Hoàng Xuân Vinh luôn ngắm bắn bằng hai mắt nhưng vẫn bắn chính xác, đạt nhiều thành tích cao. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đó chỉ là 2 trong số những bí mật thú vị được xạ thủ sinh năm 1974 này chia sẻ với truyền thông.
Sợ côn trùng: Là tay súng dày dạn kinh nghiệm, thi đấu quốc tế gần 20 năm, đối mặt với vô số thách thức nhưng Hoàng Xuân Vinh lại rất sợ côn trùng như dế, sâu róm hay nhện. Còn về món ăn, xạ thủ sinh năm 1974 này thích ăn các loại rau củ quả, mê những món Hàn Quốc vốn vừa chua, vừa cay.
Đoạt huy chương thế giới bằng súng đi mượn: Cuối năm 2015, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh được Liên đoàn bắn súng thế giới (ISSF) mời đích danh dự nội dung 50 m súng ngắn bắn chậm ở thế giới tại Munich (Đức). Do gặp trục trặc ở khâu vận chuyển nên súng và đạn của anh bị giữ lại sân bay Nội Bài, không thể đến nơi thi đấu đúng lịch.
Bất đắc dĩ, Hoàng Xuân Vinh phải đi mượn súng, vốn là điều cấm kỵ đối với các xạ thủ. May thay, anh được một nhà sản xuất cho mượn một khẩu súng mới nhất để tranh tài. Sau đó, anh phải bỏ tiền túi để mua đạn thi đấu. Dù không có thời gian để tập luyện, quen súng nhưng anh vẫn xuất sắc giành HCB. Đây có lẽ là một trong những thành tích đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của anh.
Mất HCV vì lỡ để súng bóp cò: Tại ASIAD 2010, Hoàng Xuân Vinh thi đấu cực tốt ở nội dung 25 m súng ngắn ổ quay. Ở 9 loạt bắn đầu tiên, anh dẫn đầu, bỏ khá xa các đối thủ. Chỉ cần bắn được 7 điểm ở loạt cuối cùng, anh sẽ nắm chắc HCV. Nhưng do quá căng thẳng, anh lỡ để súng bóp cò, bắn trượt mục tiêu. Từ vị trí quán quân, anh rơi xuống vị trí thứ 13. Không chỉ mất HCV cá nhân trong tầm tay, “tai nạn” này còn khiến bắn súng Việt Nam trắng tay ở nội dung đồng đội.
IMG here |
Chiếc nhẫn bằng lông đuôi voi được Hoàng Xuân Vinh xem là vật may mắn. Ảnh: Internet. |
Điều mong mỏi nhất: Thương xuyên tập luyện, thi đấu xa nhà nên Hoàng Xuân Vinh có rất ít thời gian dành cho gia đình. Vì thế, điều anh mong mỏi nhất là có nhiều thời gian để gặp vợ con, chăm sóc họ để bù đắp phần nào khi anh vắng mặt. Anh có 2 con nhỏ, bé gái Tuệ Minh (học lớp 9) và bé trai Nam Trung (học lớp 2). Vợ anh – chị Giang cũng tâm sự mơ ước lớn nhất của mình là gia đình có một ngày cùng nhau đi chơi xa nhưng mãi vẫn không thực hiện được.
Đeo nhẫn lông đuôi voi để lấy may: Bắn súng là môn rất căng thẳng, đòi hỏi sự tập trung tối đa. Thành công đôi lúc phụ thuộc rất nhiều vào may mắn. Hoàng Xuân Vinh cũng như nhiều VĐV khác luôn có chút ít tâm linh trước khi bước vào tranh tài, vì thế anh luôn đeo một chiếc nhẫn đuôi voi để lấy “hên”. Dường như điều đó đã phát huy tác dụng ở Brazil khi anh bắn viên đạn cuối đạt 10,7 điểm, vượt qua đối thủ đúng 0,2 điểm để giành HCV.
Ngắm bắn bằng hai mắt: Khác với các VĐV khác thường ngắm bắn bằng một mắt, nhà vô địch Olympic của Việt Nam ngắm bằng hai mắt. Anh thừa nhận tuy dùng hai mắt nhưng vẫn có thể tập trung trí lực và tinh thần vào một mắt để ngắm bắn đạt thành tích ứng ý.
Rèn luyện kiểu “khổ sai”: Đến Olympic, Hoàng Xuân Vinh được phát một chiếc điện thoại xịn. Nhưng HLV Nguyễn Thị Nhung đã cấm anh đụng đến nó, không giải trí, không xem tivi để tập trung cao nhất cho giải đấu. Đồng thời hàng ngày anh cũng phải ngủ sớm theo đúng quy định.
Có khiếu vẽ tranh: Ngoài tài năng bắn súng, Hoàng Xuân Vinh còn rất thích vẽ tranh và có năng khiếu hội họa thật sự. Anh tâm sự: “Trong một lần cùng HLV Nguyễn Thị Nhung ăn ở một quán tại Hàn Quốc, thấy người thầy của mình cứ say mê ngắm một bức tranh nổi tiếng, tôi đã chụp lại. Sau khi từ Olympic trở về, tôi sẽ vẽ một bức tranh giống như thế để tặng HLV Nguyễn Thị Nhung”.
Thần tượng ai: Thần tượng của Hoàng Xuân Vinh là xạ thủ huyền thoại của Việt Nam một thời Trần Oanh – người từng đoạt HCV và phá kỷ lục thế giới năm 1962. Câu nói tâm đắc của anh là: “Huy chương cũng là cách có thêm đồng tiền trang trải cuộc sống. Song, bản lĩnh chỉ đến khi người ta được tôi luyện trong môi trường khắc nghiệt thực sự. Đó là những cuộc đấu sức, đấu trí, là trách nhiệm với quốc gia, với chính bản thân mình”.
Không bắn súng sẽ làm gì: Hoàng Xuân Vinh xuất thân là lính công binh, công tác tại Lữ đoàn 239 (Thường Tín, Hà Nội). Năm 26 tuổi, anh chính thức được gọi vào đội tuyển bắn súng quốc gia khi đang là sĩ quan chỉ huy. Nếu không có cú rẽ ngang định mệnh đó, bắn súng Việt Nam sẽ không có một VĐV xuất sắc, làm rạng danh cho thể thao nước nhà.