Bao giờ TPHCM đăng cai SEA Games?

08:37 Thứ sáu 02/01/2015

Kể từ khi phối hợp cùng Hà Nội tổ chức SEA Games 22-2003 đến nay, đã có ít nhất 2 lần TPHCM bày tỏ ý định đăng cai một kỳ SEA Games. Lần đầu dự kiến là SEA Games 2017, tuy nhiên do Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc đến tận năm 2012 vẫn chưa hoàn thành việc phê duyệt nên Ủy ban Olympic Việt Nam đề xuất TPHCM sẽ đăng cai kỳ SEA Games 2021. Về lý thuyết, chỉ cần nộp đơn xin đăng cai thì Việt Nam sẽ là chủ nhà của kỳ SEA Games 31 và nếu tính từ thời điểm này, vẫn còn đến 7 năm để chuẩn bị, nhưng trên thực tế TPHCM vẫn chưa có đề án cụ thể.

Hiện chỉ còn Nhà thi đấu Phú Thọ thường xuyên tổ chức các giải đấu quốc tế.

Vướng mắc nằm ở chỗ, nếu đăng cai SEA Games 2021, toàn bộ cơ sở vật chất của TPHCM hiện nay phải được đầu tư mới do đã ở tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, như trường hợp sập trần nhà thi đấu Phan Đình Phùng mới đây. Các cơ sở hiện đại phục vụ SEA Games 2003 cũng khó ở tình trạng tốt nhất sau 20 năm hoạt động và hiện thời, cũng chỉ có Nhà thi đấu Phú Thọ còn giữ được “đẳng cấp” quốc tế mà thôi. Như vậy, để đăng cai SEA Games, TPHCM buộc phải hoàn thành công trình trọng điểm gần 20 năm nằm trên giấy là Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, đồng thời phải nâng cấp toàn bộ khu vực trường đua Phú Thọ, tức là phải giải bài toán kinh phí có thể nói là khổng lồ.

Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 vừa qua, đoàn TPHCM vẫn giữ được vị trí thứ 2. Tuy nhiên, nếu xét ở bình diện rộng hơn, sự đóng góp của thể thao TPHCM tại các kỳ SEA Games và Asiad ngày càng kém do những môn được xem là thế mạnh hiện không còn… mạnh nữa ngoài sự xuất sắc của Thạch Kim Tuấn ở môn cử tạ. Thể thao TPHCM đang rất cần một cú hích cả về chất lẫn lượng và việc đăng cai SEA Games là cơ hội đó.

Hiện ngành thể thao TP chưa “dám” nghĩ đến chuyện đăng cai SEA Games trong bối cảnh mà ngân sách còn hạn hẹp, quá trình xã hội hóa thậm chí còn thụt lùi thông qua việc những giải đấu đỉnh cao truyền thống dần biến mất. Những cơ sở vật chất đang xuống cấp dần mà vẫn không có nguồn đầu tư để giữ lại cơ sở hạ tầng, tránh tình trạng chuyển đổi công năng vì không khai thác hiệu quả. Ngay như việc đầu tư xây dựng trung tâm huấn luyện tại Phú Thọ, kể từ khi trường đua chấm dứt hoạt động đến nay đã 2 năm, vẫn giậm chân tại chỗ.

Có lẽ, ngành thể thao TPHCM cần mạnh dạn thực hiện những đề xuất táo bạo, mang tính đột phá bao gồm cả chiến lược đăng cai SEA Games để thay đổi mọi thứ đang đi dần vào lối mòn như hiện nay.

Ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, cho biết: “TPHCM vẫn còn một số băn khoăn, trăn trở. Taekwondo, điền kinh, karatedo, pencak silat, karatedo… thi đấu chưa đạt yêu cầu. Cơ sở vật chất đào tạo đỉnh cao còn hạn chế. Chưa tiến hành cải tạo, xây dựng Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT (khu vực trường đua Phú Thọ cũ) do vướng quy hoạch. Khu liên hợp Rạch Chiếc cũng còn quá nhiều khó khăn. Các liên đoàn, hội tuy có nhiều nỗ lực nhưng một số hoạt động còn yếu. Trong năm 2015, chúng tôi tập trung cho quy hoạch 1/2.000 khu vực trường đua Phú Thọ cũ, trong khi chờ đợi bước thứ hai là quy hoạch 1/500 và thiết kế xây dựng mới khu vực này, ngành sẽ xin chủ trương tạm cải tạo, sửa chữa trên mặt bằng hiện có để đưa vào phục vụ ngay các môn thể thao đang tập luyện tại đây”.

Đăng Linh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục