Barcelona: Người khổng lồ giữa mê cung

16:41 Thứ tư 27/02/2013

Trận thua rạng sáng nay đã cho thấy tiki-taka, niềm tự hào của người khổng lồ Catalan đang thực sự gặp vấn đề.

Sau thời hậu Ronaldinho, lối đá của Barca dần được hoàn thiện và đưa lên tầm cao mới với phong cách xưa nay có một. Cũng vì quá tự tin với lối đá của mình mà trong suốt 5 năm vừa qua, lối đá của Barca không thay đổi và đang dần bị bắt bài. Vấn đề ở chỗ không phải là một hai trận thua ở giải quốc nội. Nó là quá ít so với chiến tích lừng lẫy của gã khổng lồ xứ Catalonia. Vấn đề chính là việc Barca không có một phong cách chơi nào khác ngoài trò "chơi bóng ma" và đang có hiện tượng thua liên tiếp ở các trận cầu lớn.

Những đội bóng Ý lần lượt khiến cho tiki-taka lộ ra những điểm yếu, đáng nói đến đầu tiên là tốc độ. Năm 2010, với hai mũi khoan Pandev và Eto'o, hàng công của Inter đã 3 lần chọc thủng lưới Barca và Samuel Eto'o đóng vai trò vô cùng quan trọng với khả năng khoan cánh khủng khiếp. Năm 2011 trong trận đấu C1 đầu tiên sau 6 năm với Milan, bóng ở giữa sân khi đồng hồ điểm giây thứ 18 của trận đấu, chỉ trong chưa đầy 5 giây, bằng một cú đẩy bóng Alexander Pato đã khiến cổ động viên đội nhà Camp Nou phải ngỡ ngàng khi chứng kiến đội bóng của mình bị thủng lưới ở giây thứ 23.

Liệu ngày về của Tito có giúp những đôi chân của "gã khổng lồ" bớt "cóng"? Ảnh: Internet.

Chưa hết, trong những lần đối đầu với hai đội bóng thành Milano, Sneijder, Seedorf và mới đây là Montolivo với đường chuyền cho B’Niang trong diễn biến bàn thắng thứ 2 của Milan đã cho thấy khả năng quan sát ngăn chặn các đường chuyền bổng cũng như phối hợp bọc lót của Barca kém tới mức độ nào, chứ chưa nói tới khả năng chống bóng bằng đầu. Dù cho chống bóng bổng đã được mặc định là một nhược điểm khó bỏ của Barca trong những năm trở lại đây, song với những cầu thủ kỹ thuật bậc nhất thế giới, việc kiểm soát bóng bổng từ đường chuyền của đồng đội so với việc cản phá đường chuyền của đối phương dường như là cả một khoảng cách lớn. Tại sao vậy?

Barcelona đã thi đấu như một cỗ máy. Chỉ biết dựa vào việc cầm bóng nhiều mà không có bất kỳ phương án nào trong suốt thời gian qua. Phòng ngự cũng dựa vào việc kiểm soát bóng trên sân. Với triết lý, cầm bóng nhiều đối thủ sẽ không có nhiều cơ hội tấn công. Nhưng có thật đúng thế không khi hai trận chiến gần đây, đối thủ của họ là AC Milan tấn công còn nhiều hơn Barcelona dù thống kê cho thấy Milan chỉ cầm bóng 35%. Tỉ lệ cầm bóng này cũng tương tự như Real sáng nay, các học trò của Mou cầm bóng 35% và sút ngang ngửa với Barca, nhưng hiệu quả thì gấp 3 lần.

Thời gian Pep còn dẫn dắt, nhiều người nói rằng vì lối đá của Barca chưa bị bắt bài nên việc gì Pep phải thay đổi. Nhưng trong trận thua Arsenal 2-1 trên Emirates, sau khi thay Villa ra khỏi sân Barca không làm gì hơn được ngoài việc chuyền đi chuyền lại ở giữa sân trước một Arsenal khí thế hừng hực. Việc thay cầu thủ bùng nổ duy nhất ghi bàn nâng tỷ số đang là 1-0 ra đã khiến Barca phải trả giá, đơn giản vì về mặt lối chơi sau khi thay người cũng chẳng khác là mấy. Các trận đấu bết bát gần đây, NHM đội bóng xứ Catalan cũng nói về việc thiếu vắng Tito khiến Barca trở lên khó khăn trong việc thay đổi cục diện. Nhưng có thực là như vậy, khi mà triết lý bóng đá của Barca đã ăn sâu vào máu của các cầu thủ và đẩy bất kỳ cầu thủ nào không đi theo phong cách này ra ngoài (Eto'o, Ibra, Bojan và sắp tới có thể là Villa...).

Trong các trận gần đây trước các đội bóng có đủ độ tinh quái và lão làng, Barca không thể làm gì hơn ngoài việc chuyền bóng. Hai chân chuyền cự phách như Xavi và Iniesta cũng không thể điều tiết trận đấu đi theo lối chơi sáng tạo bất ngờ như các nhạc trưởng huyền thoại Deco và Ronaldinho từng làm được. Thiếu sáng tạo dẫn đến lối chơi cứ rập khuôn thiếu sức sống. Barca tuy là chính mình nhưng đã quá bảo thủ trong chiến thuật đá bóng. Và sẽ không thể biện minh được điều gì khi trọng tài đã bắt chính xác hơn các trận cầu trước kia.

Nhưng giờ nếu phải thay đổi thì thay đổi như thế nào, có ai nghĩ với đội hình đang có Barca có thể chơi phòng ngự phản công? Mà việc gì họ phải đá thế khi mà họ có thể cầm bóng hơn 65% mỗi trận đấu. Nhưng phương án cầm bóng nhiều đã chẳng mang lại hiệu quả như trước. Thử tưởng tượng sắp tới Barca có thể chơi tạt cánh đánh đầu hoặc chuyền bổng, mà nếu chuyền bổng vào chân Ronaldo có lẽ sẽ là một thảm họa với Vandes hoặc Pinto.

Chúng ta chờ xem liệu ngày về của Tito có giúp đôi chân gã khổng lồ bớt cóng? Vì nếu cứ duy trì tình trạng bất ổn cả lối chơi lẫn phong độ thế này, Barca hôm nay sẽ theo gương Barca 1994. Nhưng biết đâu đấy, chơi chuyền bổng lại khiến cho Barca trở lên nguy hiểm hơn. Gã khổng lồ đã bị lạc vào mê cung chưa tìm thấy lối ra. Trong khi bầy kền kền đang bay lờn vờn trên cao với ánh mắt thèm khát được trút giận...

(Bạn đọc: Kissmickey)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập TinTheThao.com.vn

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục