesliga...

Ăn nhiều mới khỏe

Michael Phelps.

Huyền thoại của môn bơi lội Mỹ, Michael Phelps (sinh năm 1985) sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu thể thao tại London vừa rồi đã là chủ nhân của 18 huy chương vàng Olympic. Không chỉ thế, anh còn nổi tiếng là người phàm ăn: trước mỗi một cuộc thi, anh có thể tiêu hóa tới 12 nghìn calo, tức là gấp sáu lần mức ăn của những người bình thường. Sáu bánh sandwich, một đĩa trứng rán omelette 5 quả, cả chục cái bánh xèo, đó là khẩu phần bữa sáng của Phelps. Bữa trưa: nửa ký mì ống cộng với hai cái bánh pizza. Bữa tối: “mênh mông sơn hào hải vị”… Thực đơn này đã giúp Phelps luôn giữ được phong độ thi đấu đỉnh cao, có thể 5 ngày luyện tập liên tục mỗi ngày 6 giờ…

Muôn cách bôi trơn

Nazmi Avluca.

Các võ sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ trên sàn đấu có thể giành chiến thắng không chỉ nhờ thể lực mà cả những thủ thuật phương Đông tinh xảo. Phương pháp bôi trơn thân thể bằng dầu ăn để đối thủ không thể ôm chặt lấy mình được nghĩ ra chưa chắc đã ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng lại được các võ sĩ tại đây “nâng cấp” lên mức độ thượng thừa. Nazmi Avluca (sinh năm 1976) là một trong những chuyên gia bậc nhất trong thủ thuật này. Không ngẫu nhiên mà anh đă từng giành được hai lần danh hiệu vô địch thế giới, hai lần vô địch châu Âu và một huy chương đồng ở Thế vận hội 2008.

Khóc lên để hứng

Vận động viên nhảy sào Javier Sotomayor (sinh năm 1967) tới từ “hòn đảo Tự do” thường thực hiện các cú nhảy của mình sau một bài tập tâm lý độc đáo: đứng khóc trước gương. Đôi khi, do mắt đo khô lệ nên anh đành phải nhỏ vào mắt một thứ nước đặc biệt để “dòng châu” lại xối xả tuôn ra. Bao giờ cũng vậy, khóc được là Sotomayor lập tức trở nên sảng khoái và đầy hào hứng nhảy cao, khiến cho các đối thủ của anh sau cuộc thi đấu phải khóc thực sự.

Hiện nay, Sotomayor đang là người giữ kỷ lục thể giới về nhảy cao (từ ngày 8/9/1988).

Ngồi trong tủ lạnh

Vận động viên Anh gốc Somalia, Mohammed Farah (sinh năm 1983) phải tới sát tuổi tam thập mới giành được huy chương vàng thế giới đầu tiên của mình (năm 201). Để đạt được thành tích này, anh đã phải áp dụng thêm vào chế độ tập quen thuộc chạy hai trăm kilômét một tuần một số phương pháp mới và cả những dụng cụ phụ trợ gần với lĩnh vực khoa học viễn tưởng. Đó là sàn chạy chống sức hút để tăng ngưỡng vận tốc và máy tập dưới nước giúp giảm nguy cơ bị chấn thương. Sản phẩm mới nhất trong bí kíp của Farah là một khoang máy lạnh chứa đầy khí nitơ lỏng để anh ngồi vào xông hồi phục cơ bắp sau khi luyện tập căng thẳng.

Năm 2011, Farah được bình chọn là vận động viên điền kinh xuất sắc nhất châu Âu. Tại Olympich ở London vừa qua, anh đã giành được hai danh hiệu vô địch.

Bé rối truyền hình

Goran Ivanisevic.

Tay vợt rất mê tín người Croatia, Goran Ivanisevic, đã đi tới chiến thắng duy nhất của mình tại Wilbledon theo nghi thức quen thuộc trong thế giới thể thao: lặp lại mọi sự y như ngày đầu tiên của vòng thi đấu quyết thắng. Trước trận thắng với tay vợt người Thụy Điển Jonsson, Ivanisevich đã xem chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi Teletubbies (Bé rối). Kể từ đó, chương trình TV này đã mang lại cho anh thêm 7 lần may mắn nữa, cho tới trận cuối cùng với tay vợt lừng danh Rafter của Australia. “Thực tình thì tôi đã quá chán các bé rối này rồi!” - Ivanisevic nói với các phóng viên. Tuy nhiên, anh vẫn không chuyển sang kênh khác mà kiên nhẫn ngồi xem hết chương trình đó trước mỗi trận đấu ở Wimbldon năm 2001. Kết quả là năm đó anh đã giành được danh hiệu vô địch đơn nam

Hoàng Vĩnh Long | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục