Ai thắng, ai thua trong cuộc chiến truyền hình? Kỳ 2: Chưa kết thúc, nhưng VPF đã thắng "Cuộc chiến"

10:20 Thứ sáu 24/02/2012

Khi kết luận thanh tra được công bố, ngay lập tức, xuất hiện một luồng thông tin cho rằng VPF đã quá đà khi gây chuyện ầm ĩ về hợp đồng VFF-AVG. Nói cách khác, người ta cho rằng VPF đã thua trong “cuộc chiến” này. Thực tế là ngược lại.

Từ buổi họp báo bất thường của AVG

Sau khi có kết luận thanh tra, bầu Kiên cho biết AVG có mời gặp mặt vào ngày 20-2. Tuy nhiên, cuộc gặp đã không diễn ra đúng lịch mà được dời sang sáng hôm sau, thay vào đó là buổi họp báo khá đột ngột của AVG vào chiều 20-2. Tại sao AVG lại họp báo mà không đợi đến khi gặp VPF? Tại sao giữ im lặng suốt mấy tháng trời trước sự “hùng hổ” của VPF nhưng lại đúng lúc kết luận thanh tra đem lại “phần thắng” cho mình thì AVG lại gặp báo chí để “thanh minh” về tính chất của bản hợp đồng? Phải chăng, chính kết luận của thanh tra đã khiến AVG từ chỗ “thắng”, trở thành “thua”? Rõ ràng, trong buổi họp báo hôm đó, đại diện của AVG đã có những phát ngôn thể hiện không ít sự bực bội trước các câu hỏi gay gắt về những điểm bất lợi của bản hợp đồng đó với bóng đá Việt Nam.

Cuộc họp giải quyết về bản quyền truyền hình giữa VFF - VPF dưới sự chủ trì của lãnh đạo Tổng cục TDTT và Bộ VH-TT&DL. Ảnh: Quang Thắng

Cũng cần phải nhắc lại, trước khi “cuộc chiến” bắt đầu, AVG kiên quyết không chịu gặp VPF, nhưng ngay khi có kết luận thanh tra, họ lại chủ động mời bầu Kiên. Bất ngờ hơn, trong buổi gặp sáng 21-2, các lãnh đạo VPF lại rất mềm mỏng, chẳng đá động gì đến hợp đồng, chỉ nhắc nhở AVG 2 điều kiện: ưu tiên phủ sóng VTV và nâng giá bản quyền lên để các CLB có thêm doanh thu. Chẳng có lý do gì để AVG phản đối 2 đề nghị hết sức khôn ngoan ấy của VPF, bởi điều đó có lợi cho bóng đá Việt Nam từ người xem truyền hình đến các đội bóng.

Đấy chính là “cú ra đòn” hiểm của VPF và AVG đối diện với nguy cơ “tung cờ trắng”.

Nhưng vì sao?

VPF thắng ngay từ lúc bắt đầu

Với ngồn ngộn thông tin đa chiều trên các phương tiện truyền thông, những ai quan tâm đến “cuộc chiến” này đều dễ bị cuốn theo diễn biến của sự việc mà bỏ qua một số chi tiết khác quan trọng.

Đầu tiên, cần phải thấy rằng, những ông bầu của VPF đều là những doanh nhân sừng sỏ mà nói theo ngôn ngữ dân gian là “đầu có đến mấy thứ tóc”. Cũng xin nhớ rằng, Chủ tịch VPF là bầu Thắng, từng là đại biểu Quốc hội, tức người làm luật, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam, nổi tiếng về sự cẩn trọng trong hành động. Chắc chắn một điều là các ông bầu - doanh nhân đó nắm rõ luật trong lòng bàn tay. Họ dư sức biết rằng, hợp đồng VFF-AVG làm sao có thể vi phạm pháp luật được khi trên VFF còn có Bộ chủ quản. Làm gì thì làm, phải có sự thông qua của cấp trên thì VFF mới dám đặt bút ký.

Biết là hợp đồng không sai nhưng sao VPF vẫn cứ nhấn mạnh vào các yếu tố pháp luật? Tại sao họ liên tục tuyên bố một cách cứng rắn về việc sẽ kiến nghị lên những cấp cao hơn, thậm chí là đưa vụ việc lên đến Thủ tướng Chính phủ. Một bản hợp đồng dân sự như vậy, nếu có sai, chỉ cần ra tòa là đủ.

Phân tích đến đây, chúng ta có thể nhận ra được bản chất của các phản ứng từ VPF. Việc kiến nghị về tính pháp lý của hợp đồng thực tế chỉ là “hư chiêu”. Mục đích chính của VPF là gây ra một sự kiện để buộc các bên liên quan phải công khai một phần nào đó chi tiết của bản hợp đồng. Chắc chắn là các ông bầu VPF cũng đã có trong tay bản photo của hợp đồng nhưng họ không thể công bố được vì như thế là phạm luật. Bằng việc khuấy tung dư luận, rốt cuộc thì hợp đồng VFF-AVG cũng được dư luận biết đến thông qua kết luận thanh tra.

VPF chỉ cần bấy nhiêu đó thôi. Hay nói cách khác, VPF đã thắng ngay từ lúc bắt đầu “cuộc chiến” khi đặt VFF lẫn AVG vào thế bị dư luận soi xét. VPF “ra đòn” bằng những tuyên bố của bầu Kiên mà về mặt pháp luật thì chẳng có cớ gì để nói là ông này sai cả. Điều khôn ngoan của các ông bầu VPF là chỉ đứng trên quan điểm của mình mà phát ngôn. Họ có quyền làm điều đó và dư luận, ngay lập tức, bị cuốn theo.

VPF đã thắng như thế nào?

Muốn biết VPF thắng gì thì chỉ cần quay lại nguyên nhân của “cuộc chiến”. Từ việc phải chi “bồi dưỡng truyền hình”, thông qua “cuộc chiến” này, gần như toàn bộ các trận đấu của V-League đều được THTT mà các CLB chẳng tốn đồng nào nữa. Trước áp lực của VPF và dư luận, đặc biệt là sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, AVG bắt buộc phải “gồng mình” để phủ sóng đầy đủ các trận đấu với mục tiêu “phục vụ người hâm mộ”. Đấy là lý do mà đề nghị thứ nhất của VPF trong buổi gặp AVG sáng 21-2 là phải “ưu tiên phát sóng lên VTV”.

Chiến thắng kế tiếp của VPF chính là kiểu gì thì AVG vẫn phải nâng số tiền trả cho bản quyền. Không lúc này thì lúc khác nếu như họ vẫn tiếp tục giữ hợp đồng trong 20 năm. VPF chẳng còn đả động đến tính chất pháp lý của hợp đồng, họ chỉ yêu cầu AVG những điều có lợi cho bóng đá Việt Nam mà chắc chắn, nếu từ chối thì AVG sẽ phải hứng chịu sự chỉ trích của dư luận. VPF đẩy AVG vào cái thế: nếu muốn tiếp tục hợp đồng thì phải điều chỉnh.

Đấy là nguyên nhân khiến AVG phải tổ chức buổi họp báo đột ngột ngày 20-2. Trước khi gặp VPF, dường như AVG đã cảm thấy mọi thứ tuột khỏi tầm tay mình.

Chiêu PR thượng hạng

Khi phía AVG và VFF án binh bất động thì các vị lãnh đạo VPF làm việc như “điên cuồng” trong suốt thời gian “cuộc chiến”. Những doanh nhân bận trăm công ngàn việc ấy tự nhiên đủ thời gian gặp gỡ với giới báo chí theo những cách hết sức… chân tình.

Bầu Kiên là “chủ xị” nhưng như đã có một kịch bản từ trước, thi thoảng bầu Thắng và bầu Đức vẫn có những phát biểu lúc thì ôn hòa, lúc thì gay gắt để gia tăng độ “nóng” trên các mặt báo. Thậm chí, ở đoạn sau của “cuộc chiến”, đến lượt Trưởng ban kiểm soát Lê Tiến Anh cũng gởi “tâm thư” cho báo chí. Người ta đồn rằng, việc VPF mất kiểm soát ở 3 vòng đấu đầu tiên của Super League nhưng rồi lại đưa mọi thứ trở nên “êm ru” ở 3 vòng tiếp theo cũng là một phần trong kịch bản của một kế hoạch “PR thượng hạng” đã được lập trình từ lúc nào không biết.
Hồ Việt | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục